50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chăm lo việc học hành theo ý nguyện của Người

03/09/2019 | 18:10 GMT+7

Trong Di chúc thiêng liêng, mở đầu Người đã nhắc đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, đến kết Di chúc, Bác vẫn không quên để lại muôn vàn lời yêu thương cho các cháu... Chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng, với Bác trước hết là lo cho chuyện ăn, chuyện học, vị Cha già kính yêu của dân tộc đã từng viết rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”...

Các em học sinh thích thú với các sân chơi bổ ích dành cho mình.

Những lời nói và bài viết của Người về sự nghiệp “trồng người” là một trong những di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta và ngành giáo dục. Nhớ lời dạy của Bác, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đang nỗ lực vì thế hệ tương lai vừa hồng, vừa chuyên.

Tập trung lo cho giáo dục thoát khỏi “vùng trũng”

Nhắc đến giáo dục Hậu Giang 15 năm trước, ai cũng biết đây là “vùng trũng” của giáo dục, với hơn 50% phòng học tre lá, tạm bợ, tỷ lệ học sinh bỏ học cao, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng trong hàng tốp cuối. Tuy nhiên, đó chỉ là thời điểm mới thành lập tỉnh, hiện nay, nhắc đến Hậu Giang thì mọi người nhớ đến kết quả giáo dục rất đáng tự hào, tỷ lệ học sinh bỏ học thấp, hàng năm tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia đều tương đương hoặc vượt tỷ lệ bình quân cả nước. Nhất là việc đầu tư kiện toàn mạng lưới trường lớp, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ phong trào này, phòng học ngày càng được đầu tư hiện đại, khang trang, chất lượng giáo dục được nâng tầm... đã ngày càng khẳng định “thương hiệu” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Là trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 đầu tiên (năm 2012) và cũng là trường tiểu học đầu tiên của Hậu Giang được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2019), Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Ngã Bảy luôn là niềm tự hào của ngành giáo dục tỉnh nhà khi chất lượng dạy và học luôn được khẳng định. Ông Đặng Văn Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Lợi thế của trường là được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, khang trang nên chúng tôi luôn quyết tâm với nhau là phải lấy chất lượng làm nên thương hiệu của nhà trường. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức, là người vô dụng. Có đức mà không có tài, thì làm việc gì cũng khó”, nhà trường xác định, dạy chữ phải đi đôi với dạy học sinh cách làm người. Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, trường cũng xây dựng những mô hình mới để học sinh tự rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... để các em học tập, chủ động tự hoàn thiện nhân cách của mình”. Trường Tiểu học Hùng Vương hiện có 29 phòng học và 3 phòng chức năng, 1 nhà học đa năng, 29/29 lớp học đều được trang bị màn hình lớn (từ 42-54 inch), kết nối internet, nhờ đó 100% học sinh trường được học tiếng Anh, tất cả học sinh từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 đều được học tin học.

Luôn là ngôi trường tạo được niềm tin và sự kỳ vọng của phụ huynh khi gửi con vào học, Trường Mầm non Hoa Trà Mi, thành phố Vị Thanh, luôn chủ động để nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Bà Huỳnh Thanh Nhãn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Trà Mi, bộc bạch: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Khi xây dựng chuẩn, nhà trường gặp khó khăn nhất là tiêu chí cơ sở vật chất. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời với việc đầu tư xây dựng mới 8 phòng chức năng như hiện nay, đã giúp trường đạt chuẩn theo quy định. Trường đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2017-2018 là điều kiện tốt để trường nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Cụ thể, chúng tôi tập trung vào các hoạt động giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm, học mà chơi, chơi mà học... để trẻ tự tin thể hiện óc sáng tạo, sự nhạy bén và nhất là khả năng, sự linh hoạt trong các hoạt động”.

Kết quả lộ trình 15 năm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là từ 8 trường đạt chuẩn vào năm 2004, nay toàn tỉnh có 215/336 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 63,98%, so với thời điểm mới thành lập tỉnh đã tăng được 207 trường, tăng gấp 25 lần. Trong đó, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cùng với thành phố Cần Thơ, Hậu Giang trở thành điểm sáng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hậu Giang không còn phòng học tre lá, tạm bợ, xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo vào năm 2013, 100% trường học có bố trí máy vi tính, mạng internet được kéo về tận trường…

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Nhiều trường học đã đạt được ước mơ “xây” trường chuẩn. Thế nhưng không dừng lại ở đó, các trường không ngừng nỗ lực để giữ vững và nâng chuẩn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt và trên chuẩn; trường lớp học khang trang, phòng ốc và đồ dùng dạy học đầy đủ, hiện đại; đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được nâng cao… Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã góp phần đáng kể trong việc nâng tầm hiệu quả công tác giáo dục tỉnh nhà”.

Cùng thi đua “Dạy tốt và học tốt” theo lời Bác

Thực hiện theo lời Bác Hồ đã dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Thấm nhuần lời dạy đó, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang luôn chủ động, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục từng ngày. Được đánh giá là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia có chất lượng giảng dạy khá tốt, nhất là phong trào dạy và học ngoại ngữ, Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, có nhiều kế hoạch trong năm học mới 2019-2020. Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Là trường ở vùng nông thôn nhưng chúng tôi nhận định rõ không vì thế mà học sinh trường thua kém các trường thành phố. Chúng tôi luôn tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là đẩy mạnh phong trào giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Chúng tôi đã thành lập cả một câu lạc bộ tiếng Anh dành cho học sinh, để các em phát huy năng khiếu của mình”. Em Nguyễn Duy Bảo, học sinh lớp 8A4, bộc bạch: “Là học sinh trường đạt chuẩn quốc gia, em luôn xác định mình phải chăm ngoan và nỗ lực học thật giỏi để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, là học sinh của trường đạt chuẩn. Đặc biệt, nhờ có nền tảng tốt môn tiếng Anh mà em có thể tự học, tự tra cứu được một số thông tin học tập bổ ích trên mạng”.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt”, nhiều giáo viên, học sinh với cách dạy, cách học sáng tạo đã đem hương thơm, trái ngọt về cho ngành giáo dục. Trong đó điển hình như thầy Nguyễn Minh Tường, giáo viên dạy vật lý Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, khi xuất sắc mang về giải ba Hội thi thiết kế bài giảng Elearning cấp quốc gia năm học 2014-2015, mới đây thầy cũng đã hướng dẫn cho nhóm 2 học sinh của trường xuất sắc mang về giải nhất cấp quốc gia Hội thi tin học trẻ với sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh”. Thầy Tường chia sẻ: “Khơi gợi, hỗ trợ học sinh phát huy sức sáng tạo là nhiệm vụ của người thầy. Tôi đã xác định như vậy khi lựa chọn nghề giáo. Với tôi, giáo viên là người hướng dẫn hỗ trợ các em, làm sao để các em phát huy được tinh thần tự học, ứng dụng lý thuyết vào trong thực tiễn của đời sống thì đó mới là người thầy tâm huyết nghề”.

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, tháng 9-1945. Nhớ lời Bác dạy, đội ngũ nhà giáo, lực lượng học sinh, sinh viên tỉnh nhà luôn nỗ lực nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt”, phấn đấu rèn đức, luyện tài, để đưa nước nhà “Bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” - như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu!

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, với chủ trương đó, từ khi thành lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cùng các mạnh thường quân, nhà hảo tâm... luôn quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để phát triển mạng lưới trường học, tạo đà giúp ngành giáo dục nâng chất lượng dạy và học hàng năm. Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn sự quan tâm đó. “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh nhà đã và đang tập trung thực hiện để bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ tương lai vừa hồng, vừa chuyên cho quê hương, đất nước như lời Bác dạy”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>