Thứ Sáu, ngày 24/01/2025 | 05:36
Nằm nép mình giữa sự phát triển của thời đại, những ngôi nhà cổ khắp miền Tây gợi nhớ một thời vàng son của các gia đình trung lưu xứ Nam kỳ một thuở.
Một kiếp nhà, bao kiếp người, những câu chuyện qua lời kể của các thế hệ như làm sống lại bao ký ức, để những ngôi nhà trăm năm không cũ, tết về nhà cổ mang dư vị rất riêng...
Trăm năm trôi qua, ngôi nhà của gia đình bà Ngọc vẫn giữ được kiến trúc từ những ngày đầu xây dựng.
Thăng trầm nhà cổ
Trong ký ức của chị Lê Thị Bảo Trân, thế hệ thứ 5 sinh sống trong ngôi nhà cổ họ Lâm, ở phường V, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), căn nhà của gia đình là nơi nuôi dưỡng, vun đắp tinh thần của cả năm thế hệ. Nhà cổ họ Lâm là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của kiến trúc Pháp song hành cùng truyền thống Việt Nam trong cùng một không gian vào những năm đầu thế kỷ XX.
“Được ba mẹ kể lại, người xây dựng nên căn nhà này là ông sơ của tôi - ông Lâm Văn Thơm, một điền chủ và sau này làm cả nghề thợ bạc, rồi cũng phải buôn bán nhiều thứ để tích góp, xây dựng nên cơ ngơi của gia đình. Đến nay ngôi nhà ngót nghét 114 năm tuổi, dù có nhiều chỗ bị xuống cấp, hư hỏng nhưng về cơ bản ngôi nhà vẫn còn giữ được kiểu dáng, những hoa văn vẽ tay trên tường hay nhiều kỷ vật đến nay được xem là vô giá”, chị Trân chia sẻ.
Những ngôi nhà tồn tại qua bao thăng trầm, thi gan cùng tuế nguyệt như một lời nhắc nhớ cho con cháu về niềm luyến thương, truyền thống được nối tiếp trong sự hoài nhớ về tổ tiên.
“Nhớ lại hồi đó những năm còn chiến tranh, nào có nghĩ tới có ngày căn nhà từ thời ông bà xây cất vẫn còn tới tận bây giờ. Từ mái nhà tới vách tường, cột kèo qua hơn trăm năm vẫn không bị hư hại, mối mọt. Để bây giờ cứ mỗi dịp tết tới, con cháu lại có căn nhà tổ để quay về, thắp nén nhang cho tổ tiên”, là tâm sự của bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ nhân đời thứ 4 của căn nhà cổ tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long).
Dù năm nay tuổi đã gần 80 nhưng bà Ngọc nhớ lời kể của cha mẹ bà về nguồn gốc căn nhà. Người xây dựng nên ngôi nhà tổ là dì ruột của ông ngoại bà, vốn là địa chủ giàu có, bề thế thời đó, đất đai ruộng vườn nhiều không kể xiết, chồng bà còn là người có chức tước cao. Nền nhà được xây cao ráo bằng đá xanh, cột kèo làm từ gỗ quý, kiến trúc có sự ảnh hưởng từ Pháp. Kinh phí xây dựng ngôi nhà này không rõ bao nhiêu nhưng bà Ngọc nghe người lớn trong nhà nói lại tốn một số vàng rất lớn.
Nhà cổ là một sản phẩm du lịch đặc trưng ở miền Tây.
Trăm năm giữ một nếp nhà !
Những căn nhà trăm tuổi không chỉ đơn thuần kiến trúc, nơi ăn chốn ở mà sâu xa hơn nó mang hồn cốt văn hóa lâu đời. Qua năm tháng, nhà cổ vẫn đang được các thế hệ nối tiếp nhau chung sức gìn giữ, bảo tồn nhưng đâu đó còn cả muộn phiền âu lo khi giữ lấy trách nhiệm gìn giữ nếp xưa nhà cũ.
“Căn nhà cổ là tài sản vô giá của gia đình, theo thời gian ngôi nhà dù có xuống cấp nhưng cả trăm năm qua bao thế hệ của nhà họ Lâm vẫn sống quây quần, trân trọng nhau tại đây. Chưa bao giờ tôi có ý định sẽ phá bỏ để xây mới khang trang, hiện đại. Tôi vẫn muốn giữ nguyên những gì ông bà để lại, chỉ sửa chữa, tu bổ khi có đủ điều kiện”, là sự trân trọng mà chị Trân luôn dành cho ngôi nhà của mình.
Đối với người sống trong những căn nhà cổ, cuộc sống ít nhiều sẽ có sự ảnh hưởng bởi tác động của thiên nhiên, thời gian. Không ít ngôi nhà cổ đang đứng trước câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”.
Cô Lê Thúy Oanh, con dâu bà Ngọc tâm sự về những cố gắng của gia đình trong việc gìn giữ ngôi nhà sau chừng ấy năm: “Từ khi về làm dâu má và sống trong căn nhà cổ, vợ chồng tôi luôn trân trọng từ món đồ nhỏ nhất trong nhà. Tôi nghe má kể ngày xưa vì là gia đình điền chủ nên nhiều món đồ quý được cẩn xà cừ, có cả mua từ nước ngoài về không gì là không có nhưng đến nay còn lại không nhiều. Chồng tôi luôn suy nghĩ những gì tổ tiên để lại thì phải để cho nó giữ được cái gốc vốn có, đến cả bộ bàn ghế cũng chỉ lau chùi cho sạch bụi chứ không sơn lại theo màu gỗ hiện đại, từng cái cửa nhà, bộ lư đồng, khung tranh thờ cũng cố gắng không để hư hại”.
Đi dọc dài miền Tây, nhiều địa phương hiện đang phối hợp gia chủ bảo quản khá tốt những ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100-200 năm, thậm chí lâu hơn. Những người sinh sống dưới nếp nhà cổ luôn ra sức lưu giữ, bảo vệ nét văn hóa đặc sắc của đất Nam bộ xưa. Điểm gặp gỡ giữa các ngôi nhà xưa này là tâm huyết của những người đang sống tại đây. Giữ cho nếp nhà còn mãi như ăn sâu vào trong tâm khảm họ. Để rồi dù qua nhiều biến thiên lịch sử, họ vẫn đang nỗ lực lan tỏa cho thế hệ sau, để nối dài sức sống cho những ngôi nhà cổ, lưu giữ những ký ức của lịch sử cho hôm nay và mai sau.
Tết nhà cổ có phong vị rất riêng...
Trong ngôi nhà trăm tuổi, tết đọng lại là biết bao nhiêu là niềm thương, nỗi nhớ một thuở vàng son.
Dù ở không gian, thời gian nào, Tết cổ truyền vẫn đậm đà, là điều thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Nhưng những ngày được ăn tết trong những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi vẫn có phong vị rất riêng lắm.
Tết ở nhà cổ là sự hoài niệm trong không gian vừa ấm cúng lại hoài cổ, lắng đọng thật lâu trong ký ức mỗi người khác xa cái ồn ào, nháo nhiệt của cuộc sống thời nay.
“May mắn là gia đình vẫn còn giữ lại được nhiều món kỷ vật có giá trị để tô điểm thêm cho căn nhà. Tết đến thì không thể nào thiếu được cúc, huệ, vạn thọ chưng trong mấy cái bình lục giác tráng men xanh để trên bàn thờ ông bà, đến cái đĩa chò chưng mâm ngũ quả bằng đồng, lư đồng không có cái nào dưới một trăm năm. Tất cả được chăm chút, quét dọn sạch sẽ, nhìn vào thôi đã thấy tết đến. Giờ lớn rồi mới thấy, chỉ có trong ngôi nhà cổ của gia đình, mùi tết mới thân thương, lưu luyến đến như vậy”, chị Trân đầy hoài niệm ngẫm lại.
Trong cái hoài niệm về một thời vàng son, không gian bàn thờ tổ tiên với hoành phi, câu đối, cẩn xà cừ, hòa cùng hương thoang thoảng của mùi trầm, mùi hoa mai nở rộ, mùi dưa hấu nồng đượm hương đất quê… là điểm tạo nên sự khác biệt, mang lại không gian thực sự tết trong những ngôi nhà cổ.
Với những thế hệ lớn lên trong những ngôi nhà trăm năm, Tết là dịp để đoàn viên, họ lựa chọn trở về bên những ngôi nhà cổ, tìm lại không gian ấm cúng, nơi lưu giữ những kỷ niệm để thêm tự hào về gia đình.
Bên bộ trường kỷ được gìn giữ cẩn thận qua nhiều đời, mấy đứa nhỏ cười nói rôm rả ăn mứt dừa, nhận tiền lì xì từ ông bà. Người lớn trong nhà thì nhấm nháp chút nước trà thêm miếng mứt gừng. Vào thời khắc đó, không khí tết tràn ngập khắp căn nhà cổ. Tưởng bình dị vậy đó nhưng có thể xóa đi cái xa cách, hối hả ngày thường.
Không gian hoài thương như vậy là mối dây kết nối quá khứ với hiện tại ở mỗi một nếp nhà nơi miền đất phương Nam mỗi dịp tết đến xuân về.
Trong những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi, mỗi cái tết trôi qua vẫn có dư vị rất riêng.
Nhiều nhà cổ trở thành điểm du lịch nổi bật Đi dọc dài các tỉnh, thành Tây Nam bộ, nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ đã tồn tại trăm năm tuổi. Trong đó, nhiều nhà cổ trở thành điểm tham quan nổi bật, như nhà cổ Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc, Đồng Tháp) xuất hiện trong phim kinh điển “Người tình”; nhà cổ Bạch Công tử (Mỹ Tho), cùng hàng chục ngôi nhà cổ khác ở làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang); nhà cổ Chánh tổng Nguyễn Kim Thinh (Bình Tân), nhà cổ Cai Cường (Long Hồ, Vĩnh Long); nhà cổ Công tử Bạc Liêu...
------------------------- Chàng trai mới 24 tuổi có hơn 5 năm nghiên cứu nhà cổ, mong được bảo tồn bền vững nhà cổ
Anh Duy Linh trong lần ghé thăm nhà cổ họ Lâm. Anh quen mặt đến nỗi chủ nhà nhờ phụ trang trí, sửa soạn nhà cửa. “Năm lớp 11 khi được sử dụng điện thoại di động, tôi bắt đầu tập sử dụng Google Map, rồi bật chế độ vệ tinh để nhìn nóc tìm nhà cổ. Nhà xưa nóc có kết cấu riêng. Sau khi tìm được các căn nhà, tôi đến tận nơi để xin chủ nhà được vào tìm hiểu. Có vài căn xin là vào được ngay, còn có những căn mất tới tận vài năm để tạo niềm tin với chủ nhà. Mình mong muốn có chương trình phát triển du lịch bền vững gắn kết bảo tồn, trùng tu nhà cổ khỏi sự bào mòn của thời gian”, là tâm sự của anh Nguyễn Duy Linh (Vĩnh Long), sinh năm 2000. Sau khi tốt ngiệp đại học ngành quản trị du lịch và lữ hành, anh tập trung nghiên cứu và thiết kế sản phẩm du lịch văn hóa, hỗ trợ một số đình miếu ở Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang. Anh là đồng tác giả sách “Tản mạn kiến trúc Nam bộ - Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam” (từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX), có nhiều bài nghiên cứu về kiến trúc... |
THANH NGÂN
06:07 24/01/2025
Những ngày qua, không khí tết đã rộn ràng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, hứa hẹn tiếp tục mang đến cho công chúng thưởng lãm những sự kiện, chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc trong những ngày tới.
05:52 24/01/2025
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Anh trai miền Tây làm 12 con giáp bằng lá dừa bán đắt khách; Nguyên nhân Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO); 'Mặt trời nhân tạo' của Trung Quốc lập kỷ lục mới; Hong Kong tổ chức lễ hội gấu trúc đón Tết.
14:51 23/01/2025
Trước thềm năm Ất Tỵ 2025, bia Larue, một thương hiệu thuộc HEINEKEN Việt Nam, tiếp tục nối dài hành trình “Tết Tấn Tới” đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại 7 địa phương trên toàn quốc với chương trình “Larue cùng cộng đồng đón Tết An Vui”,
11:44 23/01/2025
(HGO) - Sáng 23-1, tại Thư viện tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Khai mạc Hội Báo Xuân, Triển lãm ảnh và Cuộc thi Bình chọn Ấn phẩm Xuân Ất Tỵ 2025.
11:41 23/01/2025
(HGO) - Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh tổ chức họp mặt gần 100 nhà báo, văn - nghệ sĩ có nhiều đóng góp vì sự phát triển của thành phố trong năm 2024.
05:57 23/01/2025
(HG) - Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố Vị Thanh vừa tổ chức Hội thi Nghệ thuật quần chúng mừng Đảng, mừng Xuân năm 2025. Hội thi thu hút hơn 100 thí sinh đến từ các xã, phường, với gần 40 tiết mục với đa dạng các thể loại. Đây là dịp để ca sĩ, diễn viên không chuyên trên địa bàn thành phố có dịp giao lưu, học hỏi, thể hiện năng khiếu nghệ thuật.
05:50 23/01/2025
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Gia đình hoa hậu H'Hen Niê gói 400 bánh tét tặng người dân khó khăn; Mỹ trao 590 triệu USD cho Moderna phát triển vaccine mRNA phòng cúm; Lớp học cách nói chuyện với thú cưng; Trung Quốc muốn trường học tăng thể dục, giảm thi cử và bài tập.
08:25 22/01/2025
Như thông lệ, mỗi năm cứ đến những ngày tết, các kênh truyền hình đều có những chương trình đặc sắc để phục vụ khán giả.
05:51 22/01/2025
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Tay chèo Nguyễn Thị Hương rồi đội Vĩnh Phú nhưng vẫn tiếp tục tập với Đội tuyển Quốc gia; Chèo, tuồng, cải lương hội tụ trong “Gala Sân khấu truyền thống 2025”; Hàng ngàn loài cá, cua và chuồn chuồn sắp biến mất vĩnh viễn.
15:00 21/01/2025
(HGO) - Chiều ngày 21-1, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) chi nhánh Hậu Giang phối hợp cùng UBMTTQ Việt Nam huyện Vị Thuỷ tổ chức Chương trình “San sẻ yêu thương thêm hương ngày tết” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Vị Thuỷ và xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thuỷ.
06:12 24/01/2025
Nhờ uy tín, chất lượng ngày càng được cải tiến, nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL đã khẳng định được vị thế trong xuất khẩu, mang về giá trị cao cho doanh nghiệp và người dân.
06:11 24/01/2025
Những ngày này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành và các cơ sở hội đang tất bật các hoạt động chăm lo tết cho hội viên, phụ nữ trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
06:10 24/01/2025
Với tình hình thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ, sáng sớm se lạnh kèm theo sương mù là điều kiện thuận lợi cho dịch hại xuất hiện và tấn công trên các trà lúa Đông xuân;
06:07 24/01/2025
Những ngày qua, không khí tết đã rộn ràng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, hứa hẹn tiếp tục mang đến cho công chúng thưởng lãm những sự kiện, chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc trong những ngày tới.