Kỳ vọng nhiều tuyến giao thông trọng điểm

27/09/2020 | 14:50 GMT+7

Hậu Giang sẽ có một số tuyến giao thông trọng điểm kết nối vùng đi qua địa bàn trong giai đoạn tới, đây là động lực giúp cho địa phương càng thêm phát triển.

Cùng với mạng lưới đường giao thông hiện hữu, kỳ vọng 2 dự án trên sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm đường giao thông của Hậu Giang và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỉ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2021. Tổng chiều dài tuyến khoảng 20km, qua địa phận Hậu Giang 8,9km, qua Sóc Trăng 10,9km. Tuyến sẽ được thiết kế vận tốc 80km/h, 4 làn xe cơ giới theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Điểm đầu dự án tại km 2100 + 000 nối vào điểm cuối của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, điểm cuối nối tại km 2118 + 600 nối vào điểm đầu dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đơn vị thiết kế, dự kiến đoạn km 2100 - km2140+200 thuộc tỉnh Hậu Giang, tuyến mở rộng về hai bên để tận dụng mặt bằng đã giải phóng trước đây. Đoạn còn lại cơ bản bám theo Quốc lộ 1 mở rộng về hai bên tuyến nhằm đảm bảo ổn định trong quá trình khai thác lâu dài do kênh Sóc Trăng chạy dọc bên phải tuyến. Tại một số đoạn, mép mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu đến mép bờ kênh đủ rộng, mở rộng tuyến hai bên để tận dụng tối đa mặt bằng hiện có. Ở những vị trí cục bộ, vai đường gần với bờ kênh có giải pháp xây dựng kè chắn để đảm bảo ổn định nền đường.

Tại buổi làm việc với chủ đầu tư mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn đề xuất đoạn thuộc thành phố Ngã Bảy cần có dải phân cách ở giữa. Dự án sẽ được triển khai sớm nên tỉnh đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cung cấp cho địa phương diện tích giải phóng mặt bằng, mốc giải phóng mặt bằng để tỉnh làm thủ tục thu hồi đất.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng từng bước hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cà Mau theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cùng với dự án trên, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được đầu tư sẽ đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 1 trong 2 tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối vào 2 tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo kết nối qua hầu hết 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực. Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh. Tuyến này sau khi được đầu tư sẽ giải quyết được những hạn chế mà quốc lộ không thể khắc phục. Đơn cử như tuyến Quốc lộ 1 và Quản Lộ - Phụng Hiệp từ Cần Thơ đi Cà Mau đi qua nhiều khu đông dân cư, phương tiện lưu thông xe máy chiếm tỷ lệ cao, tốc độ lưu thông thấp dẫn đến ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông. Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được thiết kế - thi công với tiêu chuẩn kỹ thuật cao giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển, giảm từ 2,5 giờ xuống còn 1,5 giờ.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành mới đây, đại diện Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long nêu ra 3 phương án đầu tư. Trong đó, phương án 1 có chiều dài tuyến lớn nhất 141km, phương án này tiết kiệm tài nguyên đất, diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất 750ha do tận dụng được đường cũ; tổng mức đầu tư thấp nhất 46.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả khai thác cần cải tạo các cầu hiện hữu tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Phương án 2 mà đơn vị đưa ra có diện tích giải phóng mặt bằng lớn khoảng 900ha và tổng mức đầu tư cao nhất là 61.000 tỉ đồng; chiều dài tuyến 138km.

Cả phương án 1 và phương án 2 đều có 14km trùng cao tốc trục ngang. Ưu điểm là dễ thu hút lưu lượng phương tiện vào đường cao tốc; có hướng tuyến kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân đoạn đầu tư. Đồng thời, có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn là thành phố Sóc Trăng 24km, thành phố Bạc Liêu 25km, thành phố Vị Thanh 35km.

Phương án 3, chiều dài tuyến ngắn nhất 124km; diện tích giải phóng mặt bằng 800ha; tổng mức đầu tư 57.000 tỉ đồng. Kết nối gần về phía thành phố Vị Thanh (10km), xa hơn về thành phố Sóc Trăng (41km), thành phố Bạc Liêu (46km) và các đô thị khác, khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc so với các phương án khác. Hướng tuyến ít kết nối vào đường hiện hữu nên phân đoạn đầu tư. Với phương án này, phải xây dựng đường công vụ khi thi công. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng chọn phương án 2. Tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đồng ý chọn phương án 3. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng về tuyến, cần xác định hài hòa sự phát triển của vùng; khai thác được hết lợi thế của các tỉnh trong khu vực để cùng phát triển. Phải tính đến các điểm kết nối mà tuyến đường cao tốc đi qua có thuận tiện không. Do vậy, Cà Mau chọn phương án 2 dù chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả hơn, kết nối các đô thị trong vùng gần nhất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật ủng hộ và đánh giá cao những ý kiến đóng góp xác đáng của các địa phương cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Thứ trưởng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước, cần hạn chế tối đa việc thu hồi đất khi thực hiện dự án. Trong giai đoạn hiện nay ngân sách khó khăn nên làm thế nào để vừa làm được đường, vừa có mức đầu tư thấp nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin việc thực hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ là bằng hai hình thức: Đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu là đầu tư công, còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau đầu tư theo hình thức PPP. Đề nghị trước mắt phải thực hiện theo Quyết định 326 (về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Trên cơ sở đó xem xét phương án 1 và phương án 2, phương án nào hiệu quả nhất về kinh tế, an ninh, quốc phòng sẽ chọn để thực hiện.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết đây là đoạn cuối cùng trên toàn Quốc lộ 1 chưa mở rộng 4 làn xe. Đề nghị Ban Quản lý dự án 7 hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến của 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng; cùng kết hợp để triển khai phần đường phục vụ Nhân dân và cảnh quan của hai địa phương. Khi duyệt xong hồ sơ nghiên cứu khả thi, Ban Quản lý dự án 7 xác định diện tích thu hồi đất, cắm mốc giải phóng mặt bằng để chuyển sang tỉnh làm thủ tục thu hồi đất. Thứ trưởng yêu cầu đơn vị thiết kế xử lý kỹ các điểm giao cắt, điểm kết nối giữa cầu và đường. Thiết kế phải đảm bảo an toàn giao thông, tính toán phương án mở rộng hợp lý.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>