Phát huy hiệu quả chăm sóc dinh dưỡng ở trường mầm non, mẫu giáo

04/10/2024 | 05:18 GMT+7

Dinh dưỡng cho trẻ mầm non, mẫu giáo luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường và gia đình, giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, chủ động phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ.

Bữa ăn của trẻ tại Trường Mầm non Vành Khuyên (thành phố Vị Thanh).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm nhà trẻ, mẫu giáo đều thấp

Thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe trẻ nhà trẻ và mẫu giáo cuối năm học 2023-2024, bà Cao Mộng Nghi, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thông tin: Sau một năm nỗ lực chăm sóc dinh dưỡng của các trường và có sự phối hợp của phụ huynh, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nhóm nhà trẻ và mẫu giáo giảm từ 3-5% so với đầu năm học. Cuối năm học 2023-2024, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ và mẫu giáo chiếm tỷ lệ trên dưới 0,5%. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ và mẫu giáo lần lượt là 0,68% và 0,53%. Trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc ở nhà trẻ là 0,35% và mẫu giáo là 0,07%.

Tỷ lệ này rất thấp so với tỷ lệ suy dinh dưỡng chung ở trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi của tỉnh hiện là 10,43% và suy dinh dưỡng chiều cao trên tuổi là 22%.

Để đạt được kết quả này, các trường mầm non, mẫu giáo đã luôn nỗ lực để duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ ăn bán trú và đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú. Bà Đồng Kim Đức Em, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn của trẻ. Trường sử dụng phần mềm xây dựng chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. Trẻ được phụ huynh cho ăn bữa sáng, còn bữa trưa, xế ăn tại trường. Sau bữa ăn trưa chúng tôi có cho trẻ uống bổ sung sữa. Mỗi bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm”.

Điểm thuận lợi của Trường Mầm non Vành Khuyên là có 100% trẻ đăng ký ăn bán trú nên được chăm sóc dinh dưỡng đồng đều.

Đặc biệt đối với những trẻ suy dinh dưỡng, càng được quan tâm chăm sóc dinh dưỡng nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Ngay đầu năm, chúng tôi đã cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đầu năm 2023-2024, có 4 trẻ suy dinh dưỡng gầy còm, 1 bé nhẹ cân, 1 bé thấp còi. Đối với các trẻ này, cô giáo đã khuyến khích trẻ ăn hết khẩu phần ăn và kết hợp với phụ huynh quan tâm bổ sung dinh dưỡng khi trẻ ở nhà. Nhờ vậy, cuối năm học vừa rồi không còn trẻ nào bị suy dinh dưỡng”.

Vẫn còn không ít khó khăn

Hàng năm, tất cả các trường mầm non, mẫu giáo đều quan tâm thực hiện công tác y tế trường học, đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới. Việc này được thực hiện ngay đầu năm và theo dõi cân đo, chấm biểu đồ dinh dưỡng định kỳ để chủ động chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho từng thể trạng của trẻ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít khó khăn để phát huy hiệu quả cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Bình, chia sẻ: “Dù tổ chức ăn bán trú, tuy nhiên, số trẻ ăn bán trú tại trường còn thấp. Năm học 2024-2025, chỉ có 50 trẻ đăng ký ăn bán trú, chưa đạt 50% trong tổng số trẻ của trường. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do điều kiện kinh tế của gia đình và do 2 lớp ở điểm lẻ trường chưa thể tổ chức ăn bán trú được”.

Cũng theo bà Trúc, tình trạng này khiến trẻ chưa được tiếp cận chế độ ăn mỗi ngày hợp lý, cân đối và đa dạng thực phẩm đang thực hiện tại trường. Trường chỉ tuyên truyền để phụ huynh quan tâm chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho trẻ, giáo dục dinh dưỡng cho trẻ. Hiệu quả phòng ngừa suy dinh dưỡng và cải thiện dinh dưỡng phụ thuộc hoàn toàn vào sự quan tâm của các gia đình.

Trong khi đó, thực trạng khó khăn chung của cấp học mầm non, mẫu giáo hiện nay, theo bà Cao Mộng Nghi, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, là chưa thể thực hiện bữa ăn sáng cho trẻ, thiếu cấp dưỡng ở một số điểm trường. Không ít trường người phụ trách công tác y tế là giáo viên kiêm nhiệm nên chưa thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng như cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn y tế.

Kết quả chăm sóc nuôi dưỡng ở các trường mầm non, mẫu giáo đã góp phần tích cực vào kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm ở tỉnh. Song cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn hiện tại để phát huy tốt hơn hiệu quả chăm sóc, nuôi dưỡng trong năm học này và những năm học tiếp theo.

HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>