Báo Hậu Giang điểm tin sáng 6  - 9: Việt Nam được trao gần 40 giải thưởng du lịch châu Á

06/09/2024 | 05:49 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Bán rơm cuộn tại đồng cho thu nhập tốt; Lực sĩ Lê Văn Công được thưởng 235 triệu đồng sau khi giành huy chương đồng Paralympic;  Tiến sĩ Việt phát triển công nghệ tạo thuốc diệt tế bào ung thư từ một chất có trong sữa mẹ; Nông thôn Hàn Quốc có nguy cơ biến mất.

Việt Nam được trao gần 40 giải thưởng du lịch châu Á

Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) khu vực châu Á vinh danh tại gần 40 hạng mục quan trọng.

Tại thủ đô Manila, Philippines, Việt Nam được WTA vinh danh tại hạng mục Điểm đến hàng đầu châu Á 2024 (Asia's Leading Destination 2024) và là lần thứ 4 liên tiếp giành được danh hiệu này. Ngoài ra, Việt Nam còn thắng thêm hai giải khác là Điểm đến Di sản và Điểm đến có thiên nhiên đẹp hàng đầu châu Á.

Nhiều tỉnh thành và điểm du lịch tại Việt Nam cũng được WTA đánh giá cao và trao các giải thưởng quan trọng. Hà Nội lần thứ ba liên tiếp thắng giải Điểm đến cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Thành phố hàng đầu châu Á.

Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) ra đời năm 1993, là giải thưởng uy tín được công nhận trên toàn thế giới và được ví như "Oscar của ngành du lịch".

Giải thưởng WTA vinh danh theo ba cấp độ từ cao đến thấp: thế giới (thường công bố vào cuối năm), khu vực và từng quốc gia.

Bán rơm cuộn tại đồng cho thu nhập tốt

Vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước mỗi năm sản xuất từ 24 – 25 triệu tấn lúa và đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu. Sau khi thu hoạch lúa người dân miền Tây tận dụng rơm rạ để bán, trồng nấm và ủ thành phân hữu cơ. Giá bán rơm tại đồng ruộng dao động từ 400 đến 500.000 đồng/ha. Bình quân mỗi ha máy sẽ cuốn được từ 170 – 180 cuộn rơm với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/cuộn. Nhiều khi hút hàng giá bán mỗi cuộn rơm có thể lên đến 25.000- 30.000 đồng. Như vậy, nếu tính giá thấp nhất thì mỗi ha bán rơm cuộn thu về khoảng 3 triệu đồng.

Bình quân mỗi hecta máy sẽ cuốn được từ 170 – 180 cuộn rơm với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/cuộn.

Lực sĩ Lê Văn Công được thưởng 235 triệu đồng sau khi giành huy chương đồng Paralympic

Lực sĩ Lê Văn Công đã nhận được phần thưởng xứng đáng sau khi mang về tấm huy chương quý báu cho cử tạ Việt Nam tại Paralympic 2024, tổng số tiền là 235 triệu đồng.

Trước đó chiều 4-9, lực sĩ Lê Văn Công thi đấu chung kết hạng cân 49kg nam môn cử tạ Paralympic 2024. Ở lượt nâng đầu tiên, anh hoàn thành mức tạ 171kg. Cho dù thất bại ở hai lượt nâng sau đó, thành tích này đủ giúp Lê Văn Công giành tấm HCĐ.

Đây là tấm huy chương đầu tiên của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Paris 2024. Đồng thời với cá nhân Lê Văn Công, đây là huy chương Paralympic thứ 3 trong sự nghiệp sau khi đã giành HCV năm 2016 và HCB năm 2021.

Tiến sĩ Việt phát triển công nghệ tạo thuốc diệt tế bào ung thư từ một chất có trong sữa mẹ

Từ một chất có trong sữa mẹ, TS. Trần Thị Hiền cùng cộng sự tại Đại học Lund (Thụy Điển) đã tạo ra phức hợp alpha lactalbumin-oleic acid ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển thuốc mới điều trị ung thư.

Nhóm nghiên cứu của TS Trần Thị Hiền, 40 tuổi, trở thành nhóm đầu tiên thành công tìm ra quy trình tạo phức hợp HAMLET đưa vào thử nghiệm lâm sàng và quy mô sản xuất công nghiệp.

Điểm độc đáo của phức hợp này là có thành phần alpha lactalbumin - một protein tìm thấy trong sữa mẹ hoặc sữa bò - nên an toàn cả với trẻ sơ sinh. Phức hợp đặc hiệu chỉ trên tế bào ung thư hay tế bào nhiễm virus/vi khuẩn gây bệnh, không gây ra độc tính và tác dụng phụ như các thuốc hóa trị, xạ trị thường thấy khác.

Nghiên cứu mở ra hướng mới trong điều trị ung thư an toàn và hiệu quả khi phối hợp với các liệu pháp thông thường. "Đây là khác biệt lớn nhất so với các thuốc ung thư hiện nay, khiến chúng trở thành ứng viên tiềm năng cho các phương pháp điều trị bệnh", TS Hiền nói.

Từ năm 2000, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới bắt đầu chạy đua nghiên cứu tạo phức hợp alpha lactalbumin-oleic acid (còn gọi là HAMLET/BAMLET - chất có trong sữa mẹ) cho sản xuất thuốc chống lại bệnh ung thư. Chất này vốn được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu của GS Catharina Svanborg (Đại học Lund, Thụy Điển) vào năm 1995, đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho tế bào/mô khỏe mạnh. Tuy nhiên các nhóm nghiên cứu mới chỉ tạo được phức hợp HAMLET ổn định trong thời gian ngắn, quy mô phòng thí nghiệm.

Nông thôn Hàn Quốc có nguy cơ "biến mất"

Khu vực nông thôn ở Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động trầm trọng, phải dựa vào người nước ngoài nhập cư để lấp đầy khoảng trống.

Năm ngoái, 165.000 visa lao động phổ thông đã được cấp, gấp đôi năm 2022. Khi dân số giảm, 89 trong số 228 quận hành chính của Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ. "Họ không có đủ người để tạo ra một chính quyền địa phương", Choi Hyunsun, giáo sư quản lý công của Đại học Myongji, nói.

Dưới ảnh hưởng của suy giảm dân số, giai đoạn 2017-2022, 193 trường học ở Hàn Quốc đã đóng cửa, gần 90% trong số đó nằm ngoài khu vực Seoul.

Trong khi đó, người trẻ đổ xô đến Seoul để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, họ buộc phải phải trì hoãn việc kết hôn và sinh con. Năm ngoái, Hàn Quốc ghi nhận con số kỷ lục 92.000 người đã chuyển đến Seoul vì lý do học tập.

Để chống lại sự "biến mất" của các vùng nông thôn, chính phủ Hàn Quốc đã chi 740 triệu USD mỗi năm, trong vòng 10 năm để thu hút người trẻ đến sinh sống và làm việc.

Chính quyền ở nhiều địa phương đã đề xuất nhiều dự án khác nhau để thúc đẩy du lịch, thu hút các công ty, cải tạo nhà cũ và xây dựng cơ sở giáo dục.

Tổng thống Yoon đang thành lập bộ phận kế hoạch và chiến lược dân số để giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số lão hóa. Kể từ năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã cấp tiền thưởng sinh con lên tới 1,423 USD cho mỗi đứa trẻ được sinh ra.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>