Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Các đại biểu trình bày tham luận

27/01/2021 | 23:22 GMT+7

(HG) - Tiếp tục chương trình Đại hội XIII của Đảng, ngày 27-1, Đại hội tiến hành tham luận. Cụ thể là tham luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đại diện Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, của đại diện Tòa án nhân dân Tối cao, của đại diện Đảng bộ Thành phố Hà Nội, của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.

Phần tham luận của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là chính quyền các cấp được đẩy mạnh và thực hiện khá đồng bộ, góp phần chuyển biến tích cực nhận thức và nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quốc hội quan tâm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng liên quan đến cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, quyền làm chủ của Nhân dân. Chính phủ và chính quyền các cấp tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận, trả lời, phản ánh kiến nghị của Nhân dân và doanh nghiệp; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét.

Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương cho biết, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp dân vận sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Cụ thể là đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện có hiệu quả, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân một cách phù hợp.

Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng hình thức phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận ở vùng khó khăn, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả vận động Nhân dân bằng chính sách hợp lòng dân, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân; bằng sự gương mẫu chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và bằng những hành động cụ thể, những hình ảnh đẹp của cả hệ thống chính trị chúng ta chăm lo cho dân…

Tham luận về giáo dục và đào tạo, lãnh đạo Bộ này thông tin, công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Đó là đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học. Việc tổ chức đánh giá chất lượng ở cấp cơ sở giáo dục, cấp địa phương và ở cấp quốc gia được thực hiện thường xuyên. Các bậc học sau phổ thông đã chuyển việc tổ chức đào tạo theo niên chế sang tích lũy mô đun hoặc tín chỉ. Việc kiểm tra, đánh giá trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được thực hiện chặt chẽ hơn theo phương thức kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết quả cuối cùng; chất lượng các luận văn, luận án từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông và đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn. Thí sinh không phải lên các thành phố lớn để dự thi trong nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội; thí sinh được xét nhiều nguyện vọng, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành học yêu thích…

T.T

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>