Để quê hương thêm đẹp, thêm xanh...

03/06/2024 | 10:01 GMT+7

Ban Giám khảo Cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang lần thứ IX, giai đoạn 2023-2024 đã chấm điểm 110 mô hình, để chọn ra đại diện xứng đáng trong hàng ngàn mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp của tỉnh nhà.

Không khó bắt gặp những tuyến đường được chăm chút như thế này ở các vùng nông thôn của Hậu Giang.

Chất lượng đồng đều

Ở cuộc thi cấp tỉnh lần này có 110 mô hình dự thi, với 14 hộ gia đình, 17 tuyến đường, 24 trường, 7 tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, 8 mô hình trạm y tế, 8 mô hình nhà văn hóa ấp, 8 mô hình ấp văn hóa, 8 mô hình trung tâm văn hóa cấp xã, 8 trụ sở UBND xã và 8 cơ sở thờ tự.

 Đây là những mô hình xuất sắc từ hàng ngàn mô hình được chọn các cuộc thi từ tổ nhân dân tự quản, ấp, xã và huyện. Theo đánh giá của Ban giám khảo, các mô hình của cuộc thi lần này có sự đầu tư đồng đều ở các địa phương. Nhiều mô hình đẹp nên việc chọn ra một mô hình xuất sắc nhất là không dễ. Đây là điều đáng mừng, bởi sự nỗ lực của những người tổ chức cuộc thi đã tạo nên sức lan tỏa sâu rộng. Người dân từ chỗ còn lạ lẫm, chưa tích cực nhập cuộc, đến giờ đã xem cuộc thi là cách để góp phần xây dựng quê mình thêm đẹp, thêm xanh.

Huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành A... là những địa phương có chất lượng khá tốt và đồng đều trong những lần tổ chức. Đây cũng là những địa phương có nhiều mô hình nổi trội, đoạt giải cao trong các mùa giải trước. Từ đó, việc nối dài từ mô hình có sẵn, nhân rộng, xây dựng những mô hình mới càng được quan tâm, tạo nên những tuyến đường đẹp trải dài hàng cây số, là điều kiện để xây dựng tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, tuyến, liên tuyến thi đua yêu nước kiểu mẫu... để tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Có được chất lượng như lần này là sự nỗ lực của địa phương, sự vào cuộc của người dân. Mỗi địa phương đúc kết cho mình những kinh nghiệm hay trong việc xây dựng, chọn những mô hình để tham gia. Bà Hứa Thị Kim Dung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Tổ nhân dân tự quản là nơi phát động đầu tiên và trong toàn dân. Chúng tôi còn có một kinh nghiệm là xây dựng “gối đầu”, tập trung vào những mô hình xuất sắc nhất, để gia cố thường xuyên, tiếp tục xây dựng những mô hình mới để có thể dự thi liên tục. Người dân ở thị xã Long Mỹ đã thật sự nhập cuộc, cùng tạo nên sức lan tỏa và chất lượng, được thể hiện qua những lần tổ chức”.

Tiếp tục lan tỏa

Ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ cho biết, ông thích cắt tỉa cây kiểng, luôn dành thời gian rảnh để làm, riết thành thói quen. Khi được địa phương phát động, ông nghiên cứu kỹ thể lệ để làm cho đúng. Với ông, điều này trước tiên làm đẹp cho nhà mình, sau đó góp phần làm đẹp xóm mình, quê mình.

Còn ông Nguyễn Văn Ớ, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ ông làm vì muốn tạo cảnh quan nơi sống xanh, sạch, đẹp. Ông luôn nhắc nhở mỗi người trong nhà phải giữ gìn, tôn tạo, làm đẹp ngôi nhà mỗi ngày, để nơi này luôn là mái ấm đúng nghĩa.

Để tạo sức lan tỏa, động lực để địa phương và người dân hứng khởi tham gia, khen thưởng là một phần không thể thiếu, ở những cấp đầu tiên, đã khen thưởng rất nhiều. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Ở huyện, việc khen thưởng mô hình được đặc biệt quan tâm. Mỗi mô hình ở từng cấp trao từ 3 giải nhất, nhì, ba trở lên. Điều này đã khích lệ và tạo động lực để mọi người cùng phấn đấu, cộng đồng trách nhiệm xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”.

 Từ lần thi đầu tiên đến nay, có từ 8-11 mô hình được phát động tùy cấp tổ chức. Ban tổ chức quy định mỗi cấp phải tổng kết, rút kinh nghiệm và tùy theo điều kiện cần khen thưởng những mô hình xuất sắc. Ở cuộc thi cấp tỉnh, trong lần tổ chức thứ 8 đã trao hơn 50 giải nhất, nhì, ba với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng. Mùa giải thứ 9 này, sẽ tiếp tục giữ số lượng giải thưởng, mỗi mô hình có 3 giải nhất, nhì và ba, để tiếp tục động viên, tạo sự hứng khởi và khen thưởng kịp thời cho những cá nhân, tập thể tích cực góp phần tạo sự lan tỏa cho cuộc thi.

Đánh giá chất lượng cuộc thi lần này, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, cho biết: “Các mô hình đều có sự nâng chất, điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư của địa phương, đặc biệt là ý thức của người dân ngày càng thể hiện rất rõ. Những mô hình đoạt giải nhiều năm trước, tham gia lại, có gia cố nhiều hơn, cạnh tranh với mô hình mới, tạo nên những điểm nhấn thú vị. Có được những điểm nhấn này là cả một quá trình lâu dài”.

Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Hậu Giang đã tổ chức cuộc thi này 2 năm 1 lần, ở 5 cấp, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và toàn dân, với phương châm “Lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”. Qua từng năm, cuộc thi đã góp phần làm đẹp làng quê, các con đường hoa, đường đẹp được nối dài dần sau mỗi lần cuộc thi phát động.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>