Kinh tế của tỉnh Hậu Giang đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ

06/10/2022 | 11:29 GMT+7

Nếu như 6 tháng năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Hậu Giang đạt 11%, xếp thứ 8 cả nước thì hết quý III, tỉnh tiếp tục bứt phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 14,74%, vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Đây là mức tăng cao nhất của tỉnh từ trước đến nay. Xung quanh vấn đề này, ông Thiều Vĩnh An (ảnh), Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh có chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang.

Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang 9 tháng đầu năm ?

- Kinh tế của tỉnh Hậu Giang 9 tháng năm 2022 có bước phát triển vượt bậc, các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh (GRDP) tăng 14,74%. Trong đó khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,68%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 37,82%; khu vực Dịch vụ tăng 10,61%. Qua đó cho thấy kinh tế của tỉnh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Kho lạnh, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics). Ảnh: LÝ ANH LAM

Ông có nhận định gì về kết quả ấn tượng trên và dự báo cho cả năm 2022 ?

- Qua kết quả công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GRDP của tỉnh đứng thứ 5 cả nước, tăng 3 bậc so với 6 tháng đầu năm. Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay của tỉnh. Từ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế 9 tháng đầu năm, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cả năm 2022 đạt khoảng 14%.

Theo ông, để có được những kết quả này, đâu là nguyên nhân cốt lõi nhất ?

- Để có được kết quả này, trước hết là do sự điều hành quyết liệt, sáng tạo và những giải pháp hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân trong tỉnh trong việc phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao như trên là do các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng cao và rất cao so cùng kỳ, đặc biệt là quý III năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt rất cao 22,34% so với quý III năm 2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, với sự đi vào hoạt động của dự án lớn cùng với sự tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp chế biến đã đóng góp 9,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ với sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành thuơng mại và dịch vụ ăn uống cùng với các hoạt động dịch vụ khác đã đóng góp 3,96 điểm phần trăm; cuối cùng trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản do cơ cấu lúa có giá trị cao tăng; rau màu và cây ăn quả có diện tích và sản lượng tăng cùng với sự tăng trưởng tốt của đàn heo và gia cầm cũng như diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản làm cho lĩnh vực này có mức tăng trưởng khá và đóng góp 1,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Một trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới đó là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, một tuyên ngôn và một hành động làm mục tiêu chung. Lấy cam kết 2 nhanh, 3 tốt. Đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Chuyển tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, tức là phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

 

  Hậu Giang xuất phát điểm thấp thì phải nuôi khát vọng lớn. Chính sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị mà tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 14,74%, vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Bứt phá nhất là lĩnh vực công nghiệp, với giá trị sản xuất là 25.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Tháng 9, có 21 dự án được cấp chủ trương đầu tư, nâng số dự án toàn tỉnh đến nay là 337 dự án, tổng vốn đầu tư 172.000 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay có 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 75% số doanh nghiệp và tăng 105% số vốn so với cùng kỳ. Toàn tỉnh thành lập mới 9 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã hiện nay là 244 và 4 liên hiệp hợp tác xã. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước thực hiện được hơn 38.500 tỉ đồng, tăng 25,57% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ ngoại tệ trong quý ước đạt hơn 290 triệu USD, tăng 52,36% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước là 10.146 tỉ đồng, đạt 88,60% dự toán, trong đó thu nội địa 4.670 tỉ đồng, đạt 96,10% dự toán.  

 

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích