Đừng để tai nạn lao động thành nỗi đau dai dẳng...

14/05/2024 | 10:07 GMT+7

Chỉ một phút lơ là, bất cẩn, nhiều người đã ra đi vĩnh viễn, có người còn sống đã mang thương tật suốt đời. Tai nạn lao động không chỉ để lại nỗi đau cho người ở lại mà còn là gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.

Bị tai nạn lao động trong lúc làm việc, bàn tay trái của ông Kh. giập chỉ còn một ngón duy nhất.

Tai nạn lao động luôn rình rập...

Xế chiều, bà N.T.K.E., ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, ngồi may quần áo. Lâu lâu, bà lại lấy tay chùi nước mắt. Bà K.E. bảo rằng: “Có một mình, ráng mà làm để lo cuộc sống, phải chi ông nhà tôi còn sống…”. Bà kể, hai vợ chồng bà không có con cái, mỗi ngày bà may quần áo, còn chồng (ông C.K.T.) thì làm phụ hồ, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Cách đây hơn 6 tháng, ông T. không may bị điện giật tử vong trong lúc dọn vệ sinh máy trộn hồ có gắn mô tơ điện tại một công trình trên địa bàn. Từ đó, căn nhà nhỏ càng thêm trống vắng.

Bà K.E. cho biết: “Lúc ông nhà tôi xảy ra tai nạn khoảng 4 giờ chiều, gần đến giờ nghỉ rồi, hôm đó trời mưa lâm râm. Khi thằng cháu chạy về cho tôi hay, đầu óc tôi quay cuồng, không còn biết gì nữa, tôi không tin ông ấy đã ra đi mãi mãi, mới hồi trưa còn ngồi ăn cơm với tôi. Vậy mà…”.

Hàng ngày, nhìn chiếc xe gắn máy mà ông T. thường chạy đi làm, bà không khỏi ngậm ngùi thương xót. Trước đây, mỗi ngày hai ông bà dậy sớm pha cà phê uống rồi đi làm, giờ chỉ còn là kỷ niệm, là niềm ký ức của bà. Để lo cuộc sống, bà tiếp tục với công việc may quần áo, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, cứ thiếu trước hụt sau. Bà K.E. bộc bạch: “Ngồi may quần áo mà cứ nhớ ông ấy hoài. Giờ phải cố gắng mà vượt qua. Khi ông nhà tôi bị tai nạn, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, an ủi, tôi biết ơn mọi người nhiều lắm”.

Còn ông T.V.Kh., ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã mang thương tật suốt đời do tai nạn lao động cách đây khoảng 5 tháng. Ông Kh. sống có một mình, không học vấn, ruộng vườn, ông đi làm thuê cho một cơ sở phế liệu trên địa bàn, với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng. Hôm xảy ra tai nạn, ông đang phân loại phế liệu và đứng gần máy xay đang hoạt động. Trong một phút bất cẩn, tay trái bị máy hút dẫn đến giập bàn tay chỉ còn lại một ngón duy nhất. “Với bàn tay khuyết tật, ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống”, ông Kh. nhớ lại.

Khi ông bị tai nạn, cơ sở phế liệu (nơi ông Kh. làm việc) đã hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, với bàn tay bị khuyết tật ông Kh. không thể tiếp tục công việc như trước nên chuyển sang đi bán vé số. Bình quân mỗi ngày ông bán được 100 đến 150 tờ vé số. Ông Kh. bộc bạch: “Thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn hơn, tôi ráng gói ghém mà chi tiêu. Dù mấy tháng trôi qua nhưng tôi luôn ám ảnh về ngày hôm đó, tôi luôn nhắc mọi người phải cẩn thận, chú ý an toàn, để bảo vệ bản thân, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra”.

Từ các trường hợp trên, có thể thấy tai nạn lao động luôn rình rập, chỉ cần sơ sẩy trong một tích tắc đã phải đánh đổi cả tính mạng và để lại biết bao nỗi đau cho người thân.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 cả nước xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, có trên 7.500 người bị nạn. Trong đó, 699 người mãi không quay trở về nhà. Mất mát về tài sản có thể gầy dựng lại nhưng với những gia đình có người thân thiệt mạng do tai nạn lao động là những nỗi đau không gì có thể bù đắp được.

Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sự cố đáng tiếc

Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn lao động, trong đó có 2 người chết. Theo ngành chức năng, để hạn chế số vụ tai nạn lao động cần sự vào cuộc từ cả hai phía, trong đó người lao động cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, còn người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ an toàn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền sâu rộng về các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động đến doanh nghiệp, người lao động. Nâng cao chất lượng các hoạt động, tư vấn tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của ngành, nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao như: làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế. Thúc đẩy triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động...

Để tai nạn lao động không còn là nỗi đau dai dẳng của xã hội, mỗi doanh nghiệp và người lao động cần tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 cả nước xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, có trên 7.500 người bị nạn. Trong đó, 699 người mãi không quay trở về nhà. Tại Hậu Giang, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn lao động, trong đó có 2 người chết.

 

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 diễn ra từ ngày 1 đến 31-5, với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trong Tháng hành động năm nay, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>