Điểm tin sáng 2 – 7: Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, hơn 55% đã bị biến chứng

02/07/2024 | 05:50 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Lão nông Vĩnh Long thu tiền tỉ từ giống nhãn 'siêu trái'; Lễ hội đánh cá hơn 300 năm ở Hà Tĩnh; Số người châu Á di cư ra nước ngoài để làm việc đạt mức cao kỷ lục; Trung Quốc chiếm một nửa trong 3,4 triệu bằng sáng chế cả thế giới.

Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, hơn 55% đã bị biến chứng

Theo số liệu của Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.

Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 - 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần.

Tại Việt Nam, hiện tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Lão nông Vĩnh Long thu tiền tỉ từ giống nhãn 'siêu trái'

10 năm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Phúc ở Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long Vĩnh Long, cho ra giống nhãn siêu trái, giá bán cao gấp đôi loại thường, mang lại doanh thu 1,5 tỉ đồng một năm.

năm 2016, ông Phúc tìm thấy giống nhãn IDO cổ từ Thái Lan và bắt đầu ghép đọt lên nhiều gốc nhãn như: long nhãn, tiêu lá dài, nhãn quế, lồng Hưng Yên, long tiêu đường và một số giống ngoại nhập khác. Sau nhiều năm chọn lọc và giữ lại những tính trạng ưu việt, ông đã tạo ra một giống nhãn mới "siêu trái" đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau bốn năm canh tác, ông Phúc đã thu hoạch được những chùm nhãn nặng từ 3,5-4 kg, vỏ dày, hạt nhỏ. "Vì chùm to và trĩu quả nên tôi gọi chúng là nhãn siêu trái. Trái lớn tròn đều và ngọt hơn hẳn cả nhãn IDO," ông chia sẻ.

Lễ hội đánh cá hơn 300 năm ở Hà Tĩnh

Tháng 5 âm lịch hàng năm, người dân đổ ra Đầm Vực ở huyện Nghi Xuân tham dự lễ hội đánh cá Đồng Hoa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đầm Vực hay Vực Rào là một lạch nước sâu, trải dài theo chân núi Vực, diện tích khoảng 30 ha. Vực có dòng nước trong mát, nhiều hang, đầm lầy, là nơi trú ngụ của các loài cá nước ngọt như chép, lóc, trê, ngạo. Ngoài ra, hàng năm nguồn cá từ các khe Nhà Nương, Tràng Vưng, Bàu Chăm... ở trong huyện Nghi Xuân cũng theo dòng nước đổ về Đầm Vực.

Số người châu Á di cư ra nước ngoài để làm việc đạt mức cao kỷ lục

Theo số liệu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số người châu Á di cư ra nước ngoài để làm việc đã ghi nhận mức cao kỷ lục 6,93 triệu người trong năm 2023, khi ngày càng nhiều người từ Philippines, Bangladesh và các quốc gia khác tìm kiếm cơ hội tại các nền kinh tế phát triển thiếu hụt lao động.

ADBI cho rằng sự gia tăng này không chỉ do sự phục hồi của hoạt động dịch chuyển lao động (labor migration) mà còn do những thay đổi cơ cấu như dân số trong độ tuổi lao động giảm tại các nền kinh tế phát triển.

Kiều hối của người lao động di cư gửi về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đạt mức kỷ lục vào năm 2023, khoảng 371,5 tỉ USD, chiếm 43% tổng kiều hối toàn cầu.

Philippines là nước có số lượng người di cư lớn nhất với 2,3 triệu người, tăng 93% so với năm 2022 và chiếm một phần ba tổng số lao động di cư từ các nước châu Á. Bangladesh đứng thứ hai với 1,3 triệu người, tiếp theo là Pakistan với 860.000 người.

Trung Quốc chiếm một nửa trong 3,4 triệu bằng sáng chế cả thế giới

Ảnh minh họa.

Báo cáo công bố của Hiệp hội các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu của Đức (VFA) cho thấy có tổng cộng 3,4 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế đã được phê duyệt trên toàn thế giới vào năm 2022, trong đó gần 50% của Trung Quốc.

Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 635.000 đơn nộp trong năm 1980, trong đó chỉ có 44 đơn đăng ký từ Trung Quốc.

Hầu hết các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2022 đều dành cho máy tính, cảm biến, máy móc điện cũng như công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, nước này cũng thể hiện tham vọng ngày càng tăng trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học thông qua các đơn xin cấp bằng sáng chế.

Ngoài số đơn đăng ký bằng sáng chế của Trung Quốc, 1,5 triệu đơn còn lại trong năm 2022 là từ 27 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>