Mua bán lấn chiếm ở Quốc lộ Nam Sông Hậu: Hệ lụy kép

09/07/2024 | 09:05 GMT+7

Tình trạng buôn bán tự phát ngoài khuôn viên chợ Đông Phú, cạnh Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vừa đẩy khu chợ này vào tình trạng vắng khách.

Chợ Đông Phú vắng khách khiến các tiểu thương lo lắng, buôn bán cầm chừng.

Người bán nhiều hơn người mua

Từng được kỳ vọng sẽ là nơi phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và anh chị em công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, thế nhưng sau thời gian đưa vào sử dụng và đắt khách thì nay chợ Đông Phú nằm ven Quốc lộ Nam Sông Hậu rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều lô sạp trống trơn, tiểu thương đông hơn khách đi chợ.

Sắp xếp mớ bầu, bắp cải lại cho ngay ngắn, đưa mắt nhìn về những lô sạp trống trơn do tiểu thương đã trả để đi bán nơi khác, bà Lê Thị Hồng Sương cho hay, do nhà không có ruộng đất nên việc buôn bán ở chợ là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vậy nhưng, cứ mỗi ngày ra chợ, thấy lượng khách thưa dần, buôn bán cầm chừng, bà cũng như nhiều tiểu thương khác tại chợ Đông Phú đang ráng cầm cự, trông chờ tương lai.

“Bán chậm lắm. Một ngày chắc được 10 khách vô chợ. Từ hồi mùa dịch tới giờ, chợ này vắng khách luôn. Mình bán ở trong chợ, người ta bán ngoài lề đường nếu mà gom lại được thì mình mới bán được, còn không gom lại ở đây thì mình không bán được bao nhiêu hết. Bán ở đây nói chung là nhờ công nhân. Mà công nhân tan làm thì ghé cặp lề đường mua cho nhanh. Bán ở chợ, đóng tiền lô một ngày hơn trăm ngàn đồng”, bà Sương chia sẻ.

Theo tìm hiểu, do cách Khu công nghiệp Sông Hậu không xa, trước đây đa số bà con địa phương đi chợ này để mua sắm, thế nhưng khi thấy bán ngoài lề đường “dễ thở” hơn, một vài tiểu thương đã quyết định trả lô sạp rồi ra bán lề đường thì câu chuyện đã khác. Hàng hóa y chang nhưng giá cả cạnh tranh hơn do không phải đóng tiền lô sạp, điện, nước… Điều này đánh trúng tâm lý tiết kiệm của các công nhân, nên cứ thế chợ ít khách dần.

Dẫu biết thực tế là vậy, thế nhưng các tiểu thương như bà Sương cũng không thể hạ giá mặt hàng của mình như ở lề đường, bởi khi mua bán ở lô, sạp, họ phải chịu nhiều loại phí theo quy định. Chị Phan Ngọc Huyền, một tiểu thương cho hay: “Mua ở lề đường thì tiện hơn vô chợ, khỏi phải gửi xe, người ta đâu có vô chợ làm chi. Mình nói tiền nước thôi, cao hơn nhà trọ. Nước khoảng 17.500 đồng/khối. Điện thì xấp xỉ 5.000 đồng/kWh. Bán không có khách thì khó khăn lắm”.

Là công nhân ở Khu công nghiệp Sông Hậu, chị Trần Thị H. cho hay, sau khi tan ca, chị tranh thủ mua nhanh thực phẩm về nấu cơm cho gia đình. Nếu có thời gian thì chị ghé vào chợ, còn thường sẽ mua từ các hộ bán ở lề đường. Theo chị “gặp ở đâu thì mua đó”, thấy giá hợp túi tiền là mua.       

Còn theo các tiểu thương, chính việc “chợ tự phát” mọc lên bên ngoài đã cạnh tranh trực tiếp lượng khách với chợ được đầu tư bài bản. Chị Nguyễn Thị Quyên, một tiểu thương cho biết: “Hồi trước bán được lắm, từ lúc dịch bệnh tới giờ người ta ra lộ hết 80% rồi, còn một số khoảng 20 hộ ở lại. Trước đây cỡ 100 hộ. Chợ này bán đủ mặt hàng quần áo, giày dép, thuốc uống, tiệm vàng cũng có. Giờ bán khó khăn hơn trước rất nhiều, công nhân với khách đi đường cũng ít ghé chợ. Giờ người ta bán ngoài lộ nên người dân trong chợ phải chịu hẹp thôi”.

Đứng về phía người tiêu dùng, khi mua cùng một mặt hàng nhưng giá nới hơn thì họ ưu tiên. Tuy nhiên, xét về mức độ an toàn vì việc mua bán ven Quốc lộ Nam Sông Hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Vì nơi đây hàng ngày có lượng phương tiện lưu thông rất đông, nhất là giờ cao điểm.

Sớm có giải pháp

UBND huyện Châu Thành cho biết, hiện tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện chưa có chợ nên tình trạng người dân mua, bán dọc theo 2 bên Quốc lộ Nam Sông Hậu thời gian qua tập trung nhiều và thường xuyên, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Mặt khác, tại khu vực này chưa đáp ứng nhu cầu về thương mại, dịch vụ của số lượng lớn công nhân và người dân hiện nay.

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Châu Thành đã đề nghị ngành chức năng của tỉnh làm việc, đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai dự án chợ tại dự án Khu trung tâm điều hành Khu công nghiệp Sông Hậu và trung tâm thương mại, để phục vụ Nhân dân và công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Chỗ này chưa được đầu tư khang trang, chưa đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đề nghị huyện có chỉ đạo cho xã tuyên truyền người dân về việc mua bán ven đường Nam Sông Hậu gây lấn chiếm. Khi tan tần, công nhân vào đây mua hàng hóa, thậm chí lấn chiếm ra đường Nam Sông Hậu. Tới đây sẽ tiếp tục có hướng giải quyết và Sở Công thương đưa vào kế hoạch đầu tư các chợ trên địa bàn toàn tỉnh, cũng như tham mưu cho UBND tỉnh để đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tính toán đầu tư chợ này.

Vì nhu cầu giao thương cao và cũng vì tính an toàn, mỹ quan đô thị, người dân xã Đông Phú, huyện Châu Thành, rất mong cơ quan chức năng sớm đầu tư chợ khang trang, xóa các điểm buôn bán tự phát lấn chiếm lề đường để chợ Đông Phú được trở về đúng chức năng của nó, góp phần ổn định cuộc sống người dân và tiểu thương.

MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>