Trường Sa không xa !

19/05/2022 | 07:41 GMT+7

“Nhà có vàng, không bằng làng có sư”, những ngôi chùa được xây dựng trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã trở thành một điểm tựa tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ, người dân xứ đảo và của nhiều ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển.

Bài 4: Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa

Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Chùa không còn đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, mà đã trở thành hiện thân cho những giá trị tâm linh mà người Việt hằng gìn giữ ở giữa ngàn khơi...

Chùa Trường Sa Lớn là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tại huyện đảo Trường Sa.

Khi đảo có chùa

Huyện đảo Trường Sa hiện có 9 đảo đã có chùa. Những năm qua, chùa liên tục được xây dựng và trở thành một phần không thể thiếu của các đảo. Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Có chùa đã được thành lập từ nhiều năm trước như chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn,... Có chùa mới xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2021 như chùa Trường Sa Đông, chùa Đá Tây A,... Tất cả đều có kiến trúc đậm chất dân tộc, khoác lên mình vẻ thanh tịnh, uy nghiêm, trầm mặc nhưng cũng không kém phần ấm cúng. Giữa đảo xa, còn gì bình yên hơn việc được nghe một tiếng chuông chùa.

Vừa kết thúc nghi lễ cầu an cho đoàn công tác đến thăm đảo, Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A, tranh thủ sắp xếp lại gian thờ trong chùa. Nhận quyết định ra đảo từ tháng 2 năm nay, vị đại đức này vừa là trụ trì, vừa là chư tăng duy nhất của đảo. Hơn 3 tháng tu tập nơi đảo xa, Đại đức Thích Nhuận Hiếu nhận thấy rằng, việc tu tập ở trên đảo cũng như trên đất liền. Giữa biển cả mênh mông, lòng người tu hành lại được bình yên và thanh tịnh, một lòng hướng Phật, hướng đến những giá trị tốt đẹp cho chúng sinh, cho đất nước.

Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì Chùa Đá Tây A, cho biết: “Trên đảo, chùa cũng tổ chức hoạt động tương tự như ở trên đất liền. Hàng ngày, vào các giờ cố định, tôi sẽ tiến hành cúng bái, làm lễ sám hối, cầu an. Vào các ngày rằm lớn hoặc các dịp Lễ Phật đản, Vu Lan,... tôi cũng tổ chức các hoạt động với sự tham gia của các chiến sĩ trên đảo. Chúng tôi cùng thực hiện các nghi thức và cầu nguyện những điều tốt đẹp”. Ngoài ra, khi các đoàn công tác thăm và làm việc tại đảo, chùa cũng tiếp đón và thực hiện các nghi lễ cầu an, cầu phúc cho đoàn.

Phát nguyện ra đảo từ tháng 1-2022, Đại đức Thích Quy Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Đông, chia sẻ: “Sự tu tập ở mọi nơi đều không khác nhau. Ở đảo, hàng ngày, tôi đều tụng niệm, cầu nguyện, để các chiến sĩ có thêm niềm tin, gửi gắm tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về vật chất, tuy có khó khăn, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các chiến sĩ trên đảo, nên vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, tôi cũng tự túc trồng thêm các loại rau trong khuôn viên chùa”.

Cứ thế, nhà chùa tiếp tục song hành cùng các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi người.

Như đảo có vàng !

Đến thăm các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, chùa luôn là địa điểm mà mỗi đại biểu trong các đoàn công tác phải ghé đến. Không phải vì sự hiếu kỳ, tò mò về một ngôi chùa nơi hải đảo xa xôi, mà là vì sau một hải trình từ đất liền ra với đảo, ai cũng muốn đến chùa để thấy lòng mình gần hơn với quê hương, đất nước. Chùa nơi đảo xa không chỉ là chùa, mà còn là biểu tượng của văn hóa và tâm hồn dân tộc. Chùa không còn đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, mà đã trở thành hiện thân cho những giá trị tâm linh mà người Việt hằng gìn giữ.

Với những người dân đang sinh sống ở Trường Sa, chùa còn có ý nghĩa tinh thần to lớn hơn. Gắn bó với đảo Sinh Tồn 4 năm, cũng là chừng ấy thời gian chị Lữ Kim Cúc (quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), duy trì thói quen đến chùa để phụ sư thầy dọn dẹp, thắp hương và vọng chuông chùa. “Mọi thứ tôi và các chị em ở đây đều làm một cách tự nguyện để giúp đỡ cho nhà chùa. Ở xa quê hương, có được một mái chùa để đến thắp hương, cúng bái là một điều rất hạnh phúc. Nó giúp tôi thấy lòng bình yên và ấm áp hơn”.

Các ngôi chùa trên đảo ở Trường Sa cũng là điểm tựa tinh thần của nhiều ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển. Khi đánh bắt xa bờ, ở nơi đầu sóng ngọn gió, các ngư dân đều hướng về chùa để cầu nguyện sự bình an, cầu được thuận buồm xuôi gió, cầu được nhiều cá, tôm. Khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, các ngư dân vẫn thường ghé vào đảo và đến chùa thắp hương, cầu nguyện. Thời gian gần đây, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo, việc ngư dân lên đảo khá hạn chế. Tuy nhiên, khi neo đậu ở các âu tàu hoặc gần đảo, nhiều ngư dân vẫn ngưỡng vọng về chùa để cầu nguyện và gợi nhớ quê hương.

Theo Hòa thượng Thích Đức Thành, Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, trụ trì chùa Pháp Tánh: “Đạo pháp dân tộc và xã hội chủ nghĩa là truyền thống, là phương châm của giáo hội. Ở nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc, các chùa đã hỗ trợ về mặt tâm linh, tín ngưỡng cho các cán bộ, chiến sĩ và người dân. Người Việt ta có câu: “Nhà có vàng, không bằng làng có sư”, nói lên sự sung túc, ổn định về mặt tâm linh. Các chùa ở đảo không chỉ là nơi nương tựa về tâm linh, tín ngưỡng mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, văn hóa của dân tộc”.

Qua năm tháng, cùng với những ngôi chùa đang sừng sững giữa nắng gió và bám màu thời gian, sẽ có những ngôi chùa mới tiếp tục được xây dựng tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Chùa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy chùa ở xa đất liền, nhưng lại giúp đất liền và hải đảo thêm gần nhau hơn. Để dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này, dân ta đều được ấm lòng khi nghe một tiếng chuông chùa…

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

----------------

Bài 5: Chung sức vì Trường Sa

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>