Bạo lực học đường: Chuyện chưa bao giờ hết lo !

24/09/2024 | 05:41 GMT+7

Bắt đầu năm học chưa được 1 tháng, một số vụ bạo lực học đường được phát hiện. Đáng nói mặc dù các trường đều thông tin rất quan tâm và có những giải pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn còn, vậy nguyên nhân nằm ở đâu ?

Nhóm nữ sinh một trường THCS dùng nón bảo hiểm đánh bạn học ngoài công viên được phát hiện mới đây, tiếp tục cảnh báo các trường cần quan tâm đặc biệt hơn với bạo lực học đường.

Học sinh bị đánh hội đồng, quay clip

Mới đây, một nữ học sinh lớp 7 của Trường THCS C.V.L. (thành phố Vị Thanh), bị bạn cùng trường đánh hội đồng bằng nón bảo hiểm tới tấp vào người ở một công viên vắng, sau đó phải nhập viện. Đoạn clip sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Thời điểm xảy ra sự việc, có nhiều học sinh đứng gần đó, tuy nhiên các em này không can thiệp ngăn chặn việc bạo hành nói trên, mà làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra, vô tư đứng quay clip.

Ngay sau khi biết sự việc, nhà trường mời học sinh, phụ huynh các em tới để làm rõ và xử lý sự việc, yêu cầu các em tường trình sự việc. Sau khi tình hình sức khỏe của em học sinh bị đánh ổn định, nhà trường sẽ họp hội đồng làm rõ và có hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng học sinh.

Dù nguyên nhân của sự việc vẫn đang được làm rõ, nhưng câu chuyện ứng xử trong môi trường học đường lại một lần nữa được đặt ra. Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là vì sao khi xảy ra va chạm, xích mích nhiều học sinh lại đánh nhau một cách dễ dàng, đám đông xúi giục mạnh hơn, một số ít người ngăn cản sẽ khiến hậu quả càng nguy hiểm hơn?

Ngay sau mỗi sự việc xảy ra hoặc bị phát hiện, dư luận bức xúc lên tiếng. Nhà trường và các đơn vị, cá nhân có liên quan cũng đưa ra các giải pháp xử lý, ngăn chặn, nhưng dường như vẫn chưa thực sự ngăn chặn triệt để được nạn bạo lực học đường.

Những năm học trước, các vụ bạo lực học đường dưới nhiều hình thức khác nhau được phát hiện và không thể gọi là ít... Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hậu Giang, mà nhiều tỉnh, thành đều gặp phải.

Cần những giải pháp căn cơ hơn

Qua thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo được báo cáo tại một hội thảo vừa qua, số vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh thời gian qua có dấu hiệu gia tăng.

Cụ thể, năm học 2022-2023 xảy ra 28 vụ bạo lực học đường, 67 học sinh liên quan (27 học sinh nữ và 15 học sinh bị tổn hại về thể chất); năm học 2023-2024 xảy ra 31 vụ bạo lực học đường, 94 học sinh liên quan (31 học sinh nữ và 19 học sinh bị tổn hại về thể chất).

Chia sẻ về giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với học sinh, ông Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, chúng ta cần hành động từ nhiều phía khác nhau. Học sinh cần rèn luyện tính cách và kiểm soát cảm xúc, gia đình cần thiết lập môi trường lành mạnh và tạo ra nền tảng tôn trọng, còn nhà trường và giáo viên cần cải thiện chương trình giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tích cực. Các cơ quan quản lý giáo dục cần phối hợp chặt chẽ và cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách phòng, ngăn chặn bạo lực học đường”.

Theo ngành giáo dục và đào tạo, hiện tượng mất an toàn trường học, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh vẫn còn xảy ra ở một vài cơ sở giáo dục, có dấu hiệu gia tăng qua từng năm học bởi một vài nguyên nhân như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của các nền tảng mạng xã hội (bên cạnh những mặt tích cực đã để lại nhiều vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ); ảnh hưởng từ cộng đồng dân cư (đa số những vụ việc bạo lực học đường, thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội)…

Nhà trường, xã hội và gia đình chắc chắn không ai muốn có những vụ bạo lực thể chất hay tinh thần xảy ra đối với bất cứ học sinh nào, nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và được xem như thực trạng đáng lo của ngành giáo dục và đào tạo.

Để xây dựng trường học thật sự là nơi để học tập, rèn luyện, không chỉ cho học sinh học được kiến thức mà còn giáo dục thành người, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, từng chia sẻ: Công tác phòng chống bạo lực học đường không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cả một quá trình dài, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là trách nhiệm của nhà trường, gia đình rồi đến các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường để học sinh nhận thức được việc bạo hành là vi phạm pháp luật.

Thống kê 2 năm học trước số vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng

 

Cụ thể, năm học 2022-2023 xảy ra 28 vụ bạo lực học đường, 67 học sinh liên quan (27 học sinh nữ và 15 học sinh bị tổn hại về thể chất); năm học 2023-2024 xảy ra 31 vụ bạo lực học đường, 94 học sinh liên quan (31 học sinh nữ và 19 học sinh bị tổn hại về thể chất).

 

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>