Điểm tin sáng 20-9: Tình hình mưa, bão ở miền Trung

20/09/2024 | 05:53 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 350 xã ở 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên nguy cơ sạt lở đất; Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh vùng bão lũ; 17 tỉnh, thành cân nhắc cho nghỉ học tránh bão số 4; Bộ Công an trả lời xử lý hành vi không chuyển hay không chuyển đủ tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ.

Trong các ngày 18 và 19-9, nhiều nơi ở các tỉnh, thành miền Trung có mưa to đến rất to, ghi nhận ngập nước trên nhiều tuyến đường, có lốc xoáy làm tốc mái nhà, ngã đổ cây xanh ở một số nơi. 

Tình hình mưa, bão ở miền Trung

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin: Lúc 14h hôm qua (ngày 19-9), bão số 4 đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Quảng Trị.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.

Sáng đến trưa 19-9, ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to Tà Long (Quảng Trị) 179mm, Mai Hóa (Quảng Trị) 151mm, Trọng Hóa (Quảng Bình) 114mm,…

Trong chiều 19-9, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Từ chiều 19 đến ngày 20-9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Đề phòng mưa cường suất lớn trên 100mm/6 giờ ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều và đêm nay.

Trong các ngày 18 và 19-9, nhiều nơi ở các tỉnh, thành miền Trung ghi nhận ngập nước trên nhiều tuyến đường, có lốc xoáy làm tốc mái nhà, ngã đổ cây xanh ở một số nơi. 

* Từ  nay đến 21-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ 3 - 6m, hạ lưu các sông từ 2 - 3m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ tại sông Cả (Nghệ An), thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) và các sông nhỏ lên mức báo động 1 (BĐ1) - BĐ2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2 - BĐ3; hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1.

Đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2, các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

350 xã ở 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên nguy cơ sạt lở đất

Trang http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn của cơ quan khí tượng cảnh báo có 350 xã ở 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên nguy cơ sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là cấp hai trên thang ba cấp, các tỉnh còn lại ở cấp một.

Cụ thể, nguy cơ sạt lở, lũ quét ở mức rất cao tại Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà của TP Đà Nẵng; A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Quảng Trị có Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh; Quảng Nam là Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước.

Các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình; Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh; Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương của tỉnh Nghệ An; Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ sạt lở đất.

Quảng Ngãi có các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Đức Phổ; Kon Tum có Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông cũng đối diện nguy cơ sạt lở đất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh vùng bão lũ

Ngày 19-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ.

Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

17 tỉnh, thành cân nhắc cho nghỉ học tránh bão số 4

Ngày 19-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công điện gửi giám đốc sở giáo dục và đào tạo 17 tỉnh, thành phố, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với mưa bão.

Bộ yêu cầu Các địa phương cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão. Đồng thời đảm bảo thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.

Bộ Công an trả lời xử lý hành vi không chuyển hay không chuyển đủ tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ

Bộ Công an nhấn mạnh, tùy vào từng trường hợp, tính chất và mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm liên quan nội dung trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính.

* Về xử lý hình sự, trường hợp thứ nhất, nếu cá nhân, tổ chức ngay từ đầu đã dùng thủ đoạn gian dối, chủ động lên kế hoạch kêu gọi từ thiện, ủng hộ, cứu trợ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội này quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Trường hợp thứ hai, theo Bộ Công an nếu ban đầu cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, ủng hộ, cứu trợ không có mục đích chiếm đoạt tài sản.

Nhưng khi có được tiền từ việc quyên góp, ủng hộ thì dùng thủ đoạn gian dối (như làm giả sao kê, không chuyển đủ số tiền đã nhận được) nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tội này quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

* Về xử lý vi phạm hành chính, Bộ Công an cho hay nếu cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện, ủng hộ, cứu trợ để chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đến mức xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nêu trên có thể bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất nếu là người nước ngoài. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với hành vi sử dụng không đúng mục đích số tiền ủng hộ đã tiếp nhận theo cam kết ban đầu, căn cứ nghị định 130/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Trong đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với một trong các hành vi gồm để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn. Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Tráo đổi hàng cứu trợ.

Cùng với đó, sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát do thực hiện hành vi vi phạm. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>