Họ đã vượt qua nỗi đau tai nạn giao thông…

27/09/2020 | 14:51 GMT+7

Nhờ thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cùng với ý thức vượt qua khó khăn đã giúp nhiều gia đình có người thân bị thương, tử vong do tai nạn giao thông ổn định cuộc sống, vì người ở lại.

Nhờ suy nghĩ, hành động tích cực, nay chị Lưu Ngọc Chúc có việc làm, cuộc sống dần ổn định.

Tình cờ gặp lại chị Lưu Ngọc Chúc, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chị khoe: “Năm học 2019-2020, con gái Mai Diễm Mộng đạt học sinh khá và đã thi tốt nghiệp THPT. Không ngờ cháu có kết quả học tập đáng khen như thế. Cháu đã nộp hồ sơ xét tuyển ngành sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Nếu đậu, tôi cố gắng lo cho cháu học tới nơi tới chốn”.

Hình ảnh vui vẻ, phấn chấn, nhanh nhẹn của chị Chúc bây giờ khác hẳn với lần gặp cách nay hơn một năm là ủ rủ, ít nói, trầm tư. Nỗi buồn của chị Chúc cũng dễ hiểu vì lúc ấy chồng chị - Mai Văn Khôn mất không lâu vì tai nạn giao thông.

Năm 2000, chị Chúc và anh Khôn nên nghĩa vợ chồng. Hai năm sau, đứa con gái là Diễm Mộng chào đời. Để lo cuộc sống, vợ chồng chị làm thuê với đủ thứ nghề, tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc. Thế nhưng, cách nay khoảng 3 năm, trên đường đi làm về, anh Khôn bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.

Kể từ đó, chị Ngọc Chúc và cháu Diễm Mộng suy sụp, nhiều lần có ý định buông xuôi. Thế nhưng, trong một lần đoàn liên ngành của tỉnh, huyện đến thăm, động viên chị nhân “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, chị đã thay đổi nhận thức.

Chị tìm việc làm, dành nhiều thời gian lo Diễm Mộng học, dạy dỗ và định hướng nghề nghiệp. “Sở dĩ tôi thay đổi nhanh như thế cũng nhờ sự động viên kịp thời của nhiều người. Mặc khác, anh Khôn mất, có ủ dột, buồn rầu thì ảnh cũng không sống lại được. Do đó, phải nhìn vào thực tế, hướng đến tương lai”, chị Chúc giải thích.

Chị tham gia phụ quán cơm và tranh thủ thời gian giúp việc nhà theo giờ cho một số người ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Theo chị Chúc, tuy có vất vả nhưng cảm thấy hài lòng. “Bây giờ, tôi không chỉ là mẹ, mà còn là cha lo cho Diễm Mộng, do đó sẽ suy nghĩ và hành động mạnh mẽ hơn để vượt qua khó khăn”, chị Chúc cho biết thêm

Còn hộ ông Danh Xuân Hà, ngụ khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh nay cũng đã bớt u sầu mà tập trung lo phát triển kinh tế. “Gia đình tôi mới mua hơn một công đất để trồng hoa màu. Tới đây, tôi sẽ tham gia một số lớp về kỹ thuật trồng trọt ở địa phương để có kiến thức áp dụng trồng hoa màu đạt hiệu quả nhất”, ông Hà cho biết.

Vợ chồng ông Hà có 2 người con gái, để lo cuộc sống, vợ chồng ông tích cực làm thuê. Nhờ giáo dục tốt, các năm 2015 và 2018, 2 người con lần lượt đậu vào Trường Đại học Cần Thơ. Cách đây hơn hai năm, người con đầu của ông bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong, lúc ấy, vợ chồng ông như người mất hồn. “Lãnh đạo tỉnh, thành phố đến thăm động viên tôi hãy gác quá khứ, nghĩ đến tương lai tốt đẹp hơn. Tôi thấy lời động viên ấy rất ý nghĩa. Do đó, vợ chồng tôi cố nén đau thương mà lo cuộc sống gia đình”, ông Hà giải thích thêm.

Hiện tại, cuộc sống vợ chồng ông Hà còn nhiều khó khăn, nhưng ông tin vào một tương lai tốt đẹp phía trước. Bởi theo ông, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, nhưng có niềm tin và nghị lực sẽ vượt qua khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, tuy thời gian đến thăm những gia đình có người thân bị thương, tử vong do tai nạn giao thông không nhiều nhưng những lời động viên, định hướng của các đoàn đã “đánh thức” nhiều gia đình phải hướng tới tương lai hơn là chỉ nhìn về quá khứ…

“Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh hàng năm đều duy trì hoạt động thăm hỏi, động viên, khích lệ, hỗ trợ để các gia đình có người thân bị thương, tử vong do tai nạn giao thông giảm bớt đau thương, vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>