Khơi dậy khát vọng vươn lên của hộ nghèo

30/05/2024 | 09:00 GMT+7

Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, huyện Châu Thành A tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện Châu Thành A đã khai giảng được 7/22 lớp đào tạo nghề trong kế hoạch năm 2024.

Trao “cần câu”

Nhớ lại quãng thời gian chật vật với đồng lương ít ỏi từ công việc phụ hồ, ông Nguyễn Văn Thanh, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Một Ngàn, không nghĩ nhờ học nghề cuộc sống của gia đình sẽ dần ổn định hơn. Ông Thanh bộc bạch: “Nếu trước tôi chỉ phụ hồ lặt vặt, lương khoảng 180.000-200.000 đồng/ngày, từ khi học nghề tôi đã biết xây, tô chuyển lên làm thợ thu nhập khoảng 350.000 đồng/ngày. Với tôi các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất hiệu quả, bởi thời gian đào tạo ngắn nhưng kiểu học cầm tay chỉ việc, mình tiếp thu rất nhanh. Mỗi tháng tôi có thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng, muốn thoát nghèo thì phải có một cái nghề trong tay mới được”.

Còn với chị Trần Thị Nga, ở ấp Trường Hoà, xã Trường Long A, được tham gia học nghề và có việc làm ngay tại địa phương, giúp chị và nhiều lao động nữ thêm hy vọng trên hành trình vươn lên thoát nghèo. Chị Nga chia sẻ: “Gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống của cả nhà trước giờ phụ thuộc vào công việc làm thuê làm mướn của chồng, do có con nhỏ đang trong độ tuổi đến trường nên tôi phải ở nhà lo cơm nước. Mừng lắm, giờ được học nghề và sẽ được nhận vào công ty may gần nhà, chắc cuộc sống của gia đình tôi sẽ ổn định hơn trước”.

Chị Nga là một trong 50 học viên đang được đào tạo nghề may công nghiệp tại xã, theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH MTV SOFA Đức Thảo, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A. Trong thời gian 1 tháng, học viên được đào tạo các vấn đề cơ bản về may công nghiệp, cách sử dụng thành thạo máy may công nghiệp… Kết thúc khóa học học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghề, được công ty thu nhận vào làm việc ngay.

Đẩy mạnh tuyên truyền khơi dậy ý thức thoát nghèo

Theo kế hoạch năm 2024, huyện Châu Thành A tổ chức 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 11 lớp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn và 11 lớp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, địa phương phối hợp mở được 7 lớp với khoảng 175 lao động tham gia học nghề.

Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Chúng tôi xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các xã, thị trấn đã thu hút được số lao động nhàn rỗi ở nông thôn tham gia học nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giúp người nghèo chủ động học nghề, tạo việc làm, qua đó tự vươn lên để thoát nghèo bền vững”.

Để sớm đạt những mục tiêu đề ra trong năm 2024, các xã, thị trấn trên địa bàn đang tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể liên quan nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giúp người dân từng bước nhận thức rõ hiệu quả sau khi được học nghề.

Ông Hà Văn Chính, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong giảm nghèo tại địa phương, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các lớp được mở theo nhu cầu của người học, sau khi học xong đa số lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần chung vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Năm nay, huyện Châu Thành A được phê duyệt mở 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay địa phương đã phối hợp tổ chức khai giảng 7 lớp với khoảng 175 lao động tham gia học nghề.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>