Điểm tin sáng 11 – 7: Người dân 'mặc áo giáp' cho cây ngăn trộm cắp khi cau tăng giá kỷ lục

11/07/2024 | 05:46 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: MV do AI thực hiện của Đan Trường nhận ý kiến trái chiều; Người dùng iPhone đã có thể xem tốc độ di chuyển với Google Maps; Singapore cấp phép 16 loại côn trùng làm thực phẩm; Người thứ hai được ghép thận lợn qua đời.

Người dân 'mặc áo giáp' cho cây ngăn trộm cắp khi cau tăng giá kỷ lục

Giá cau cao kỷ lục, hiện ở mức 50.000 đồng/kg. Người dân xứ ngàn cau (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) 'mặc áo giáp' bằng cách chẻ lồ ô phủ kín thân cây, ngăn nạn trộm cau.

So với năm 2023, giá cau hiện tại cao gấp 5 lần, người dân trồng cau trúng lớn. Trung bình mỗi buồng cau nặng khoảng 2-10kg, cho thu nhập từ 100.000 - 500.000 đồng/buồng.

Cau tăng giá kỷ lục, người dân vui mừng nhưng cũng lo lắng cau tặc hoành hành. Thực tế, năm 2018 cau có giá 30.000 đồng/kg thì tình trạng trộm cau đã xảy ra. Thời điểm trên, người dân huyện Sơn Tây đã dùng lưỡi dao lam, đinh... đóng chi chít quanh thân cây để giữ tài sản.

Năm nay, chính quyền địa phương không cho phép việc cắm lưỡi dao lam vào thân cây, dễ xảy ra tai nạn thương tâm khi thu hoạch.

Vì vậy, người dân xứ ngàn cau đã chẻ đôi cây lồ ô, vót nhọn và cột quanh thân cây, ngăn trộm cau. Nhìn từ xa nhiều vườn cau như được "mặc áo giáp".

Thống kê, Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng cau thuộc nhóm lớn nhất cả nước. Riêng huyện Sơn Tây có khoảng 1.000ha, phân bố rải rác khắp các bản làng, triền đồi.

MV do AI thực hiện của Đan Trường nhận ý kiến trái chiều

Trong những ngày qua, MV "Em ơi ví dầu" của Đan Trường nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía khán giả. Đây là MV đầu tiên của nam ca sĩ được thực hiện bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đến thời điểm hiện tại, MV "Em ơi ví dầu" có hơn 405.000 lượt xem trên Youtube.

Một số khán giả nhận xét tạo hình ca sĩ bằng AI không đẹp bằng ngoài đời, hình ảnh gượng gạo, thiếu tự nhiên, không tạo được cảm xúc cho người xem.

Mới đây, trên trang cá nhân, Đan Trường lên tiếng về MV "Em ơi ví dầu". Nam ca sĩ cho biết: "Lâu rồi Đan Trường mới hát lại nhạc dân ca miền Tây Nam Bộ, mà lại một bài rất là ưng ý. Như mọi lần, nếu không quay MV mà ra bản audio thì chỉ một tấm hình và ghép tiếng. Nhưng lần này với công nghệ AI, ekip đã bỏ thời gian hơn hai tháng để áp dụng công nghệ AI vào MV, làm cho bài hát thêm sinh động và nhiều cảm xúc. Có thể lần này là bước khởi đầu, chưa được ưng ý, nhưng cả nhà yên tâm, 1-2 năm nữa công nghệ AI sẽ làm hình ảnh của Đan Trường sẽ y như thật 100%".

Người dùng iPhone đã có thể xem tốc độ di chuyển với Google Maps

Sau 5 năm có mặt trên Android, cuối cùng người dùng iPhone đã có thể xem tốc độ di chuyển và cảnh báo tốc độ trên ứng dụng Google Maps của mình.

Theo Google, mục đích của bản cập nhật này là giúp người dùng Google Maps trên iPhone có thể giảm tiền phạt vì chạy quá tốc độ cũng như giúp họ nâng cao nhận thức về tốc độ di chuyển. Bản cập nhật sẽ có sẵn trên toàn thế giới, tùy thuộc vào khu vực sẽ được hiển thị theo đơn vị dặm hoặc kilômét trên giờ.

Tính năng đồng hồ tốc độ trong Google Maps đã có vào năm 2019 và không triển khai rộng rãi. Nó chỉ được cập nhật cho hơn 40 quốc gia vào giữa năm 2019, trong khi người dùng iOS và CarPlay phải chờ đến 5 năm mới nhận được khả năng này.

Singapore cấp phép 16 loại côn trùng làm thực phẩm

Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore mới đây đã cấp phép 16 loài côn trùng ăn được cho việc bán và tiêu thụ côn trùng trong nước.

Các loài côn trùng được cấp phép làm thực phẩm bao gồm nhiều loài dế, sâu bột, châu chấu, nhộng tằm và một số loài bọ cánh cứng..

Vào tháng 4/2023, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo rằng 16 loài côn trùng sẽ được phép sử dụng cho con người. Cuối tháng 1 năm nay, SFA cho biết cơ quan này sẽ giới thiệu khung pháp lý trong nửa đầu năm 2024.

Trước khi được phê duyệt, một số nhà hàng và quán bar tại Singapore đã bắt đầu chuẩn bị một loạt món ăn có nguyên liệu là côn trùng.

Người thứ hai được ghép thận lợn qua đời

Lisa Pisano, người thứ hai trên thế giới được ghép thận lợn biến đổi gene đã tử vong, sau 3 tháng nằm viện.

Thông báo được các bác sĩ tại NYU Langone Health đưa ra ngày 10/7. Trước đó, Pisano được phẫu thuật cấy ghép thận lợn biến đổi gene và đặt máy bơm tim cơ học vào tháng 4. Ban đầu, người phụ nữ hồi phục tốt. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Robert Montgomery, trưởng kíp mổ, việc quản lý cả máy bơm tim và quả thận mới "có những thách thức đặc biệt".

Pisano là bệnh nhân thứ hai trên thế giới được ghép thận từ một con lợn chỉnh sửa gene. Người đầu tiên là Richard "Rick" Slayman, được cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và qua đời vào đầu tháng 5. Bác sĩ cho biết ông chết vì bệnh tim mắc từ trước, không phải kết quả của việc cấy ghép.

Hiện có hơn 100.000 người nằm trong danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ, hàng nghìn người đã chết trong thời gian chờ đợi. Một số công ty công nghệ sinh học đang chạy đua biến đổi gene lợn, giúp cơ quan này giống với người hơn, ít gặp tình trạng thải ghép (hệ miễn dịch tấn công).

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>