99 vụ bạo lực học đường trong 5 năm học: Giải pháp nào ngăn chặn, giảm thiểu ?

21/05/2024 | 05:22 GMT+7

Trong 5 năm học (tính từ năm học 2019-2020 đến nay), tại tỉnh xảy ra 99 vụ bạo lực học đường (BLHĐ), nếu tính bình quân thì có 20 vụ/năm học, đây không thể xem là con số ít. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để ngăn chặn, giảm thiểu ?

Nhiều vụ việc BLHĐ xảy ra ngay trong khuôn viên trường nhưng không được phát hiện, bị quay video clip, chia sẻ tràn lan trên trang mạng xã hội. (ảnh chụp từ clip).

Có dấu hiệu gia tăng

Thống kê từ Công an tỉnh, thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến BLHĐ, điển hình như vụ học sinh bị đánh hội đồng tại Trường THCS Thuận An (thị xã Long Mỹ) và Trường THCS Vị Đông (huyện Vị Thủy); vụ học sinh đánh bạn cùng lớp và xúc phạm giáo viên tại Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp); vụ học sinh nhảy lầu tại Trường THCS Thuận An (thị xã Long Mỹ)… Hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đang gây lo lắng trong dư luận.

Thượng tá Lê Vũ Phương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hậu Giang, phân tích: “Nguyên nhân của tình trạng trên do một bộ phận thanh thiếu niên đua đòi, bị lôi kéo, thích thể hiện cái tôi của bản thân. Cùng với sự phát triển của công nghệ số sự lan truyền các sản phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên internet (game online) tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng lớn đến thanh thiếu niên. Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, giáo dục con cái hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao”.

Qua thống kê từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024 số vụ BLHĐ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, năm học 2019-2020 xảy ra 16 vụ BLHĐ, với 32 học sinh liên quan (có 13 học sinh nữ liên quan và 6 học sinh bị tổn hại thể chất); năm học 2020-2021 xảy ra 12 vụ BLHĐ, 29 học sinh liên quan (12 học sinh là nữ, 5 học sinh bị tổn hại về thể chất); năm học 2021-2022 có 12 vụ BLHĐ, với 40 học sinh liên quan (13 học sinh là nữ và 11 học sinh bị tổn hại thể chất); năm học 2022-2023 xảy ra 28 vụ BLHĐ, 67 học sinh liên quan (27 học sinh nữ và 15 học sinh bị tổn hại thể chất); năm học 2023-2024 xảy ra 31 vụ BLHĐ, 94 học sinh liên quan (31 học sinh nữ và 19 học sinh bị tổn hại thể chất).

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận: “Gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông, trật tự xã hội ở lứa tuổi học sinh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. BLHĐ xảy ra nhiều hơn, số vụ học sinh đánh nhau thường xuyên hơn, thậm chí một số trường hợp còn bị quay video và chia sẻ trên các trang mạng xã hội gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường”.

Ngành giáo dục và đào tạo cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ, như các em bước vào độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, có những suy nghĩ bồng bột, thích chứng tỏ bản thân và dễ bị bạn bè rủ rê làm điều chưa đúng. Sự tiếp cận quá sớm với mạng xã hội cùng với nhận thức còn hạn chế, thiếu chín chắn đã khiến một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng bởi những trào lưu độc hại, từ đó có lối sống, ứng xử thiếu chuẩn mực, thích thể hiện mình, tạo ra những mâu thuẫn không đáng có. Sự thờ ơ, vô cảm của một số học sinh đứng ngoài cuộc, không ngăn cản còn cổ vũ, cũng khiến cho BLHĐ gia tăng. Nhà trường chưa sâu sát, nắm bắt sự thay đổi của học sinh dẫn đến việc xử lý tình huống chậm. Nhà trường chú trọng dạy kiến thức, giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy chuyên môn, ít quan tâm công tác giáo dục, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng, nhưng trách nhiệm từ gia đình, cộng đồng cũng không nhỏ

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang đã tổ chức hội thảo chuyên đề để bàn giải pháp ngăn chặn, hạn chế, giảm thiểu. Hội thảo là hoạt động được đánh giá cao, khi ngành giáo dục và đào tạo tỉnh không ngại nói về những vấn đề còn tồn tại.

ThS. Dương Trần Minh Đoàn, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: BLHĐ ngày càng trở nên đáng lo ngại không chỉ gia tăng về số lượng các vụ BLHĐ mà còn báo hiệu về mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý là BLHĐ thường bắt nguồn từ những xô xát nhỏ nhưng sau đó nhanh chóng trở nên nghiêm trọng. Hiện tượng này không giới hạn chỉ trong phạm vi một cá nhân hay một trường hợp cụ thể mà đã lây lan đến cả môi trường trường học, từ nông thôn đến thành thị. BLHĐ ngày nay không chỉ xuất hiện ở nam giới mà còn lan rộng đến cả nữ giới, đặc biệt ở cấp THCS và THPT.

“Để giảm thiểu, ngăn chặn hành vi BLHĐ, cần trang bị cho các em kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giải tỏa stress, kỹ năng giao tiếp… để học sinh biết cách ứng xử phù hợp với bản thân, bạn bè, thầy cô. Phía nhà trường nên xây dựng mô hình “trường học an toàn”; tổ chức các chương trình tập huấn cho giáo viên; chuyên đề kết nối - thấu hiểu giữa phụ huynh và thầy cô giáo. Phía gia đình cần thay thế phương pháp giáo dục con cái; quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng con, trở thành người bạn đồng hành của con. Các phương tiện truyền thông cần đồng hành cùng ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vấn đề BLHĐ”, ThS. Dương Trần Minh Đoàn nhấn mạnh. 

Theo tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Chủ tịch Hội đồng khoa học tổ chức giáo dục Go Global, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn, cho rằng: “Ban giám hiệu ở các trường có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học an toàn, để xây dựng môi trường học an toàn cần quan tâm đến một số vấn đề như xây dựng chính sách và quy định rõ ràng về an toàn; tạo ra các chương trình giáo dục về an toàn; xây dựng một môi trường học tích cực và hỗ trợ; thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa học sinh; thúc đẩy sự phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình phòng tránh và can thiệp; thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh; xây dựng các sân chơi; thúc đẩy sự chia sẻ thông tin và giao tiếp, đảm bảo sự an toàn trong việc sử dụng công nghệ…”.

Để ngăn chặn BLHĐ, không chỉ phó thác, “khoán trắng” hết cho ngành giáo dục, rất cần sự quan tâm, phối hợp, vào cuộc của gia đình và toàn xã hội. Theo các chuyên gia: Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phải đi đôi với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống BLHĐ.

Nữ sinh tham gia các vụ BLHĐ có dấu hiệu tăng

 

Tính từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 99 vụ bạo lực học đường, với 262 học sinh liên quan, trong đó có 96 học sinh nữ (nữ sinh tham gia các vụ bạo lực học đường có dấu hiệu tăng), trong đó có 56 học sinh bị tổn hại về thể chất.

Theo chuyên gia tâm lý, các dạng BLHĐ phổ biến hiện nay gồm bạo lực về mặt tinh thần; bạo lực về mặt thể chất; bạo lực về mặt kinh tế; bạo lực về giới tính; bạo lực tình dục.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>