Sớm nhổ bẫy cọc

30/07/2019 | 07:54 GMT+7

Thời gian gần đây, cọc tràm, cọc dừa, cọc bê tông xuất hiện nhiều ở tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn rất lớn tai nạn giao thông đường thủy, nhất là mùa mưa, bão đang đến gần.

Cọc dừa, cọc tràm chưa được nhổ ở kênh xáng Xà No (đoạn khu vực nội ô thành phố Vị Thanh).

Kênh xáng Xà No là một trong những tuyến thủy nội địa huyết mạch. Hàng ngày, có hàng ngàn lượt ghe, tàu, xà lan qua lại. Trên tuyến này vẫn còn nhiều cọc tràm, cọc dừa… nhô cao.

Theo quan sát, các cọc ấy được cặm cách bờ khoảng 4-5m. Khi nước lớn, cọc nhô khỏi mặt nước 0,5-1m, còn nước cạn thì nhô khoảng 1-1,5m, tiềm ẩn rất lớn tai nạn cho xuồng, ghe…

Nhà ở khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, chứng kiến khá nhiều trường hợp người điều khiển xuồng, ghe va chạm cọc trên kênh xáng Xà No vào ban đêm, ông T. lo lắng. Ông T. kể, cách đây không lâu, lúc đó khoảng 19 giờ, khi đang đi bộ cặp bờ kè Xà No thì có một chiếc xuồng của người dân chạy đến và rướn lên cọc dừa nhưng rất may không lật, nếu không hậu quả rất khó lường bởi trên xuồng có khá nhiều người.

“Trường hợp như thế tôi chứng kiến hoài. Mong ngành chức năng, địa phương sớm xem xét nhổ các cọc trên để việc lưu thông của phương tiện thủy được an toàn”, ông T. mong muốn.

Còn tại kênh Vòi Chành, ở khu vực 6, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cũng xuất hiện khá nhiều cọc, kể cả cọc bê tông. Nhà cặp kênh này, anh Nguyễn Minh Hải khá tường tận việc một số cọc ở đây cặm hồi nào, đơn vị nào thực hiện.

Theo anh Hải, có một số cọc bê tông cặm cách đây hơn một năm, do một công ty xây dựng cầu trên địa bàn thực hiện. Đến nay nó vẫn đứng im đó. Trong khi kênh này nước chảy rất siết, lượng phương tiện lưu thông khá lớn, có cả xà lan qua lại.

“Tuy chưa chứng kiến vụ va chạm giữa phương tiện vào các cọc, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông, nhất là thời điểm nước cạn”, anh Hải cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các cọc cặm trên sông, kênh là do công ty, doanh nghiệp thực hiện nhằm thi công một số công trình xây dựng, lên xuống hàng hóa. Nhưng khi thực hiện xong, họ “quên” di dời, trả lại hiện trạng ban đầu.

Chưa có số liệu thống kê chính thức xuồng, ghe lưu thông va chạm vào các cọc ở sông, kênh trên địa bàn tỉnh, nhưng nó là tác nhân tiềm ẩn rất lớn về tai nạn giao thông đường thủy.

Về vấn đề trên, thời gian qua, ngành chức năng, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân, chủ doanh nghiệp, công ty di dời, nhổ cọc sau khi thực hiện công trình, lên xuống hàng hóa, nhưng chưa chuyển biến.

Tại cuộc họp sơ kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu, tới đây ngành hữu quan cần phối hợp tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông đường thủy nội địa và hộ dân làm ăn, sinh sống ven sông, kênh.

“Đặc biệt, nhanh chóng nhổ các cọc dưới lòng sông, kênh gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nhằm tránh tai nạn, va chạm đáng tiếc xảy ra”, ông Trương Cảnh Tuyên yêu cầu.

Việc tham gia xây dựng các công trình, tổ chức lên xuống hàng hóa nhằm phát triển kinh tế, song mỗi người cũng cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn giao thông thủy, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>