Xúc tiến thương mại: “Chìa khóa” mở cửa thị trường tiêu thụ

24/06/2024 | 07:07 GMT+7

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng như phát triển giao thương được tỉnh đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức. Thông qua các hoạt động kết nối đã giúp nhiều doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm được đầu ra, phát triển sản xuất.

Đại diện Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức và Công ty TNHH Niềm My của Hậu Giang trao đổi với Công ty Cổ phần tập đoàn Ecofarm Pay.

Khai thác thêm nhiều thị trường mới

Thực hiện Chương trình XTTM tỉnh Hậu Giang năm 2024, Sở Công thương tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Từ nguồn vốn khuyến công và XTTM, Sở Công thương còn tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển.

Sở Công thương luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình XTTM cấp quốc gia của Bộ Công thương để kết nối cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia, từ đó doanh nghiệp có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sở đã giới thiệu, triển khai hoạt động XTTM với các tỉnh, thành phố và trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối lớn, điểm bán hàng OCOP ở những địa phương trong cả nước.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành công thương tỉnh đã tổ chức 3 đoàn cán bộ và doanh nghiệp với 14 lượt doanh nghiệp tham gia chương trình Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024; Hội báo toàn quốc năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình kết nối giao thương (B2B) giữa các nhà cung cấp khu vực Bắc Trung bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại tỉnh Quảng Trị.

Gần đây nhất, Chương trình kết nối giao thương (B2B) giữa các nhà cung cấp khu vực Bắc Trung bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM diễn ra vào ngày 7-6 tại tỉnh Quảng Trị là hoạt động XTTM có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo cơ hội giao lưu hợp tác kinh tế, kết nối giao thương, hỗ trợ để cùng nhau phát triển, góp phần nâng cao năng lực và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà phân phối các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Hội nghị có sự tham gia của hơn 80 nhà cung cấp, 10 nhà phân phối, hệ thống siêu thị, đơn vị xuất khẩu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Dịp này, Hậu Giang có 8 doanh nghiệp, HTX tham gia trưng bày với các mặt hàng OCOP, đặc trưng của địa phương như sản phẩm cá thát lát rút xương, trà mãng cầu, bún gạo Huỳnh Đức, rượu truyền thống Út Tây…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phượng, Công ty TNHH Thực phẩm Diễm Phượng, cho biết: “Đến với Chương trình kết nối giao thương lần này, chúng tôi mang đến sản phẩm trà mãng cầu với mong muốn kết nối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức XTTM tại nước ngoài, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào mạng lưới phân phối ở nước ngoài. Tại hội nghị, chúng tôi đã ký được 5 hợp đồng ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecofarm pay, Công ty Melifood, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Đông Hà, Siêu thị Thái Hậu”.

Còn đối với bà Võ Thị Phương Trang, Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở huyện Phụng Hiệp thì đây là dịp để các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu, đơn vị phân phối khu vực Bắc Trung bộ và cả nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước và xuất khẩu. Cũng thông qua hoạt động này, cơ sở học hỏi được thêm kinh nghiệm từ đối tác, bạn hàng cũng như nắm bắt xu hướng hiện nay của khách hàng để phát triển các sản phẩm ngày một tốt hơn.

Chương trình đã giúp các doanh nghiệp trong khu vực kết nối, trao đổi, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến trên 35.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Đây được đánh giá là hoạt động XTTM cấp khu vực quan trọng và lần này có 23 biên bản ghi nhớ hợp tác làm nhà phân phối, đại lý được ký kết với các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hậu Giang. 

Theo ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang, thông qua các hoạt động XTTM, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và đặc biệt là sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, giúp người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc trưng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất và phân phối. Qua thống kê từ các hoạt động XTTM của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, có gần 30.000 lượt khách đến tham quan tại các gian hàng sản phẩm của tỉnh, trong đó có khoảng 1.300 lượt khách giao lưu, trao đổi các thông tin về sản phẩm của địa phương.

Đặt ra nhiều nhiệm vụ

Để tiếp tục đưa hàng hóa, sản phẩm của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM. Trong đó, chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ XTTM, hỗ trợ về khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, đưa sản phẩm Hậu Giang trở thành hàng hóa có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác XTTM, Sở Công thương tỉnh và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tăng cường tiêu thụ nông sản qua các kênh liên kết.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành công thương tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động XTTM như: Tham gia trưng bày tại Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Hậu Giang năm 2024; Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tuần lễ sản phẩm OCOP Hậu Giang tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “phi truyền thống” như liên kết các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới…

Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>