“Tiếp sức” để phụ nữ tự tin phát triển kinh tế

26/08/2024 | 05:55 GMT+7

Thời gian qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và Hội LHPN tỉnh. Qua đó, những tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ đã được lắng nghe và kịp thời giải quyết.

Hội LHPN tỉnh khảo sát quá trình hoạt động của Tổ may gia công tại ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.

Đơn cử như vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã có buổi gặp gỡ cởi mở với hội viên, phụ nữ địa bàn thị xã Long Mỹ. Tại đây, nhiều chị em thẳng thắn bày tỏ ý kiến băn khoăn xoay quanh chủ đề “Ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin và phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế thông qua mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Bà Nguyễn Thị Thảo, ở khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Tôi mong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho các tổ hợp tác đan đát, nhất là đan lục bình để chị em có thêm thu nhập từ việc tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi”.

Chị em phụ nữ nông thôn cũng đang cần được giới thiệu việc làm, có mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Bởi theo bà Thảo, phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình so với chị em ở thành thị. Phần vì họ không có nguồn tài chính nhiều, phần vì chưa mạnh dạn trong việc đầu tư mô hình, nắm bắt xu hướng, hình thức kinh doanh trực tuyến...

Do chưa am hiểu nhiều về thị hiếu khách hàng, nhu cầu thị trường hiện nay, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả áp lực kinh tế khó khăn, muốn nhanh có thu nhập cao, nên không ít chị em trong độ tuổi lao động chọn cách bỏ quê đi làm công nhân tại các tỉnh, thành phố, gây thiếu hụt nguồn lao động tại tỉnh.

“Chúng tôi cần được tư vấn và hỗ trợ cụ thể để được tiếp cận các nguồn vốn vay”, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, ở ấp 2, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ đề xuất và bày tỏ thêm: “Chúng tôi cũng mong muốn thành lập tổ hợp tác để chị em cùng hợp sức làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế từ chính nguồn tài nguyên hiện có tại địa phương là cây quýt đường”.

Lựa chọn phát triển kinh tế tập thể qua tổ hợp tác, hợp tác xã là hướng đi đúng định hướng chung của tỉnh đang được nhiều chị em thực hiện. Tuy nhiên, việc phát triển như thế nào cho phù hợp năng lực, tiềm năng kinh tế, lợi thế địa phương và điều kiện hiện có là vấn đề nhiều chị em trăn trở.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại đa số chị em đều mặn mà với kinh tế tập thể, nhưng hiện một số cán bộ, hội viên, phụ nữ còn khá mơ hồ về vấn đề này. Trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành ở một vài tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ còn hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa bền vững, thiếu nguồn vốn vay...

Tuy nhiên, thông qua Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng hỗ trợ đưa hơn 40 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ lên sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng online, mở rộng quy mô, phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra.

Với sự hỗ trợ đó, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã và đang tích cực chuyển đổi, gia nhập vào nền kinh tế số, để vừa thích nghi với thời đại, vừa phát triển kinh doanh. Đây là hướng kinh doanh hiệu quả, chị em có thể tùy theo điều kiện thực tế của bản thân để lựa chọn phương thức phát triển kinh tế phù hợp.

Đáng ghi nhận là, Cuộc thi “Khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang” năm 2024 đã được tổ chức, với chủ đề “Dự án khởi nghiệp xanh”. Qua cuộc thi, có 15 dự án lọt vào vòng chung kết được Hội LHPN tỉnh phối hợp vận động các tổ chức tín dụng trên địa bàn trao hạn mức tín dụng vốn hỗ trợ từ 100-300 triệu đồng/dự án. Ngoài ra, việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã từ nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương bằng cách xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP... giúp nhiều chị em vươn lên có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đề xuất: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Vì vậy, phụ nữ cần chủ động hơn trong tìm hiểu các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Việc tiếp cận nguồn vốn không khó, chị em quan tâm có thể liên hệ với UBND xã hoặc phòng kinh tế cấp huyện. Quan trọng là, để vay được vốn, đòi hỏi phụ nữ có dự án/mô hình, có hướng phát triển cụ thể, rõ ràng. Liên minh Hợp tác xã sẽ tích cực hỗ trợ để chị em nâng cao chuyên môn, năng lực và giới thiệu các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp”.

Riêng băn khoăn về đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP khá tốn kém kinh phí, nên nhiều chị em chưa mạnh dạn đầu tư, Giám đốc Liên minh Hợp tác xã tỉnh nêu rõ, hiện nay, kinh phí này, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ với mức 12 triệu đồng, chị em chỉ cần liên hệ với sở sẽ được xem xét giải quyết.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>