Điểm tin sáng 26 – 4: Các quốc gia có sông Mekong chảy qua đã xây bao nhiêu hồ chứa ?

26/04/2024 | 05:47 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 2 thành phố của Việt Nam vào bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới; Lễ hội bánh mì lần 2Hội An, Đà Nẵng lo "hụt hơi" trong cạnh tranh nguồn khách; Tòa án Philippines cấm sản xuất 'gạo vàng' biến đổi gene.

Các quốc gia có sông Mekong chảy qua đã xây bao nhiêu hồ chứa ?

Một đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Mekong.

Ngày 25/4, báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy trước năm 2012, tác động từ thượng nguồn đến vùng còn nhỏ, dòng chảy gần với quy luật tự nhiên.

Song đến năm 2024, các quốc gia đã xây dựng 128 hồ (13 hồ trên dòng chính, 115 hồ trên dòng nhánh) với dung tích khoảng 88 tỷ m3, dự kiến tăng lên 90-95 tỷ m3 vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ m3 khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn 2040-2060.

Trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành hồ chứa theo quy hoạch, cùng với nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông, xâm nhập mặn có xu thế gay gắt, bất thường hơn. Mức độ xâm nhập sâu vào đất liền phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 5-7 km; các đợt hạn mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020 xuất hiện thường xuyên hơn.

Xâm nhập mặn có xu hướng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn trước đây 1-1,5 tháng. Trước năm 2012, mặn thường đến từ tháng 2 đến 4, đỉnh mặn vào cuối tháng 3-4, là tháng có dòng chảy kiệt nhất. Hiện nay, những năm dòng chảy thượng nguồn về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

2 thành phố của Việt Nam vào bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới

Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024.

Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 105.

Theo IMD, thành phố thông minh được định nghĩa là "môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa cho người dân".

Lễ hội bánh mì lần 2

Lễ hội bánh mì lần 2 có chủ đề "Bánh mì Việt Nam – Giá trị ẩm thực thế giới" do Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 17-19/5 tại công viên Lê Văn Tám. Lễ hội có khoảng 150 gian hàng gồm các thương hiệu bánh mì nổi tiếng trên 50 năm, các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh mì, đơn vị cung cấp nguyên liệu…

Điểm mới của lễ hội năm nay là không gian khu vực cổng chào hình rồng được làm bằng chất liệu bánh mì, do các nghệ nhân, thợ làm bánh mì thể hiện với ý nghĩa khát vọng vươn xa của bánh mì Việt Nam.

Bánh mì Việt Nam hiện đang đứng top 4 trong bản đồ 60 loại bánh mì của thế giới. Bánh mì cũng được Taste Atlas nhận định là món sandwich ngon nhất thế giới. "Lễ hội là dịp để các đầu bếp, nghệ nhân, thợ làm bánh mì sáng tạo, rèn luyện tay nghề để vươn xa hơn", bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết.

Hội An, Đà Nẵng lo "hụt hơi" trong cạnh tranh nguồn khách

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng gần đây nhiều lần đề nghị ngành du lịch hai tỉnh năng động hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm mới, thay đổi hình ảnh diện mạo xưa cũ chính mình lâu nay để hấp dẫn hơn với khách, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên hiện tại cho thấy các sự dịch chuyển đang diễn ra khá chậm. Số dịch vụ mới lạ, khác biệt hiện rất hiếm.

Tại Hội An, dù khách đổ về ùn ùn nhưng lượng lưu trú, chi tiêu tăng không nhiều. Hội An đang lo trở thành nơi tham quan, khách sau khi vào Hội An sẽ không chi tiêu mà ra lại Đà Nẵng lưu trú, ăn uống.

Báo cáo tình hình du lịch 4 tháng đầu năm cho thấy có gần một triệu lượt khách đã tham quan mua vé vào phố cổ Hội An với tổng số tiền gần 80 tỉ đồng. Tuy vậy, lượng khách nội địa ghi nhận giảm tới gần 40%.

Tòa án Philippines cấm sản xuất 'gạo vàng' biến đổi gene

Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt "gạo vàng" (golden rice), loại gạo có màu vàng và được chủ động biến đổi gene để có nhiều vitamin A.

Tuy nhiên theo Hãng tin AFP ngày 25-4, Tòa án phúc thẩm ở Manila đã thu hồi giấy phép an toàn sinh học đối với việc sản xuất thương mại loại gạo này do các cơ quan quản lý chính phủ cấp vào năm 2021, sau khi nhiều bên nộp đơn phản đối.

Phán quyết của tòa án được đưa ngày 17-4. Hãng tin AFP đã tiếp cận được phán quyết này ngày 25-4. Phán quyết cũng áp dụng cho cà tím BT - loại cà tím biến đổi gene có khả năng kháng sâu bệnh.

"Do các quan điểm khoa học trái ngược nhau và sự không chắc chắn về rủi ro cũng như tác động của gạo vàng và cà tím BT, nên đã phát sinh các mối đe dọa nghiêm trọng tiềm ẩn đối với sức khỏe của con người và môi trường" - tòa án trên chỉ ra.

Họ tuyên bố không cho phép sản xuất thương mại gạo vàng "cho đến khi các cơ quan chính phủ liên quan nộp bằng chứng về sự an toàn và tuân thủ tất cả yêu cầu pháp lý".

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>