Vẫn còn buôn bán lấn chiếm hành lang

26/11/2019 | 08:29 GMT+7

Buôn bán trên dốc cầu, dựng biển hiệu, bục bệ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông gây khuất tầm nhìn là những vấn đề được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, câu chuyện này đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Nguy cơ mất an toàn giao thông tiềm ẩn từ việc mua bán và dừng đỗ ngay trên lề đường.

Theo người dân địa phương, vào buổi sáng, tuyến Quốc lộ 61, đoạn từ thị trấn Cái Tắc đến thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, các phương tiện tham gia lưu thông rất đông. Cao điểm buổi sáng vào khoảng 6 giờ 15 phút đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30 phút xe di chuyển chật kín đường. Vào khung giờ cao điểm, lượng công nhân đi trên tuyến đổ dồn về Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh rất nhiều. Đặc biệt, cầu Cái Tắc và dốc cầu Tầm Vu thường xuất hiện tình trạng mua bán trên dốc, vỉa hè. Cộng với ý thức một bộ phận người dân kém, dừng đỗ trên cầu để mua hàng làm xảy ra tình trạng ách tắc giao thông cục bộ.

Chị Trần Thị Ngọc Ngân, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết trước đây xe không đông như vậy. Bây giờ, có khu công nghiệp nên công nhân đi về ngày 2 lần, vào giờ tan tầm đông lắm. Con lộ trở nên chật hơn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại. Chưa kể vào buổi sáng, người mua người bán dừng đỗ ngay dốc cầu Tầm Vu và cầu Cái Tắc. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường luôn chứ không có chỗ chen chân. Khi có công an vào cuộc giải tỏa thì họ đi, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ vừa rút là họ bưng xề ra bán tiếp. Dù biết là mưu sinh bằng xề rau, xô cá, nhưng buôn bán như vậy ảnh hưởng nhiều quá, chưa kể những nguy hiểm gặp phải.

Ngoài tình trạng mua bán, việc dựng các biển hiệu, bục, bệ trong phạm vi hành lang an toàn giao thông là câu chuyện chưa có hồi kết. Dù Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và huyện mở nhiều đợt ra quân giải tỏa, thế nhưng không bao lâu sau các hộ dân lại dựng biển hiệu, bục, bệ lấn ra sát lề đường. Việc làm này khiến cho tầm nhìn của người tham gia giao thông bị che khuất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện.

Chị Ngô Thu Phần, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, kể: “Hôm đó, khoảng 15 giờ chiều tôi đang điều khiển xe đi trên Quốc lộ 61, đoạn thị trấn Kinh Cùng về xã Hòa An thì có một người trong quán cà phê phóng xe ra. Do tấm bảng to dựng sát lề đường nên tôi không quan sát được, phải nhanh tay lách xe ra ngoài nên không bị va quẹt. May mắn là tốc độ chạy khi đó chưa được 40km/giờ cộng với đường lúc đó ít xe chứ nếu đông chắc có chuyện không hay rồi. Tôi nghĩ chuyện mua bán của người ta thì mình đâu có cấm được. Nhưng mong sao họ nâng cao ý thức vì cộng đồng”.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, tình trạng người dân mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, dốc cầu vẫn còn tồn tại. Để giải quyết tình trạng này, vai trò của địa phương là rất quan trọng, nhất là trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Mặt khác, địa phương cần thực hiện hết trách nhiệm của mình, sau khi tỉnh giải tỏa và bàn giao thì địa phương phải thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, nhắc nhở. Các trường hợp chây ì phải cho làm cam kết, giáo dục, chỉ ra nguy cơ mất an toàn giao thông, mất văn minh đô thị.

“Ban An toàn giao thông cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh nên có quy chế rõ ràng, quy định trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề hành lang an toàn giao thông địa phương, đưa tiêu chí này vào thi đua hàng năm. Đối với Trung ương, tỉnh kiến nghị mở rộng Quốc lộ 61 đoạn thị trấn Cái Tắc và đoạn từ thị trấn Rạch Gòi đến thị trấn Kinh Cùng. Đối với các địa phương, cần thực hiện hết trách nhiệm của mình sau khi tỉnh bàn giao. Trường hợp khó khăn ở những “điểm nóng”, địa phương không làm nổi cứ báo cáo về Ban An toàn giao thông tỉnh, đơn vị sẽ thành lập đoàn liên ngành xử lý rồi bàn giao về địa phương”, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>