Đội múa rối nước 'độc nhất vô nhị' ở miền Tây
Gần 22h, ngày cuối tháng 11, nhóm diễn viên của Đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh tập hợp phía sau sân khấu Liên hoan nhạc kèn và múa rối tại công viên 23 Tháng 9 (TP HCM) chuẩn bị đạo cụ.
Đây là đêm thứ hai họ tham dự liên hoan, song do có thay đổi, lịch diễn thay vì 19h phải dời lại đến gần cuối buổi. Bên chiếc hộp đựng đạo cụ, ông Nguyễn Tiến Hòa (Ba Hòa), 68 tuổi tranh thủ dùng ốc vít sửa lại các mối nối con rối bị hở. Ông là diễn viên lớn tuổi nhất đoàn, kiêm đạo diễn xuất thân từ đoàn cải lương Bến Tre.
Các em học sinh thích thú xem vở rối nước "Đánh cáo bắt vịt". Ảnh: Hoàng Nam
Đam mê nghệ thuật múa rối nước, năm 1988 ông Hòa rời đoàn cải lương, bán 6 chỉ vàng đến thủ đô theo học nghề. Sáu tháng sau, ông về công tác tại đoàn múa rối tỉnh Hậu Giang cũ. Năm 1990, ông về lại quê nhà lập đoàn rối nước. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí hoạt động nên chỉ sau 1,5 năm đoàn phải giải thể. Ông Ba sau đó tiếp tục công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đến năm 2019 thì nghỉ hưu.
Thời điểm này, anh Phạm Tấn Vũ, 33 tuổi, cán bộ Bảo tàng Bến Tre cũng là người có niềm đam mê với nghệ thuật múa rối nước đã gặp ông Ba nhờ giúp lập đoàn múa rối. Có cơ hội hoàn thành ước mơ dang dở hơn 30 năm trước, ông Hòa đồng ý ngay.
Hai thầy trò tự bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng mua gần 30 con rối từ Hà Nội về. Họ sau đó hỏi thăm khắp nơi, chiêu mộ được gần 20 thành viên là những người cùng đam mê. Đặc biệt, có trường hợp hai vợ chồng cùng tham gia múa rối nước.
Từ chất liệu truyền thống là cây sung với đặc tính nhẹ dễ nổi, ít nứt khi chế tác, nhóm sau đó còn thử nghiệm làm con rối bằng gỗ cây quao nước vốn có nhiều ở địa phương. Cây quao dù nặng hơn, nhưng gỗ bền gấp đôi cây sung, được thợ dùng máy chạm khắc có thể dùng đến 3 năm.
Ông Ba cho biết số lượng, tên gọi các con rối được giữ nguyên theo truyền thống Bắc bộ, song trang phục được sửa thành áo bà ba, quấn khăn rằn cho phù hợp truyền thống Nam bộ. Vài bộ phận con rối như khung sườn đầu, mình lân được ông cải tiến bằng các thanh sắt bọc trong ống nhựa thay vì dây mây để tăng độ bền.
Ngoài ra, theo lão nghệ nhân lời thoại của con rối cũng được lồng các điệu lý Nam bộ như lý chim xanh, lý con khỉ, lý kéo chài, hò thẻ mực. Đặc biệt, đoàn có tiết mục "Lục Vân Tiên đánh Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga", dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, người con của quê hương Bến Tre.
Theo ông Ba Hòa, nghề này tuy cực nhưng có nhiều kỷ niệm vui. Có hôm khi đoàn sắp biểu biểu diễn thì phát hiện quả bóng đạo cụ rơi mất. Ông Ba nhanh trí tìm quả dừa khô vào thay thế, tiết mục "lân đá bóng" được cải biên thành lân đá dừa. Không ngờ, nhóm khách nước ngoài lại rất thích thú. Hôm khác, khi đang diễn tiết mục lùa vịt, đàn vịt bị đứt dây chia làm hai, diễn viên lồng tiếng nhanh trí hô "vịt rã đàn", phía dưới khán giả cũng không hề biết về sự cố, vẫn vỗ tay nhiệt tình.
Còn khoảng 10 phút đến giờ biểu diễn, ông Ba Hòa tranh thủ vận động chân tay làm nóng cơ thể khi sắp ngâm mình trong nước giữa trời đêm đang trở lạnh. Dù có áo mưa, các tiết mục khó như múa rồng, lân diễn viên vẫn cởi trần để thao tác linh hoạt hơn. "Quan trọng nhất là được thỏa đam mê", ông Ba nói.
Anh Lê Thanh Hải, diễn viên kiểm tra các con rối trước giờ biểu diễn. Ảnh: Hoàng Nam
Tham gia đội múa rối Dừa Xanh từ lúc 17 tuổi và là thành viên trẻ nhất, Lê Thanh Hải cho biết trước đây là tài xế, nhưng có học qua múa lân, đánh trống, vừa biết chơi một số nhạc cụ dân tộc nên được mời vào đoàn.
Học viên mới sẽ được dạy múa các con rối dễ như vịt, cá, sau đó tập điều khiển rối khó hơn như rồng - dài và nặng đòi hỏi sức dẻo dai kết hợp kỹ thuật lẫn kỹ xảo. Trải qua hơn một tháng đào tạo, diễn viên sẽ biết múa cơ bản. Sau 4 năm, Hải hiện là diễn viên chủ lực của đoàn.
"Mỗi suất, diễn viên được trả thù lao 500.000 đồng, nhưng vì là công việc thời vụ nên tụi em phải làm thêm nghề khác mới đủ sống để duy trì đam mê", Hải nói.
Sau 4 năm hoạt động, đoàn múa rối xứ dừa đã lưu diễn tại hầu hết các tỉnh miền Tây, từ trường học đến các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm. Bình quân mỗi tháng họ có hơn 10 suất diễn, vở dài nhất 12 phút, ngắn nhất 3 phút. Đoàn hiện có hơn 50 con rối phục vụ khoảng 15 vở diễn, trong đó con lớn nhất là rồng dài khoảng 1,5 m, nặng gần 2 kg.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Bến Tre, cho biết đơn vị này đang cho đoàn múa rối nước mượn tạm một góc trụ sở làm nơi công tác và thiết kế sân khấu biểu diễn. "Trong lúc nhà nước chưa có điều kiện đầu tư, nỗ lực của các bạn trẻ nhằm duy trì bộ môn nghệ thuật truyền thống là điều rất đáng trân trọng", ông Anh nói.
Theo Hoàng Nam - VnExpress
- INFOGRAPHIC BÁO HẬU GIANG: HÃY MỘT LẦN ĐẾN HẬU GIANG DU LỊCH !
- 60 du khách trải nghiệm “Du lịch miệt vườn - Nét đẹp văn hoá nơi hội tụ bảy dòng sông”
- Bàn cách tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù cho miền Tây
- Điểm tin sáng 21-9: Thông tin tình hình tái thiết, khắc phục hậu quả bão lũ ở các địa phương
- Trường Đại học Võ Trường Toản là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hậu Giang
- Thẩm định dự án chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sử dụng khí Lô B
- Phát hiện kịp thời nhóm thiếu niên lén leo rào vào trường để đánh học sinh vì mâu thuẫn cá nhân
- Nữ võ sĩ Hậu Giang đoạt huy chương vàng boxing toàn quốc
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Gần 1.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tầm soát bệnh phong - da liễu
- Trao quyết định quân hàm sĩ quan năm 2024
- Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hậu Giang tham quan vườn măng cụt trăm tuổi
- Giận quá mất khôn…
- Từ ngày 1-7: VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính