“Đại hội XIII của Đảng là đại hội đổi mới trong bối cảnh CMCN 4.0” ​

25/01/2021 | 11:45 GMT+7

Đại hội XIII của Đảng sẽ là đại hội đổi mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đại hội sẽ thông qua những quyết sách trí tuệ được nêu trong dự thảo các văn kiện để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. (Ảnh: Bích Liên).

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phóng viên (PV): Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước, ông có kỳ vọng gì về Đại hội lần này của Đảng ta?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, kinh tế phát triển ổn định, hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng có uy tín cao trên trường quốc tế.

Đặc biệt năm 2020 đại dịch COVID-19 làm thay đổi cục diện kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có quyết sách đúng đắn, cùng toàn dân vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị và duy trì tốc độ tăng trưởng gần 3% GDP. Tôi có ấn tượng rất tốt đẹp với những thành tựu của đất nước và kỳ vọng vào sự phát triển trong giai đoạn tới.

Là một người đã từng làm công tác quản lý khoa học, tôi rất vui mừng nhận thấy KHCN Việt Nam trong 10 năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã vươn tới vị trí 42/138 quốc gia, xếp thứ 3 trong ASEAN và đứng đầu trong số 28 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Điều đó chứng tỏ KHCN Việt Nam đã có vị thế cao trên thế giới và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, bước đầu thể hiện được vai trò “quốc sách hàng đầu”.

Đại hội XIII của Đảng là đại hội tiếp tục đổi mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều thách thức và tình hình thế giới có nhiều biến động. Tôi kỳ vọng Đại hội sẽ thông qua những quyết sách trí tuệ và quyết liệt được nêu trong các văn kiện, cũng như sẽ sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới có đủ năng lực, trí tuệ và đoàn kết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội XIII. Trước mắt là triển khai thành công Chương trình chuyển đối số quốc gia và Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tiếp theo là phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến 2030 và mục tiêu phát triển đến 2045 của Đảng.

PV: Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Với vai trò là nhà khoa học, người đã kinh qua các giai đoạn quản lý, ông có nhận xét và đóng góp ý kiến gì về dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tôi nhận thấy các nội dung quan trọng nhất của hoạt động KHCN đã được đề cập tương đối toàn diện và sâu sắc. Văn kiện tiếp tục khẳng định vai trò quốc sách hàng đầu của KHCN và xác định KHCN là động lực phát triển kinh tế xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với đội ngũ cán bộ KHCN của đất nước. Các nội dung và giải pháp về chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng khoa học và nhu cầu phát triển của đất nước, nhất là việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Tôi cho rằng trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thì đổi mới thể chế là quan trọng nhất. Thực tiễn những năm qua cho thấy hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách về KHCN mặc dù đã có đổi mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, hạn chế sự phát triển của KHCN Việt Nam.

Đúng như đánh giá của dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng: “Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hoá, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Vì thế, đã đến lúc Đảng phải tập trung chỉ đạo để nâng cao nhận thức của các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương về vai trò, vị trí của KHCN, tập trung đầu tư cho phát triển KHCN, tháo gỡ mọi vướng mắc cản trở sự phát triển KHCN. Bởi nhiều cơ quan, địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến đầu tư và ưu tiên cho phát triển KHCN, nhất là chăm lo cho đội ngũ cán bộ khoa học. Phải làm sao để các tổ chức KHCN công lập được giao quyền tự chủ cao nhất về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ của quốc gia được Đảng và Nhà nước giao, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo ra các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, được xếp hạng cao trong số các viện, trường hàng đầu thế giới.

Việt Nam phải sớm hình thành đội ngũ các tổng công trình sư, các nhà khoa học đầu ngành, các tập thể khoa học mạnh đạt trình độ quốc tế, đủ năng lực giải quyết mọi yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế số. Như vậy, Việt Nam mới sớm trở thành nước công nghiệp và thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.

PV: Ngày mai (25/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sẽ chính thức khai mạc. Với vai trò là người đã từng làm công tác quản lý, là nhà khoa học ông có ý kiến tâm huyết và kiến nghị gì về lĩnh vực khoa học và công nghệ - động lực then chốt góp phần xây dựng và phát triển đất nước như dự thảo Văn kiện trình Đại hội đã đề cập?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Tôi mong muốn các mặt yếu kém trong lĩnh vực KHCN mà dự thảo văn kiện Đại hội đã chỉ rõ phải được khắc phục sớm bằng những giải pháp cụ thể. Trước mắt, một số cơ chế chính sách mới đã quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI cần tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Thứ nhất là, phải đổi mới phương thúc đầu tư cho KHCN trên cơ sở duy trì 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và có chính sách hợp lý huy động đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp cho KHCN. Chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu đến 2020 tổng đầu tư xã hội cho KHCN đạt mức 2% GDP như quy định của Chiến lược phát triển KHCN đến 2020 tại Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cần phải có giải pháp để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước phải dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KHCN. Đồng thời tháo gỡ ràng buộc về mức trần đầu tư và cơ chế chi tiêu của Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Thứ hai là, đổi mới cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, trên cơ sở thành công của Quỹ phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED) áp dụng rộng rãi cơ chế quỹ cấp kinh phí cho nhiệm vụ KHCN các cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế khoán chi kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN để đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán.

Thứ ba là, thực hiện chính sách đã được quy định tại Luật KHCN 2013 và Nghị định 40/2014/NĐ-CP về trọng dụng các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học chủ trì dự án KHCN quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng, thu hút được các chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi nền KHCN Việt Nam sớm hình thành đội ngũ chuyên gia công nghệ số, trước hết cần giao các trường đại học kỹ thuật đào tạo ngay các chuyên gia về công nghệ phần mềm, công nghệ internet vạn vật (IoT), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chính phủ nên thành lập một trung tâm đào tạo và nghiên cứu AI phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp số trong nước và xuất khẩu chuyên gia AI cho khu vực.

Tôi hy vọng Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 sẽ là sự mở đầu mang tính đột phá cho KHCN Việt Nam giai đoạn chuyển đổi số.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo daihoi13.dangcongsan.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>