Chủ Nhật, ngày 02/02/2025 | 09:32
U Minh - một nơi bạt ngàn rừng tràm, vùng đất ánh sáng xen lẫn bóng tối. Nơi đây vẫn còn lưu truyền nhiều chuyện huyễn hoặc về một thời mở đất, khai khẩn, trong đó có những câu chuyện rắn khổng lồ, “rắn bà, rắn ông” được những lão nông kể lại bên vạt rừng tràm gió lộng mỗi chiều về...
Nhiều chuyện kỳ bí về rắn khổng lồ rừng U Minh vẫn lưu truyền trong dân gian đến nay. (Ảnh minh họa)
Rừng U Minh chạy dài từ Cà Mau đến tận Kiên Giang. Ở miệt thứ là U Minh thượng (tỉnh Kiên Giang), còn U Minh hạ thuộc tỉnh Cà Mau.
Địa danh này cận kề kênh Chắc Băng đã thành huyền thoại, gắn với sự kiện 200 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và câu chuyện má Lê Thị Sảnh gửi cây vú sữa ra Bắc kính tặng Bác Hồ kính yêu. Dòng kênh Chắc Băng dài và uốn lượn qua bao nhiêu xóm, ấp thì có bấy nhiêu câu chuyện nhuốm màu bí ẩn về xứ rừng U Minh này.
Hồi đó, nhiều người biết đến Cà Mau bởi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, truyện cười bác Ba Phi và Cà Mau còn nhiều câu chuyện đậm phong vị thời mở đất, lập xóm, lập ấp, thời khai khẩn miệt U Minh.
Một góc rừng U Minh hạ, Cà Mau.
Đem chuyện về những ngày đầu về ở dưới vạt rừng tràm, ông Danh Hà Lưu (ở ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh), vuốt mái đầu đã nhuốm màu thời gian nhìn về mấy ông bạn quanh xóm là Tám Tàng (Nguyễn Văn Thạnh), Mười Đứng (Lư Văn Sang), kể: “Hồi đó, tôi vô đây ở có mấy nóc nhà đâu, sợ ma gần chết nhưng vì mưu sinh phải ở thôi, riết quen, đất này khi xưa được gọi là đất độc, đất dữ, vô dễ ra khó”.
Ông Hà Lưu là dân cốt cựu ở miệt rừng này, xứ này ai cũng biết vợ chồng ông, vì cái tính hài hước, cả chục đứa con của ông được đặt tên “độc nhất vô nhị”. Ông tên Lưu, vợ ông tên Gương và những đứa con lần lượt chào đời, tên được đặt ghép lại hết sức vần vè: Lưu - Gương - Tình - Thương - Đậm - Đà - Tha - Đẹp - Lắm.
“Tới Lắm tưởng đã... hết trứng, ai dè lòi ra thêm một đứa nên đặt là Nhé”, ông Lưu cười kể lại chuyện con cái.
Những đứa con của ông có sữa bò bú, có cơm ăn áo mặc cũng nhờ nghề rừng. Rừng cho củi, rừng cho cá, rừng cho cây cất nhà và rừng cũng cho luôn cơ hội những người muốn chinh phục, tạo ra những thợ săn bất bại, một trong những nghề ấy là săn rắn hổ, trăn gấm...
Rắn khổng lồ hiếm gặp nhưng trăn to cả trăm kg rất dễ bắt gặp ở rừng U Minh khi xưa.
“Tui gắn bó với nghề rừng cả đời, giờ U80 rồi, thời đó rắn bằng bắp chân người lớn bắt gặp thường xuyên, còn “rắn bà, rắn ông” cả trăm kg, bò vắt ngang con sông thì chỉ nghe kể lại, chứ chưa gặp bao giờ. Dù chưa gặp nhưng tôi tin, rừng rú mà, chuyện gì cũng có hết”, ông Hà Lưu vừa nói vừa phóng mắt về khu rừng tràm rậm rì trước mặt.
Ở xứ rừng U Minh này, mỗi khi cứ thấy con gì khổng lồ là mọi người đặt cho tên “bà, ông”, chứ không ai gọi là mãng xà, rắn khổng lồ như bây giờ.
Nghề rừng đã nuôi sống nhiều thế hệ miệt này. Ở U Minh, nếu người biết nhiều chuyện rừng rú nhất có lẽ là các lão nông của “Tập đoàn phong ngạn”. Tên gọi thì nghe hoa mỹ, thực tế đây là một nhóm tập hợp những người đi ăn ong mật, gác kèo ong trong những cánh rừng già.
Ngày xưa mật ong rừng U Minh quý giá, chất lượng vì đơn giản ong ở đây chỉ ăn mật bông tràm, loài cây quanh năm cho hoa ngát hương, cái mùi hăng hắc nhưng ngọt ngào, nghe mùi bông tràm như tưởng tượng có đĩa mật ong ngay trước mắt. “Tập đoàn phong ngạn” khi xưa đi ăn ong là không lấy bất cứ gì khác ngoài mật ong, thấy rắn không bắt, thấy trăn không dí, thấy rùa không ăn.
Nhiều người đi ăn ong kể lại khi rừng còn rậm rạp, chưa khai phá nhiều, đi rừng gặp trăn rắn, cọp beo như cơm bữa. Những lúc nghe ào ào trong đám sậy, lay động đám cỏ lau, cây rừng chao đảo, tiếng bò áp sát đất rèn rẹt thì xác định là rắn lớn.
Tiếp câu chuyện ông Hà Lưu, ông Tám Tàng kể có lần ông phát hiện dấu vết con gì lớn lắm, hoành ngang hơn hai người nằm, ông lần theo tới nơi thấy cái đuôi đen sì sì, bóng nhẫy, to hơn cái bắp tay thì hoảng hồn chạy một mạch khỏi rừng, cả tuần sau đi vô rừng còn thấy lạnh sống lưng.
Nghề ăn ong mật nổi danh một thời gắn với “Tập đoàn phong ngạn”.
Những người làm nghề rừng đều thận trọng, nhiều khi đặt trúm lươn, rắn độc nó bò vô, thoát ra được là nó chờ ở đó để... trả thù. Còn có người đi ruộng lỡ tay chém chết rắn hổ mang, nếu đem về nhà thì chắc chắn có con rắn khác sẽ tìm đến nhà. Nhiều lão cao niên xứ rừng kể rắn lớn thường có cặp có đôi, nên một con bị bắt là con còn lại sẽ đi tìm. Khi xưa chưa biết kiến thức khoa học lý giải, ai cũng nói mấy con rắn đó thành tinh, chuyện rắn tinh cũng từ mấy giai thoại đó mà ra. Bây giờ nghe mấy kênh chuyện ma trên YouTube kể đầy.
Rừng rú nguy hiểm, rậm rạp ẩn chứa biết bao nhiêu bất ngờ, huyền bí nhưng đó cũng là khởi đầu cho cuộc sống mới, có tử ắt có sinh, có độc ắt có thuốc giải.
Ngày xưa, lộ làng khó đi, từ rừng ra tới xã mấy cây số đi đường rừng, đường mòn hết mấy tiếng. Nên ai làm nghề rừng đều phải có thuốc chữa rắn cắn. Góp thêm chuyện huyễn hoặc về rừng U Minh, ông Mười Đứng trầm ngâm: Vậy là đất dữ sinh những thầy rắn, trị rắn cắn hay đại tài, bài thuốc dân gian nên đâu biết dùng gì, làm thuốc ra sao. Dù khoa học có thể không công nhận nhưng thực tế có rất nhiều người đã được cứu sống nhờ những thầy trị rắn cắn như vậy. Chứ làm gì có chuyện truyền huyết thanh như giờ.
“Hồi đó, rắn cắn trong rừng chở đi bệnh viện đâu có kịp, để lâu là trào đờm chết ngắt, nên niềm tin đặt hết vào thuốc trị rắn cắn được một số người làm. Hồi đó vậy mà sống vẫn thấy vui, như hồi vợ đẻ thằng Sài Tượng, đưa xuống xuồng gắn máy cule “ba thằng đè bốn thằng giựt”, đi chưa tới đâu thì đẻ rớt dưới xuồng rồi”, ông Mười Đứng cười lộ “hàng tiền đạo” đã mất ít nhiều răng, sang sảng kể.
Cuộc sống hiện đại những danh xưng thầy trị rắn cắn dần không còn, nhưng âu đó cũng là một dấu ấn dòng chảy của thời gian.
Cuộc sống dưới tán rừng tràm vẫn chứa đựng nhiều nét độc đáo riêng có của U Minh.
Bà Ba Hương (Lê Cẩm Hương), ở ngay đầu đất vào rừng U Minh, vẫn nhớ rất rõ thời điểm hơn 20 năm trước, khi rừng nguyên sinh còn nhiều và dày đặc, chưa có những con kênh kết nối dẫn nước chống cháy rừng như hiện nay, năm nào cũng xảy ra mấy vụ cháy rừng lớn nhỏ. Cứ mỗi lần như vậy, bà con quanh xóm rừng này nấu cơm với mắm kho cho lực lượng chữa cháy ăn, có khi gói bánh lá dừa, bánh ú mặn. Bà Ba Hương nhớ lại: “Có những năm cháy rừng lớn, cơn cháy đi qua, thấy những con rắn lớn khủng khiếp, to đùng cháy thành than”.
Trong những lớp người khai khẩn đầu tiên đất độc U Minh, có không ít người chọn cách ra đi vì sống không nổi ở đất này, mỗi người ra đi mang theo một câu chuyện nhuốm màu dân gian, kỳ bí.
Thời gian dần trôi, đất độc đến mấy cũng được bàn tay con người khai phá, “giải độc”, đất rừng xưa, nay đã nhiều thay đổi, khung cảnh âm u ngày nào giờ đã xán lạn hơn, nhà cửa đông đúc, những vạt rừng tràm rậm rạp khi xưa được thay thế bằng tràm trồng bán thâm canh, mỗi miếng đất dài cả cây số được cuốc luống phòng cháy rừng.
Dù cuộc sống sang trang mới nhưng còn rừng tràm thì vẫn còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí một cõi U Minh ngày xưa đó...
BẢO NAM
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:07 30/06/2025
- Ê, ông Tư, vô đây coi cái này nè.
11:22 27/06/2025
(HGO) – Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Hậu Giang đã đưa 2.450 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, năm 2021 có 23 người, năm 2022 có 397 người, năm 2023 có 651 người, năm 2024 có 766 người và từ đầu năm đến nay là 613 người. Các thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
11:14 27/06/2025
(HGO) - Dòng kênh Cái Nhúc đoạn qua chợ Vị Thanh, phường III, thành phố Vị Thanh đang bị ô nhiễm do tình trạng rác thải từ quá trình mua bán bị các tiểu thương vứt trực tiếp xuống kênh.
09:56 27/06/2025
Hoạt động trong tình hình mới, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX chú trọng sự linh hoạt và sáng tạo để vượt qua thách thức, mở ra hướng đi mới nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân.
05:38 27/06/2025
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, còn hỗ trợ học nghề, giúp họ sớm trở lại thị trường việc làm.
13:39 26/06/2025
(HGO) – Ngày 25-6, tại thành phố Cần Thơ, BHXH khu vực XXX tổ chức Hội thảo chuyên đề “Công tác truyền thông và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế”.
08:14 26/06/2025
(HG) - Qua khảo sát mới đây của ngành chức năng huyện Châu Thành, hiện toàn huyện xuất hiện 27 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, ước tổng chiều dài 74m và có khoảng 100 hộ dân sống ngay đoạn có nguy cơ sạt lở bị ảnh hưởng.
08:07 26/06/2025
Đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là vấn đề cấp thiết đã được khoa học và công nghệ vào cuộc giải quyết.
06:05 25/06/2025
Tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, ngành chức năng và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao.
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...