“Phân luồng sau THCS đã quan trọng, còn tạo ra luồng để các em đi là chuyện quan trọng hơn”

14/05/2024 | 10:00 GMT+7

Hậu Giang chưa đạt mục tiêu Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Đề án 522) đề ra, xoay quanh vấn đề này PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang trong đợt khảo sát mới đây tại tỉnh.

Qua khảo sát thực tế, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Đề án 522 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thưa ông ?

- Tôi đánh giá cao về sự chủ động của tỉnh trong triển khai Đề án 522, ngay sau khi Đề án ban hành, tỉnh đã có Kế hoạch 542 triển khai xuống tất cả các trường. Kết quả nổi bật nhất là công tác tập trung nâng cao nhận thức.

Hậu Giang làm rất là tốt việc đưa thông tin về thị trường nghề nghiệp, thị trường lao động… đến với học sinh bằng cách phối hợp của các đơn vị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm để có các trang thông tin gửi đến tất cả các cơ sở giáo dục có màn hình. Đây là cách làm tôi cho rất hiệu quả và khá hay.

Việc triển khai Đề án tại Hậu Giang còn những hạn chế, thưa ông ?

- Thực tế, khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án 522 tại Hậu Giang đang gặp là khó khăn chung của rất nhiều địa phương. Khó khăn thứ nhất là đội ngũ làm công tác giáo dục hướng nghiệp theo quy định chủ yếu là kiêm nhiệm. Tuy đã có quy định cho đội ngũ giáo viên làm kiêm nhiệm theo Thông tư 28, Thông tư 15 nhưng việc vận dụng vào cho giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp cũng còn khó khăn, vướng mắc. Chưa có định lượng cụ thể nào một giáo viên được quy định làm công tác tư vấn hướng nghiệp là bao nhiêu giờ, chế độ chính sách ra sao…

Chúng ta không chỉ thiếu số lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, còn thiếu luôn những người có năng lực. Trong công tác giáo dục hướng nghiệp đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có năng lực.

Khó thứ hai là câu chuyện về điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong khi các trường THPT đã cho thấy năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu, thì cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập tại các cơ sở đào tạo khác khiến nhiều người thấy không tin tưởng cho con vào học.

Ông có những định hướng gì để tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong thời gian tới, thưa ông ?

- Đề án 522 khi đặt ra mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ cấu nguồn nhân lực làm sao đáp ứng được điều kiện thực tiễn. Từ mục tiêu chung, từng địa phương cụ thể hóa phù hợp thực tế.

Đối với Hậu Giang và một số tỉnh khác từ các chuyến khảo sát, theo tôi để đạt mục tiêu Đề án 522, cần tập trung huy động được số lượng tỷ lệ phần trăm vào học trường nghề. Trong cái khó khăn hiện tại, chúng ta phải xác định đã phân luồng đạt 70% vào học ở các trường THPT chưa? Còn 30% là không vào THPT nhưng lại không vào nghề, thì làm gì? Trong khi Đề án đặt mục tiêu là thu hút số 30% được phân luồng để học nghề.

Muốn 30% học sinh phân luồng vào nghề cần phải nỗ lực rất nhiều, phải làm sao để người dân nhận thức được con họ không vào trường THPT thì nên vào học nghề, không nên để các con vào thị trường lao động tự do quá sớm.

Phân luồng là một chuyện nhưng phải tạo ra luồng để cho các em, các cháu đi là chuyện quan trọng hơn. Khi phân luồng 30% phải tính toán làm sao để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để cho học sinh được lựa chọn từ học THPT hệ GDTX, trung cấp cho đến cao hơn…

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>