Nhớ soạn giả Lê Duy Hạnh...

07/08/2024 | 09:06 GMT+7

Một năm sau ngày soạn giả tài danh Lê Duy Hạnh qua đời, NXB Sân khấu và NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành “Tuyển tập kịch bản cải lương” và “Lê Duy Hạnh - Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm”.

Hai quyển sách vừa ra đời sau 1 năm soạn giả tài danh Lê Duy Hạnh qua đời.

Hai quyển sách giới thiệu 18 kịch bản tiêu biểu trong sự nghiệp của soạn giả: “Tâm sự Ngọc Hân”, “Miền nhớ”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cục”, “Người cáo”, “Trời Nam”, “Chuyện lạ”‘, “Vua thánh triều Lê”, “Diễn kịch một mình”, “Hoàng hậu hai vua”... Đây là nguồn tư liệu quý cho những ai làm công tác biên kịch hay những người muốn tìm kiếm những kịch bản hay của một người dành trọn cuộc đời cho sân khấu - soạn giả Lê Duy Hạnh.

Soạn giả Lê Duy Hạnh sáng tác rất đa dạng, từ kịch bản cải lương, hát bội, kịch nói, kịch độc thoại... với hơn 60 kịch bản. Trong đó, nhiều nhất là cải lương và kịch nói. Dù ở thể loại nào, dấu ấn mới mẻ của Lê Duy Hạnh thể hiện rất rõ nét. Tác phẩm của ông mở ra khuynh hướng đa không gian, đa thời gian, khai thác những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống và giải quyết thấu tình, đậm tính nhân văn.

Tuy nhiên, do tính đa chiều, giải quyết nhiều vấn đề và có nhiều góc nhìn, đặc biệt là mỗi tác phẩm đều có sự tích hợp nhiều chất liệu truyền thống. Nếu là kịch nói hiện đại thì trong đó tích hợp chất liệu chèo, tuồng, cải lương. Nếu tác phẩm truyền thống thì gói ghém cả nhịp sống hiện đại. Vì vậy, nhiều đạo diễn sân khấu đều thừa nhận tác phẩm của ông hay, độc đáo, nhưng rất khó dựng, buộc đạo diễn phải tư duy mới thể hiện hết những ý tứ của tác giả.

Kịch bản của Lê Duy Hạnh luôn mang nhiều tầng ý nghĩa, nên không chỉ đạo diễn khó dựng, mà cả diễn viên cũng phải đào sâu, khai thác thật kỹ mới có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, thổi hồn, mang lại sức sống cho nhân vật. Ông còn sáng tạo kịch độc thoại, buộc duy nhất diễn viên trên sân khấu phải sống trọn vẹn 90 phút với đủ cung bậc cảm xúc, đủ tâm lý, hành động, ca nói... để thu hút khán giả, đây là điều không hề hễ. Tất cả đều thể hiện giá trị thẩm mỹ, tư tưởng của ông để lại cho đời. Kịch bản của ông dù không chạy theo tính thời sự nhưng có độ lắng, sự đúc kết thực tiễn để rút ra những điều sâu xa, không lạc hậu với thời gian.

Không chỉ để lại cho đời những sáng tác đặc sắc, soạn giả còn được những người làm sân khấu trân trọng và tri ân, bởi bằng tình yêu thương và trách nhiệm, đã gầy dựng sân khấu kịch nói thể nghiệm, dẫn dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ đủ tâm, đủ tầm, làm thế hệ kế thừa cho nghệ thuật sân khấu từ sau năm 1975 đến nay. Những tác giả như Vương Huyền Cơ, soạn giả Hoàng Song Việt... đều được ông dìu dắt, tạo cơ hội để phát triển nghề nghiệp.

Nghệ sĩ Thành Lộc từng chia sẻ trên báo giới, chính Lê Duy Hạnh là người thành lập Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm, sau này phát triển thành Sân khấu 5B, để tạo cơ hội, tiếp lửa nghề cho ông và những thế hệ nghệ sĩ cùng thời ông cũng như sau này có nơi để phát huy, thể hiện, cống hiến. Hàng loạt những tên tuổi đã trưởng thành từ đây như Việt Anh, Quốc Thảo, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Trang, Ái Như...

Soạn giả Lê Duy Hạnh sinh năm 1947, quê Bình Định, đam mê sân khấu từ năm 12 tuổi và quyết tâm học sáng tác kịch bản. Năm 1976, ông viết vở “Sau ngày cưới” và lần lượt các năm tiếp theo, loạt tác phẩm ra đời và nổi bật là vở “Tâm sự Ngọc Hân” viết năm 1980, từng được Đoàn cải lương Văn công Thành phố Hồ Chí Minh diễn trên 700 suất. Nhiều tác phẩm khác của ông tạo tiếng vang, về các nhân vật lịch sử, như: “Hoa độc trong vườn” (về Ngô Quyền), “Lý Chiêu Hoàng”, “Hoàng hậu hai vua”‘ (Dương Vân Nga), “Hồn thơ ngọc” (Ngọc Hân), “Dời đô” (Lý Công Uẩn), “Sáng mãi niềm tin” (Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong)...

Ông từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những người tổ chức và duy trì Giải thưởng sân khấu cải lương Trần Hữu Trang để tìm kiếm và tạo bệ phóng cho các tài năng sân khấu...

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>