Áp lực ngành mía đường

Thứ Tư, ngày 25/05/2022 | 19:33

Trước khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm đường, sự cạnh tranh và phá vỡ mối liên kết trong sản xuất, cũng như diện tích vùng mía nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp đang tạo ra những áp lực không nhỏ cho ngành mía đường.

Nông dân trồng mía Hậu Giang mong muốn những chính sách đầu tư trực tiếp của Casuco sẽ đến với bà con sớm và kịp thời hơn.

Nỗi lo đường tồn kho, diện tích mía giảm

Vụ sản xuất 2021-2022 của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời, tình hình nguồn mía nguyên liệu tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, để giúp người dân Hậu Giang và vùng ĐBSCL tiêu thụ hết diện tích mía trong điều kiện khó khăn vì dịch Covid-19, Casuco tiến hành sửa chữa trang thiết bị và chính thức bắt đầu vào vụ ép từ ngày 9-12-2021, đồng thời kết thúc vụ ép vào ngày 22-1-2022.

Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, thông tin: Sau thời gian nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 để hoàn thành việc tiêu thụ hết diện tích mía cho người dân thì hiện Casuco tiếp tục gặp một áp lực không nhỏ là tình trạng đường tồn kho tại nhà máy đường tương đối lớn. Cụ thể, trong vụ sản xuất 2021-2022 vừa qua, tổng sản lượng mía ép của công ty đạt 70.623 tấn mía và sản xuất ra được 7.078 tấn đường. Trong tổng số sản lượng đường sản xuất được thì hiện Casuco chỉ tiêu thụ được hơn 1.000 tấn.

Cũng theo ông Chung, nguyên nhân làm cho lượng đường tồn kho của công ty tương đối lớn là do thị trường tiêu thụ đường đang gặp nhiều khó khăn từ đường nhập lậu. Theo đó, thị trường đường nội địa đang bị cạnh tranh khốc liệt, bất bình đẳng bởi hàng lậu và gian lận thương mại khiến đầu ra của đường sản xuất từ cây mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được và phá hủy chuỗi liên kết mía đường; đặc biệt, giá đường tại thị trường Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, trong khi giá thành sản xuất đường lại ở mức cao do ảnh hưởng dịch Covid-19 và nhiều khoản chi phí tăng thêm khác.

Không riêng gì Casuco gặp khó về đường tồn kho mà theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kể từ tháng 1-2020, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực đối với mặt hàng đường thì việc bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ chịu thuế suất 5%; cũng từ đây, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng vì ảnh hưởng môi trường kinh doanh. Cụ thể, trong những năm gần đây, đường phá giá từ Thái Lan đã bằng nhiều cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam, dìm giá đường xuống dưới giá thành sản xuất của đường trong nước, từ đó các nhà máy khi sản xuất ra đường phải thường xuyên chịu cảnh đường tồn kho hoặc bán dưới giá thành nên dẫn đến thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam. Minh chứng là hiện có trên 50% nông dân đã không còn gắn bó với cây mía mà chuyển sang cây trồng khác và có 1/3 số nhà máy đường buộc phải đóng cửa do lâm vào cảnh thua lỗ.

Chia sẻ tình hình thực tế tại địa phương mình, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Vào những năm “hoàng kim” của ngành mía đường thì khi ấy diện tích trồng mía của tỉnh Hậu Giang có niên vụ đạt gần 15.000ha và Hậu Giang là tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất của ĐBSCL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của ngành mía đường, giá bán mía nguyên liệu ở mức thấp và kéo dài đã làm cho nông dân trồng mía không có nguồn lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ nên diện tích trồng mía của tỉnh đã giảm mạnh trong những năm gần đây do bà con chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác. Cụ thể là trong niên vụ mía đang canh tác, tổng diện tích mía của tỉnh chỉ còn 3.842ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Ngoài diện tích mía giảm thì trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 1/3 nhà máy đường hoạt động là Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco.

Ông Nguyễn Văn Bền, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Bên cạnh việc nhiều năm liền người dân không có nguồn lợi nhuận từ cây mía do giá bán thấp thì một yếu tố khác làm cho bà con từ bỏ cây mía là việc thiếu hụt nhân công lao động ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng. Điển hình như gia đình tôi, nếu trước đây canh tác đến 5ha mía thì hiện diện tích đã giảm đi phân nửa để chuyển sang trồng cây ăn trái vì luôn gặp áp lực về thiếu hụt nhân công lao động. Nếu tình hình khó khăn của cây mía không được tháo gỡ thì diện tích mía của gia đình tôi sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh mới đây, ông Trần Ngọc Hiếu (đứng), Chủ tịch HĐQT Casuco, cam kết sẽ có kế hoạch chiến lược để vực dậy vùng mía tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Đề ra nhiều giải pháp

Trước những áp lực, khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh đang gặp phải thì nhà máy đường và ngành chức năng của tỉnh đã đề ra những giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco, cho hay: Trong quá trình sản xuất thì Casuco luôn xác định vùng mía nguyên liệu còn và phát triển thì Casuco mới tồn tại để phát triển sản xuất. Do đó, khâu đầu tư vùng mía nguyên liệu luôn được Casuco đặc biệt quan tâm bằng việc thực hiện nhiều chính sách thiết thực. Trong đó, Casuco sẽ tiếp tục thực hiện chính sách như đã làm có hiệu quả trong những vụ mía vừa qua là đầu tư vốn trực tiếp để nông dân mua phân bón, mía giống, cải tạo đất, chăm sóc mía, thu hoạch vận chuyển… Và nguồn vốn này sẽ được Casuco thu hồi khi bà con bán mía cho Casuco. Đặc biệt, Casuco sẽ tính toán và có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn đầu tư trực tiếp được kịp thời hơn theo đề xuất của bà con trồng mía. 

Ngoài chính sách đầu tư vốn trực tiếp, Casuco sẽ đề ra kế hoạch chiến lược phục hồi vùng mía nguyên liệu bằng cách phối hợp với các ngành chức năng trong việc nghiên cứu, lai tạo những giống mía chất lượng, phù hợp với từng vùng đất, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và ổn định vùng mía nguyên liệu.

“Casuco phấn đấu sớm vực dậy diện tích mía của nông dân được ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty từ 1.500ha trong vụ mía vừa qua lên 3.000ha trong thời gian tới. Khi vùng mía nguyên liệu được khôi phục và ổn định thì ngoài Nhà máy đường Phụng Hiệp, tới đây Casuco sẽ tính toán đến việc khôi phục lại sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh. Mặt khác, Casuco cũng đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan của tỉnh Hậu Giang có giải pháp kiến nghị với Trung ương về thực trạng khó khăn trong tiêu thụ đường hiện nay để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp được kịp thời; đồng thời có thêm những chính sách cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco, cho biết thêm.

Mới đây, tại chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Casuco về tình hình sản xuất của đơn vị, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh: Trong quá trình hoạt động sản xuất thì Casuco cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 bên là doanh nghiệp, người trồng mía và người lao động, trong đó lấy người trồng mía là trọng tâm để ổn định vùng mía nguyên liệu. Để làm được vấn đề trên thì Casuco cần quan tâm về giá thu mua mía làm sao đảm bảo mức lợi nhuận tốt để bà con an tâm gắn bó với cây mía dài lâu. Bên cạnh đó, Casuco sớm xây dựng và thực hiện kế hoạch về chiến lược phục hồi vùng mía nguyên liệu và nhà máy đường, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và tài chính tại đơn vị. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường phối hợp hơn với Casuco trong việc thực hiện các giải pháp hướng dẫn người dân trồng mía đạt hiệu quả, đồng thời tham gia vào bản ký kết hợp đồng bao tiêu mía giữa Casuco với người dân nhằm tăng tính bền vững…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC 

Viết bình luận mới

Xem thêm

Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

08:14 20/11/2024

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Liên minh HTX tỉnh đã và đang tăng cường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.

Sôi động thị trường hoa, quà tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam

17:36 19/11/2024

(HG) - Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thị trường hoa và quà tặng tại Hậu Giang đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Nâng cao giá trị sản xuất từ sản phẩm OCOP

06:31 18/11/2024

​​​​​​​Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Vị Thanh ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về sản phẩm, đáp ứng các quy chuẩn, an toàn thực phẩm và có thương hiệu trên thị trường.

Ngành điện đẩy mạnh lắp công tơ điện tử

15:07 14/11/2024

(HGO) - Với mục tiêu đến ngày 15-12-2024 sẽ hoàn thành 100% công tơ điện tử bán điện khách hàng trong tỉnh, Điện lực Phụng Hiệp đã ra quân lắp đặt công tơ điện tử cho người dân, với tổng số khoảng 25.000 công tơ điện tử. Sau khi hoàn tất lắp đặt tại huyện Phụng Hiệp, sẽ tiến hành lắp đặt tiếp tục tại thành phố Ngã Bảy, với tổng số hơn 10.300 công tơ điện tử và

Nhà máy Điện rác Hòa An sẵn sàng vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại

09:53 13/11/2024

(HG) - Chiều ngày 12-11, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo Nhà máy Điện rác Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Phụng Hiệp.

Sản phẩm xanh chinh phục thị trường khó tính

07:18 12/11/2024

Nhạy bén nắm bắt thị hiếu cùng tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nhiều doanh nghiệp đã và đang kinh doanh những sản phẩm xanh, thân thiện, từng bước chinh phục thị trường khó tính.  

Đầu tư trên địa bàn tỉnh 5 công trình lưới điện 110kV

08:02 07/11/2024

(HG) - Năm 2024, Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh 5 công trình lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư 572,89 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm 4 công trình chuyển tiếp từ năm 2023 và 1 công trình mới (nâng công suất trạm 110kV Phụng Hiệp từ 2x25MVA lên 2x40MVA). Với khối lượng đầu tư bao gồm: Đường dây 110kV xây dựng mới 68,45km; đường dây 110kV cải tạo 65,8km; trạm biến áp 120MVA (gồm trạm Tân Phú Thạnh và trạm Phụng Hiệp).

Tập huấn về hoạt động xuất nhập khẩu trong hội nhập kinh tế quốc tế

08:52 06/11/2024

(HG) - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoạt động có hiệu quả đạt được lợi nhuận cao, hạn chế tối đa những tác động bất lợi cũng như nắm bắt cơ hội mà Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại; đồng thời góp phần tăng trưởng GDP của tỉnh,

10 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,8%

07:53 05/11/2024

(HG) - Dự tính 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 267 doanh nghiệp và trên 4.212 cơ sở cá thể sản xuất công nghiệp đang hoạt động sản xuất trong ngành này,

Cẩn trọng chiêu trò mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo

07:06 01/11/2024

Gần đây, Công ty Điện lực Hậu Giang liên tục nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc bị quấy rối bởi cuộc gọi từ số lạ tự xưng là nhân viên điện lực để lừa đảo, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành điện.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Điểm tin sáng 24-11: Vì sao nhiều người thi xong nhưng chưa có bằng lái xe ?

06:00 24/11/2024

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) được công nhận bảo vật quốc gia; Puerto Rico đăng quang Mr World 2024; Thanh Hằng... rơi cánh trên sàn catwalk; Google bị chính quyền Mỹ ép bán trình duyệt web Chrome.

Ông Lê Tiến Châu tặng cho Hậu Giang 800 triệu đồng thực hiện an sinh xã hội

05:16 24/11/2024

(HG) – Chiều muộn ngày 23-11, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đến hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Khánh thành cầu nông thôn Khang Đức trị giá trên 1 tỉ đồng

16:10 23/11/2024

(HGO) - Quỹ Nam Phương cùng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) vừa phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cầu Khang Đức nối liền 2 ấp Tân Phú A và Tân Long A của thị trấn Cái Tắc.

Mô hình lúa chất lượng cao giúp người dân ĐBSCL giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận

13:29 23/11/2024

(HG) - Sáng ngày 23-11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.