Giúp chị em vươn lên ổn định cuộc sống

30/05/2024 | 09:17 GMT+7

Các cấp hội LHPN trên địa bàn thành phố Ngã Bảy đã và đang chủ động tham mưu, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.

Ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ làm công theo thời vụ” ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành.

Mô hình “Tổ phụ nữ làm công theo thời vụ” ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành là minh chứng trong việc động viên, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hội viên, phụ nữ nông thôn. Mô hình được thành lập và ra mắt vào cuối tháng 3 năm nay, với 9 thành viên. Tham gia mô hình, chị em được tạo điều kiện tiếp cận với các công việc thời vụ, nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương.

Cụ thể, ban chủ nhiệm mô hình tuyên truyền hội viên, phụ nữ tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội zalo, facebook hoặc từ các tổ hợp tác may gia công, các công ty, xí nghiệp trong thành phố, kể cả các công việc thời vụ lột vỏ hạt điều, cắt cam, làm cỏ, đổ sình... Qua đó, giúp hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Bà Cao Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, cho biết, phần lớn chị em trong xã làm nghề nông, thời gian nhàn rỗi khá nhiều. Thông qua “Tổ phụ nữ làm công theo thời vụ”, giúp dễ dàng tập hợp chị em trong tổ lại với nhau để làm việc khi nhận được đơn hàng, có khi nhận việc thời vụ cắt cam thuê ở tận tỉnh Vĩnh Long.

“So với trước đây, chị em chỉ ở nhà nội trợ nên thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, đến nay, thu nhập mỗi thành viên trong tổ khoảng 300.000 đồng một ngày khi nhận được việc làm thời vụ. Chưa kể, mỗi khi nhà của thành viên nào có việc cần, các thành viên khác đều tranh thủ đến làm vần công. Cứ xoay vòng như vậy, góp phần tạo được sự gắn kết giữa các chị em trong xóm ấp”, bà Tuyết Nhung cho biết thêm.

Bằng các mô hình tương tự, năm 2023, Hội LHPN thành phố Ngã Bảy giới thiệu 82 chị em làm vần công với nhau được 141 ngày công lao động, như hái trái cây, làm cỏ, ươm cây giống, dọn dẹp nhà cửa, phụ hồ... Qua đó, tổng quy đổi thành tiền hơn 150 triệu đồng.

Ngoài ra, thông qua các mô hình, hội còn lồng ghép tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, trong tham gia xây dựng nông thôn mới... được 104 cuộc, với 1.653 chị tham dự.

Nổi bật là các mô hình “Tổ phụ nữ là thành viên ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác”, “Phụ nữ khởi nghiệp”, “Phụ nữ tự tin trong lao động”, “Sản xuất liên kết vườn, ao, chuồng”, “Khởi nghiệp trồng rau sạch trong nhà lưới”, “Phụ nữ tiểu thương với phong trào hội” và “Tổ hợp tác bán hàng online”.

“Các mô hình đều đang cho kết quả tích cực bước đầu. Thời gian tới, hội sẽ chọn ra những mô hình đạt hiệu quả cao nhất để làm mô hình điểm, nhân rộng ra những nơi khác. Điều cốt lõi ở đây là phải khơi dậy được ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của chị em, giúp nâng cao hơn nữa vị thế của người phụ nữ hiện nay”, bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố thông tin.

Bài, ảnh: BÙI MẪN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>