Nỗ lực tăng thu ngân sách

08/07/2024 | 09:18 GMT+7

Đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng sạch giao đất cho nhà đầu tư là những giải pháp để tăng thu nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ nguồn thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất từ nay đến cuối năm.

Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư trên địa bàn để khai thác nguồn thu về đất.

Còn 3 nguồn thu không đạt tiến độ

Theo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, tổng thu nội địa trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện trên 2.950 tỉ đồng, đạt 51,04% dự toán pháp lệnh, đạt 43,39% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng trên 13% so với cùng kỳ. Số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết ước thực hiện được 1.577,5 tỉ đồng, đạt 43,21% dự toán pháp lệnh, đạt 38% dự toán HĐND tỉnh, bằng 98,13% so với cùng kỳ. Trong tổng số 14 nguồn thu dự toán giao, có 11 nguồn thu thực hiện đạt và vượt tiến độ.

Còn lại 3 nguồn thu không đạt tiến độ là thuế bảo vệ môi trường, đạt 14,8% dự toán pháp lệnh và HĐND, tiền thuê đất ước thực hiện đạt 17,08% dự toán pháp lệnh, đạt 4,88% dự toán HĐND và nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 42,86% dự toán pháp lệnh, đạt 30% dự toán HĐND tỉnh giao.

Nguyên nhân nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đạt thấp là do nguồn thu này cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ ngày 01/01/2024 đến 31/12/2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm giảm khoảng 66 tỉ đồng. Đối với tiền thuê đất và tiền sử dụng đất không đạt tiến độ so với dự toán là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục giao đất và không phát sinh hồ sơ dự án mới.

Gỡ khó nguồn thu về đất

Trước những khó khăn trong công tác thu, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Thuế Hậu Giang đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các khoản thu về đất, các dự án tái định cư như đấu giá thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp chỉ đạo các đơn vị trong ngành văn phòng đăng ký đất đai phối hợp chặt chẽ với các phòng công chứng và văn phòng công chứng và cơ quan thuế trong việc tăng cường các biện pháp chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Yêu cầu các trường hợp khi có hợp đồng chuyển nhượng bất động sản phải kê khai trung thực, chính xác giá trị chuyển nhượng làm căn cứ tính và xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, năm 2024 đơn vị được giao khai thác 719 tỉ đồng, nguồn thu này chủ yếu từ cho thuê đất các nhà đầu tư. Như giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1 (phần diện tích còn lại khoảng 46ha), dự kiến thu trên 242 tỉ đồng; Dự án Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A, giai đoạn 3 dự kiến thu trên 60 tỉ đồng… Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng dự án chưa thực hiện hoàn thiện, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành nên chưa có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư. Dự kiến trong tổng nguồn giao thì khả năng chỉ thu được 300 tỉ đồng. Vì vậy, để thu được nguồn này, đơn vị cũng đề nghị UBND tỉnh xem nên phân chia từng giai đoạn giao đất cho nhà đầu tư.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Trong các nguồn thu, thành phố có 2 nguồn thu đạt thấp là lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân. Khó trong công tác thu của thành phố hiện nay là khai thác từ bán đấu giá đất. Để có nguồn thu từ đất, hiện thành phố phối hợp với Chi cục Thuế khu vực tập trung thu nợ thuế đối với hộ tái định cư, nợ khác và tiếp tục khai thác quỹ đất dọc đường Nguyễn Công Trứ, nền ở phường I, đường Nguyễn An Ninh.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, số thu từ tiền sử dụng đất gần 300 tỉ đồng hiện chủ yếu thu từ tái định cư hoàn thành năm 2023 là chính. Còn năm 2024, do phần lớn vướng khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến nguồn thu giao đất, cho thuê đất không đảm bảo. Các khoản thu hầu như đều có địa chỉ, do đó để giải quyết khâu giải phóng mặt bằng thì trước mắt phải có nền tái định cư để bố trí cho các dự án.

Còn theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, để khai thác nguồn thu từ đất, theo chỉ đạo của tỉnh hiện nay trung tâm đang phối hợp các ngành tiếp tục tháo gỡ vướng mắc từng dự án, vận động hộ dân bị ảnh hưởng sớm bàn giao mặt bằng.

Để tháo gỡ những khó khăn các dự án và hoàn thành dự toán được giao nguồn thu về đất hơn 1.700 tỉ đồng trong năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị đưa kế hoạch thu vào phong trào thi đua cho các đơn vị. Theo đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ vướng mắc các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho nhà đầu tư. Tập trung bố trí tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng, cũng như thu tiền sử dụng đất đối với hộ dân nhận nền tái định cư.

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>