“Còn sống ngày nào là tôi vẫn học Bác…”

16/09/2024 | 09:20 GMT+7

Ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cựu chiến binh Văn Đình Thanh, thường được gọi thân thương là ông Năm, luôn tâm huyết trong học tập và làm theo gương Bác bằng những cách làm, hành động cụ thể để góp phần “truyền lửa” tự hào cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước cho nhiều thế hệ.

Ngoài những giờ phút cống hiến tâm sức cho các phong trào tại địa phương hay dạy nhạc cho các em trong xóm, ông Văn Đình Thanh lại tiếp tục miệt mài bên mảnh vườn bao năm gầy dựng.

Nhắc lại cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Năm say sưa với từng kỷ niệm, hun đúc nên một con người rắn rỏi, quyết đoán, luôn cống hiến vì quê hương, đất nước. Hành trình của ông bắt đầu từ năm 1963, khi ông nhập ngũ với lý tưởng bảo vệ Tổ quốc. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1976, ông phục viên trở về địa phương với đầy ắp quá khứ hào hùng khắc sâu trong tâm trí.

Ánh mắt ông ánh lên sự tự hào khi “khoe” cuốn hồi ký “Đi qua lửa đạn”, được ông chấp bút và xuất bản vào năm 2010. Hồi ký như lời tự sự sống động về cuộc hành quân mười mấy năm gian khổ, những ngày “ăn hầm ngủ đất”, đối mặt đói khát triền miên và cái chết cận kề, nhưng ông vẫn kiên định đi theo con đường mình đã chọn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển về công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy hải sản Cần Thơ, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993.

Cuộc sống thời bình không hề dễ dàng. Với hai bàn tay trắng, ông Năm cùng vợ trải qua muôn vàn vất vả, phải làm rất nhiều việc từ đặt trúm, bắt ốc, nuôi heo, nuôi gà… đến mở lò bánh mì nuôi sống gia đình. Thế nhưng, khí chất người lính không cho phép ông khuất phục trước khó khăn đời thường. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ cho phép gia đình mình nghèo khó, bởi trong con người tôi luôn có sự đam mê lao động, tìm tòi, học hỏi những cái hay, cái mới”.

Bằng chính sự chăm chỉ và lòng kiên trì, từ 5 công đất gia đình cho, ông Năm biến mảnh vườn của mình thành một cơ ngơi rộng lớn, với đa dạng các loại cây ăn trái, như chuối, cam, nhãn… Quả thực, dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của vợ chồng ông Văn Đình Thanh, từng buồng chuối, luống rau, gốc cam… cứ thế lớn lên, nảy mầm phát triển, phủ khắp diện tích 14.000m2. Dưới ao, ông còn thả nuôi hàng ngàn con cá, tạo nên hệ sinh thái đa dạng và bền vững. “Làm gì, nuôi con gì, mình cứ dành trọn tâm huyết vào đó thì không lo thất bại, khó khăn cỡ nào cũng sẽ vượt qua”, ông Năm chia sẻ.

Có lẽ, vì những suy nghĩ và cách làm như vậy, nên nghe ông kể chuyện làm ăn vẫn cứ nhẹ nhàng, thoải mái. Đặc biệt, tinh thần lạc quan, tâm hồn và ý chí vẫn phơi phới như tuổi đôi mươi. Với ông Thanh, học tập và làm theo gương Bác không dừng lại ở công việc mưu sinh, bởi suốt gần 30 năm qua, ông đều đặn “ngồi lớp”, truyền dạy lịch sử và âm nhạc cho thế hệ trẻ.

Ông Thanh tâm sự: “Là một bộ đội từng đi qua lửa đạn, tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc truyền đạt lại những ý tưởng của mình, giúp thế hệ trẻ hiểu được quá khứ đã qua, để chuẩn bị hành trang bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Còn sống ngày nào là tôi vẫn học Bác, học tập suốt đời, chứ không nghỉ ngơi phút nào hết. Trước hết, bản thân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với đồng đội”.

Với uy tín, trách nhiệm cao, từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông Thanh luôn được tín nhiệm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức đoàn thể địa phương. Ở từng công việc nào, ông cũng được các cán bộ, hội viên kính nể, chung sức đồng lòng đoàn kết, đóng góp công sức, trí tuệ. Từ những sản phẩm trong vườn nhà, ông thường xuyên trích ra một phần để hỗ trợ hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, tặng sách vở cho học sinh nghèo. Ông còn vận động xây dựng nhà cửa cho người nghèo, lan tỏa tinh thần yêu nước và lòng nhân ái đến với cộng đồng.

Nói về ông Thanh, ông Trương Văn Chơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Thành, nhận xét: “Đồng chí Thanh có vai trò, đóng góp rất lớn, luôn đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm. Đặc biệt, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm đối với hệ thống chính quyền, công tác vận động quần chúng và tích cực giáo dục cho các em thiếu nhi. Cụ thể, ông đã tiên phong mở Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, sau này, đổi tên thành Câu lạc bộ “Hát nhạc truyền thống”, giúp các em thiếu nhi hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc, nối bước ông cha ta về truyền thống uống nước nhớ nguồn”.

Những đóng góp ấy đã giúp ông Văn Đình Thanh được vinh danh nhiều lần. Gần đây nhất, ông nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Ông cũng từng tham gia Chương trình giao lưu “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” tại Hà Nội, nơi ông thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân ta phải biết sử ta” và dành trọn những năm tháng tuổi già để truyền lửa yêu nước cho thế hệ trẻ.

Câu chuyện của cựu chiến binh Văn Đình Thanh là một minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, không ngừng phấn đấu của người lính Cụ Hồ trong thời bình. Ông không chỉ xây dựng cuộc sống cho bản thân mà còn lan tỏa tinh thần ấy đến với cộng đồng, đồng đội, viết tiếp trang sử yêu nước đầy vẻ vang. Ông cũng luôn tự hào mỗi khi có dịp nhắc về những đứa con của mình. Hiện tất cả đều có công việc ổn định, trong đó, hai người con trai và cả con dâu đều đang phục vụ trong ngành công an, là đảng viên ưu tú.

Tuy nhiên, điều làm ông vui nhất là trong gần 30 năm mang tâm huyết “truyền lửa” cho bao lứa học trò, nhiều em đã trở thành giáo viên môn lịch sử, sĩ quan quân đội, công an… Qua đó, càng giúp ông có niềm tin chắc chắn vào thế hệ hôm nay, sẽ tiếp tục nối bước cha ông, giữ vững truyền thống yêu nước, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc.

THẢO TIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>