Tâm huyết với nghề giáo, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”

19/11/2023 | 12:49 GMT+7

Nhà giáo tỉnh nhà luôn nêu cao tinh thần “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, xã hội luôn trân trọng, biết ơn và công nhận Nghề giáo chính là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý !

Cô Nguyễn Thị Như Bình, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, luôn tận tụy với nghề.

Yêu nghề nên chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy

Yêu nghề, hết lòng yêu thương trẻ nhỏ và luôn được phụ huynh tin tưởng… là những điều đồng nghiệp nói về cô Trần Thị Tuyết Loan, giáo viên Trường Mầm non Anh Đào, huyện Châu Thành A. Cô Loan chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi nhận lớp ở nhóm trẻ từ 24-36 tháng tuổi, lý thuyết học trên giảng đường và ở thực tế không như mình nghĩ. Nhưng đã chọn nghề, yêu trẻ, tôi học cách lắng nghe qua từng cử chỉ, hành động, từ tiếng khóc, cười của trẻ. Đến với nghề, vui có, buồn có, nhưng mỗi ngày gần gũi, được nhìn thấy nụ cười ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên của trẻ, tôi yêu nghề hơn”.

Trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, cô Loan luôn “lấy trẻ làm trung tâm”, thường xuyên thay đổi cách trang trí lớp theo từng chủ đề, các góc mở và khuyến khích trẻ cùng hợp tác. Cô còn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, chủ động khai thác có hiệu quả các thiết bị dạy học như tivi, các đồ dùng học tập để tạo môi trường hoạt động học và chơi sinh động, lôi cuốn trẻ tham gia.

Ngoài công tác giảng dạy, năm học 2021-2022 khi dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, học sinh không thể đến trường, cô Loan đã đưa ra ý tưởng tận dụng các phương tiện, nền tảng mạng xã hội để truyền tải các kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Cô tham mưu thực hiện mô hình “Hỗ trợ cha mẹ trẻ chơi tại nhà cùng con”, nhằm giúp trẻ mầm non hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Năm học 2022-2023, cô còn triển khai mô hình “Đổi rác sạch - Nhận đồ chơi”…

12 năm gắn bó với nghề, cô Loan đã đạt được nhiều thành tích: Giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non cấp tỉnh; có 2 mô hình được huyện công nhận là Mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học. “Ngần ấy thời gian gắn bó với nghề, tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng thì điều quan trọng nhất phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, chịu khó và yêu thương trẻ nhỏ”, cô Loan chia sẻ thêm.

Nghề giáo luôn đầy trăn trở, nhất là với những cô giáo mầm non, hành trình gắn bó với nghề của các cô là sự nỗ lực lớn.

Nỗ lực thi đua “Dạy tốt, Học tốt”

Ra trường năm 2019, cô Nguyễn Thị Như Bình được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Vị Thanh). Yêu nghề, mến trẻ, cô Bình luôn tâm niệm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, là một giáo viên năng nổ, có trách nhiệm và dành nhiều tình thương cho học trò. Những năm giảng dạy, cô thường xuyên nghiên cứu, xây dựng phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả hơn. “Tâm lý của học sinh tiểu học khác với các bậc học trên, nếu bắt nhìn vào sách, chép bài, các con sẽ cảm thấy chán. Do vậy trong các tiết học, tôi thường tổ chức các trò chơi để tạo không khí vừa chơi, vừa học, làm cho các con cảm thấy thích thú tập trung nghe giảng bài hơn”, cô Bình tâm sự.

Với vai trò Bí thư Đoàn trường, cô tham mưu thực hiện nhiều công trình, mô hình ý nghĩa: công trình “Vườn trường, vườn thuốc nam”; “Ngôi nhà hạnh phúc” gom quỹ hỗ trợ học bổng; thiết kế sản phẩm sáng tạo kỹ thuật sử dụng trang trí phòng lớp học… Dù mới gắn bó gần 5 năm với nghề, nhưng cô Bình đã đạt nhiều thành tích cao trong các phong trào, hội thi: Giải khuyến khích trong Cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ; được công nhận trong cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức…

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với nghề nhà giáo, cô Loan, cô Bình đã và đang cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình để lan tỏa phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”...

Đây là 2 trong 4 nhà giáo đã vinh dự vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương và tặng bằng khen tại Lễ Tuyên dương các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm học 2022-2023 trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hai cô giáo còn lại được tuyên dương là cô Trịnh Thị Ngọc Ngân, giáo viên Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), cô Nguyễn Thị Thu Giang, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Quí Đôn (thành phố Vị Thanh). 

Khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, còn biết bao thầy, cô vẫn đang gắn bó với trường, với lớp, tấm lòng, tình cảm của thầy cô còn mãi trong tâm trí của lớp lớp học trò và đó là vinh dự dành riêng cho nghề dạy học - Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Cô Trần Thị Tuyết Loan, giáo viên Trường Mầm non Anh Đào, huyện Châu Thành A, luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Giáo dục Hậu Giang - một hành trình vượt khó vươn tầm

Nếu những năm 2004, nhắc đến Hậu Giang, nhiều người chỉ nhớ đến một ngành giáo dục và đào tạo với nhiều “cái nhất”: tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, cơ sở vật chất khó khăn nhất, đội ngũ nhà giáo thiếu và yếu nhất, tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất…

Sau gần 20 năm, chất lượng giáo dục đã dần được khẳng định. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 315 cơ sở giáo dục, với quy mô trên 5.000 lớp, trên 153.000 học sinh; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 83,17% (tăng 80% so với năm 2004). Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành hiện có khoảng 9.780 người, trên 94% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên 18% trên chuẩn; trên 283 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ và 125 Nhà giáo Ưu tú.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhắn nhủ: Những nỗ lực, cố gắng, vượt khó của ngành, của quý thầy cô đã được phụ huynh, xã hội công nhận, trân trọng. Mỗi chúng ta không dừng lại ở đó, hơn lúc nào hết đội ngũ nhà giáo cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình; mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ; mỗi cán bộ quản lý cần phải có những biện pháp tích cực để khai thác, phát huy có hiệu quả trí tuệ, tiềm năng của đội ngũ, nhất là những giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán. Có làm được như vậy, thì mỗi thầy, cô giáo chúng ta mới thực sự xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề dạy học.

Những hạt nhân quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”

 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Thầy, cô giáo là những hạt nhân quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”, sứ mệnh cao cả những người thầy đang mang trên vai thật lớn lao, xã hội luôn đặc biệt biết ơn. Mong rằng, các nhà giáo và toàn ngành giáo dục Hậu Giang phải luôn nêu cao tinh thần “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi nhà giáo thực sự xứng đáng với danh hiệu: Những “Chiến sĩ” trên “Mặt trận văn hóa”, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý của sự nghiệp “trồng người”…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>