Điểm tin 19-9: Mưa bão diễn biến phức tạp, miền Trung khẩn trương ứng phó

19/09/2024 | 05:48 GMT+7

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung

Cơ quan khí tượng cảnh báo ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do gió mạnh cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Đối với đất liền, từ gần sáng và ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Về mưa, ông Hưởng cho biết do tác động của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ kết hợp với hoàn lưu trước của áp thấp nhiệt đới, đêm qua và sáng sớm nay ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, có nơi xấp xỉ 100mm.

Dự báo từ hôm nay đến sáng 20-9, ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ xảy ra đợt mưa lớn, với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Với lượng mưa như vậy, vùng núi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cần hết sức lưu ý hiện tượng lũ quét và sạt lở đất.

Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19-9

Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 19-9 để an toàn cho ngư dân trước áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ mạnh thành bão số 4 và khả năng đổ bộ vào tỉnh này.

Ngày 18-9, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu cấm biển từ 0h ngày 19-9 để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trước áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.

Thời hạn cấm biển được thực hiện cho đến thời điểm an toàn trở lại.

Hà Tĩnh tích cực kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Trước dự báo trên biển có sóng to, gió lớn, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đang tích cực thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, cho hay: Có 528 tàu, thuyền của Hà Tĩnh và các tỉnh, thành khác đã vào neo đậu, tránh trú trước diễn biến phức tạp của thời tiết trên biển. Các khu neo đậu tránh trú bão ở Hà Tĩnh hiện còn có thể tiếp nhận thêm 772 tàu, thuyền của ngư dân. Trong đó, tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót 206 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng 127 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ 43 phương tiện và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà 152 phương tiện.

Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã phối hợp với lực lượng BĐBP kiểm tra, kiểm soát và sắp xếp các tàu cá vào neo đậu đảm bảo an toàn.

Đà Nẵng cho tất cả học sinh nghỉ học chiều 18-9 và ngày 19-9

Do thời tiết diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn cho học sinh toàn thành phố nghỉ học chiều 18-9 và ngày 19-9.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng vào sáng 18-9, thành phố còn 62 tàu, thuyền với 617 người đang hoạt động trên biển, trong đó có 7 tàu đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ; 10 tàu, thuyền với 87 người đang hoạt động khu vực ven bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, 41 tàu cá với 452 người đang hoạt động ở vùng biển Bắc Biển Đông và Hoàng Sa; 10 tàu với 71 người đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và Trường Sa.

Các chủ tàu, thuyền hoặc thuyền trưởng đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão.

Thừa Thiên - Huế: Bộ đội giúp người dân chằng chống nhà cửa, phương tiện tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn

Trước diễn biến phức tạp của cơn áp thấp, bão số 4, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và Ban CHQS các huyện, thị xã và thành phố Huế, các đơn vị tuyến ven biển phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, thông báo cho người dân địa phương, các chủ phương tiện tàu thuyền nắm diễn biến của mưa, bão, phối hợp giúp nhân dân địa phương chằng chống nhà cửa, phương tiện tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn.

Cũng trong sáng 18/9, Bộ CHQS tỉnh cử các đoàn công tác về các địa bàn trọng điểm như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang để nắm tình hình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương chuẩn bị các phương án, kế hoạch, phối hợp với địa phương chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mưa, bão, giảm thiệu thấp nhất thiệt hại do áp thấp, bão số 4 gây ra.

Quảng Nam rà soát các phương án phòng chống thiên tai tại địa phương

Vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới có mưa rào mạnh và dông, gió Nam đến Tây Nam cấp 4 - 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo ngày và đêm 19/9 gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; sóng biển cao 3-5,5m. Từ đêm 19/9 gió giảm dần.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cảnh báo toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng biển cao.

Lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu toàn tỉnh kiểm tra, rà soát chặt chẽ các phương án phòng chống thiên tai tại địa phương, nhất là các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, cảnh báo, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở; kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành xả nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để chủ động ứng phó với bão, lũ.

Quảng Trị: Người dân đưa tàu cá vào âu, giằng néo nhà cửa

Sáng 18-9, tại Quảng Trị có mưa vừa và mưa to. Chính quyền địa phương và người dân cấp tập chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, quân dân trên đảo chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; kêu gọi tàu thuyền vào bờ; riêng tàu cá của các hộ dân tại đảo đã đưa lên bờ an toàn.

Trong buổi sáng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đảo Cồn Cỏ dùng bao cát gia cố mái nhà dân, các công trình công cộng. Các cây cao trên đảo cũng được cắt tỉa.

Toàn bộ khách du lịch trên đảo được đưa hết vào bờ từ hôm qua. Hiện, các lãnh đạo của huyện Cồn Cỏ túc trực đầy đủ trên đảo để ứng phó với tình hình mưa gió.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>