Điểm tin sáng 27 – 6: Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo chủng đậu mùa khỉ mới nguy hiểm

27/06/2024 | 05:47 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 2 nữ VĐV cuối cùng của thể thao Việt Nam có tên tham dự Olympic Paris 2024; USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới; Loài bướm bay hơn 4.000 km vượt Đại Tây Dương; Hai tiểu hành tinh bay sượt qua Trái Đất trong tuần này. 

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo chủng đậu mùa khỉ mới nguy hiểm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một chủng virus đậu mùa khỉ nguy hiểm đang lây lan ở Congo, tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

John Claude Udahemuka, giáo sư Đại học Rwanda, cho biết chủng mới lây lan mạnh, có đột biến của nhánh đậu mùa khỉ I đặc hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo trong nhiều thập kỷ. Chủng này được đánh giá nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khoảng 5% ở người lớn và 10% ở trẻ em. Trong khi con số tương tự ở chủng cũ khoảng 1%, theo WHO.

Theo thống kê của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho thấy, từ đầu năm đến nay có khoảng 8.600 ca mắc đậu mùa khỉ tại Congo, trong đó 410 ca tử vong. "Với tốc độ này, chúng tôi lo ngại dịch bệnh tại Congo có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho các quốc gia khác", Cris Kacita, bác sĩ phụ trách dịch bệnh của đất nước, nhận định.

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, lây lan qua tiếp xúc gần, gây ra các triệu chứng giống cúm và nốt mụn chứa đầy mủ. Hầu hết ca bệnh có triệu chứng nhẹ, song có vẫn có thể gây tử vong.

WHO cho biết từ 2021-2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu liên quan người nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình.

Các ca nhiễm ban đầu tập trung ở Mỹ và một số nước châu Âu, khiến cơ quan y tế Liên Hợp Quốc phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tình trạng này đã được gỡ bỏ vào tháng 5/2022.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Đến đầu năm nay, Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

2 nữ VĐV cuối cùng của thể thao Việt Nam có tên tham dự Olympic Paris 2024

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt (ảnh trên) đã được Liên đoàn Bắn cung Thế giới (World Archery) xác nhận là 1 trong 5 vận động viên cuối cùng đến với Thế vận hội 2024 dựa vào bảng xếp hạng thế giới ở nội dung cá nhân.
Đỗ Thị Ánh Nguyệt xếp hạng cao trên Bảng xếp hạng thế giới nhờ vào quá trình thi đấu tốt tại giải vô địch châu Á 2023 (27 điểm), ASIAD 19 (21 điểm), vô địch thế giới 2023 (20 điểm), vòng loại Olympic châu Á 2023 (17 điểm).

Đây cũng là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp của cung thủ nữ số 1 Việt Nam ở nội dung cung 1 dây.

Tại Olympic Tokyo 2020, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt là thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam

- Bên cạnh đó, Liên đoàn thể thao dưới nước quốc tế (FINA) đã chính thức lựa chọn kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên (ảnh trên) là đại diện của Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 thông qua suất đặc cách.

Mỹ Tiên hiện là kình ngư nữ số 1 Việt Nam với thành tích 775 điểm tại vòng loại Olympic. Cô cũng là VĐV nữ duy nhất đạt chuẩn và đủ điều kiện tham dự giải bơi vô địch thế giới 2023 - điều kiện bắt buộc để FINA xét tuyển cho suất đặc cách Olympic ở môn bơi lội.

Sự ghi nhận này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Mỹ Tiên, đồng thời khẳng định vị thế của cô trong làng bơi lội khu vực và thế giới.

Võ Thị Mỹ Tiên, sinh ngày 29/10/2005, quê quán xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

Như vậy, Đoàn thể thao Việt Nam đã có 15 suất tham dự Olympic Paris 2024, vượt chỉ tiêu đề ra.

USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới

Theo báo cáo "Giám sát sự thống trị của đồng USD" của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Đồng euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào đồng bạc xanh.

Báo cáo cho rằng đồng USD vẫn là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và vai trò đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu sẽ được duy trì trong ngắn và trung hạn.

Sự thống trị của đồng USD, vai trò quá lớn của đồng bạc xanh trong nền kinh tế toàn cầu, gần đây được củng cố nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng, dù sự phân mảnh về kinh tế khiến các nền kinh tế BRICS chuyển sang các đồng tiền dự trữ và quốc tế khác.

Loài bướm bay hơn 4.000 km vượt Đại Tây Dương

Tận dụng gió thổi từ sa mạc Sahara ở châu Phi đến Nam Mỹ, bướm Vanessa cardui nhỏ bé có thể bay liên tục 5 - 8 ngày xuyên biển.

Loài bướm này thường xuyên di cư 14.500 km từ châu Âu đến châu Phi cận Sahara, nhưng chúng sẽ dừng chân dọc đường để nghỉ ngơi và bổ sung năng lượng. Để đến Nam Mỹ, chúng phải bay không ngừng nghỉ xuyên Đại Tây Dương.

"Bướm chỉ có thể hoàn thành chuyến bay khi sử dụng chiến lược xen kẽ giữa bay chủ động - hoạt động tốn nhiều năng lượng - và lướt theo gió. Chúng tôi ước tính rằng nếu không có gió, chúng chỉ bay được tối đa 780 km trước khi tiêu thụ hết chất béo và năng lượng", Eric Toro-Delgado, nhà sinh vật tại Viện Sinh học Tiến hóa ở Tây Ban Nha, đồng tác giả nghiên cứu, kết luận.

Hai tiểu hành tinh bay sượt qua Trái Đất trong tuần này

Hai tiểu hành tinh sẽ quét qua Trái Đất trong tuần này đúng vào dịp Ngày Tiểu hành tinh 2024. Một trong hai số đó là tiểu hành tinh 2024 MK, mới được phát hiện cách đây chưa đầy 2 tuần. Nó có kích thước khoảng 120 đến 260 mét, được quan sát thấy lần đầu tiên vào ngày 16/6.

Tiểu hành tinh 2024 MK có kích thước lớn sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 290.000 km, bằng khoảng 75% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Theo các nhà khoa học, nó khó có khả năng va chạm với Trái Đất vào thời điểm này.

Tiểu hành tinh thứ hai, 2011 UL21, có kích thước lớn hơn nhiều và đã được biết đến từ trước. Với chiều ngang 2.310 mét, nó lớn hơn 99% các tiểu hành tinh khác ở gần Trái Đất. Vào thời điểm bay đến gần Trái Đất vào ngày 27/6, nó sẽ ở cách xa chúng ta 17 lần so với Mặt Trăng.

Dù to lớn nhưng lần này vì ở quá xa nên khả năng quan sát thấy nó vẫn ít hơn so với tiểu hành tinh 2024 MK. May mắn thay, nó cũng không có nguy cơ gây sự cố gì cho hành tinh của chúng ta.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>