Anh hùng đích thực

23/01/2023 | 12:11 GMT+7

Câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chiêm Thanh Tấn được nhiều báo đài khai thác, càng khắc đậm hơn hình ảnh vị “anh hùng đích thực” của một thời oanh liệt. Chuyện anh cùng đồng đội đánh sập cầu Cái Răng nhiều người biết, nhưng anh đã trinh sát, thâm nhập, mang 120kg thuốc nổ đến đây như thế nào thì hẳn ít người tường tận.

Trong một lần về thăm quê hương Vĩnh Viễn của Chiêm Thanh Tấn (Hai Tấn), nhớ về đồng đội, ông Lê Trọng Nghĩa, người từng sống, chiến đấu với anh, đã làm quá khứ sống lại.

Ông Tám Nghĩa nói Hai Tấn là anh hùng đích thực.

Y sĩ làm đặc công thủy

Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Cục Chính trị Quân khu 9, gắn bó với Hai Tấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ và sau tiếp thu, bồi hồi nhớ lại từng chi tiết: Đồng chí Tấn nguyên là cán bộ quân y, luôn phục vụ chu đáo thương binh; tháng 10-1971, Tỉnh đội Cần Thơ mở lớp huấn luyện đặc công thủy, Tấn cũng được giao phục vụ lớp học, khi đó Tấn tham gia học luôn…

Kết thúc huấn luyện, Tỉnh đội thành lập Đại đội đặc công thủy H40 và Tấn được phân công về đơn vị này, nhưng không phải làm quân y, mà là Đại đội trưởng.

Nơi chôn nhau cắt rốn của anh hùng Chiêm Thanh Tấn ở Vĩnh Viễn (ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ), anh và các em của mình lớn lên bên dòng sông Nước Đục hiền hòa, nhưng phải đêm ngày oằn mình gánh mưa bom bão đạn quân thù.

Những khi dòng sông lặng sóng, anh em cả xóm ùa nhau xuống sông ngụp lặn bắt cá, mò tôm; lấy bập bè làm súng chia phe diệt thù… Đến lúc rong rêu đóng đầy râu tóc thì bọn trẻ kéo nhau lên khoe chiến tích nào tôm càng, cá bống tượng, mè vinh… Ông Bảy Quân, năm nay 80 tuổi, ở chung xóm và rất gắn bó với Hai Tấn kể: Hồi đó, phải nói là Tấn lội giỏi và lặn rất sâu mò bắt dính nhiều tôm, cá ở sông này.

Vĩnh Viễn anh hùng và Tấn cũng mang dòng máu ấy. Những ngày trú bom dưới hầm cùng các em, nghe gót giày quân thù đi trên đất mẹ mà Tấn lùng bùng tai, chui ra khỏi hầm mắt đầy đom đóm lửa…

Cũng vì thế mà tuổi thiếu niên (hơn 16 tuổi) anh thoát ly gia đình. Tuy chưa biết gì về y tế nhưng anh đã nhanh chóng học và làm tốt nhiệm vụ cứu thương. Thấy có khiếu nên Hai Tấn được đưa đi học 2 tháng sơ cấp cứu thương (năm 1964), 4 năm phục vụ không để xảy ra sai sót, anh tiếp tục được đưa đi học nâng cao - y sĩ cấp tốc 45 ngày (sau năm 1968) để phục vụ chuyên sâu…

Là cán bộ quân y đồng trang lứa với Hai Tấn, ông Hai Dũng nhận xét: Tấn có khả năng cao trong phán đoán bệnh tình và quyết đoán trong xử lý vết thương; có những thương binh vào viện tính đâu hy sinh nhưng qua tay của Tấn đều mau lành bệnh, trở lại chiến đấu.

Nhưng đó chưa bộc lộ hết khả năng tài lược của anh khi Tỉnh đội Cần Thơ mở lớp huấn luyện đặc công thủy… Với học viên khác có kiến thức, kinh nghiệm, được lựa chọn kỹ càng vào lớp này ban đầu rõ là hơn anh, nhưng chỉ qua vài buổi huấn luyện sớm chiều, anh đã bộc lộ khả năng thiên bẩm - tài không đợi tuổi - nặng nợ với nghiệp “rái cá”.

Nếu con sông Nước Đục hiền hòa đã dạy anh bơi giỏi thì lòng căm thù giặc sâu sắc mới là yếu tố quyết định để anh chung sức với cách mạng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Lòng căm thù giặc càng sục sôi khi trước năm 1968, lúc đóng quân ở Ba Hồ, Vĩnh Long, anh hay tin bà ngoại và 2 em ở quê nhà bị Mỹ bắn chết. Vậy là, Tấn cùng một đồng đội ròng rã ngày đêm chèo xuồng về chịu tang ngoại. Về đến nơi, chứng kiến nhà tan cửa nát, đau đớn tột cùng, Tấn thề biến đau thương thành hành động để trả nợ nước thù nhà.

Một bên nhịp cầu Cái Răng bị Chiêm Thanh Tấn và Võ Thành Đô đánh sập, bên cạnh cầu mới ngày nay.

“Thả mặt ốc” đánh cầu

Nhận nhiệm vụ mới cũng là lúc đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến gay go nên đơn vị của Hai Tấn được giao trọng trách phải đánh sập cầu Cái Răng nhằm cắt đứt giao thông Quốc lộ 4, ngăn chi viện của địch...

Đây là cây cầu huyết mạch nên địch canh giữ ngày đêm, muốn đến gần chân cầu hoàn toàn không dễ dàng; chúng pha đèn hầu như suốt đêm, cứ chốc lại cho xuồng ghe chạy xung quanh để kiểm soát. Đặc biệt, hễ thấy động tĩnh gần đó là chúng bắn, nén lựu đạn; đám lục bình, một tai lục bình, một vật nhỏ trôi đến gần cầu cũng bị bắn nát phòng có người ém theo để phá cầu.

Trong các lần tâm sự với Tám Nghĩa, Hai Tấn nói đã nhiều lần “thả mặt ốc” (thả người ẩn dưới mặt nước, mặt ngửa lưng chừng dưới nước như ốc và ngậm ống cao su để thở) gần đến cầu, nhưng không thể đến gần nhất để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ mó mục tiêu”, vì vô cùng nguy hiểm, nên khó biết trụ cầu cỡ nào mà dùng thuốc nổ tương xứng công phá. Tuy nhiên, Tám Nghĩa biết rõ ý chí, quyết tâm của Hai Tấn là phải đánh sập cầu này.

Quyết tâm ấy đã được thông qua với sự hợp lực chuẩn bị của nhiều người.

Ông Tám Nghĩa kể chi tiết: Lúc này, đích thân anh Hai Thiết, tức Võ Minh Khai, Tỉnh đội phó, hóa trang để râu xồm xoàm, mặc quần áo bà ba đen, được chị Út Kim Ên lái vỏ máy chạy qua chạy lại cầu Cái Răng để dò xét, bàn phương án đánh.

Cũng nói thêm rằng, đánh cầu Cái Răng ngoài Hai Tấn còn có Đại đội phó H40 Võ Thành Đô tham gia. Đơn vị anh lúc này đóng trên địa bàn Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp - vùng lõm du kích (giữa 2 đồn địch).

“Sau khi thống nhất phương án, công tác chuẩn bị để đánh cũng mất nhiều tháng. Để có 120kg thuốc nổ phải gom nhiều lần, nhiều nơi; cả H40 nhiều đêm trước khi đánh phải kỹ lưỡng vận chuyển nhiều khối thuốc nổ, sau đó cố kết lại, mang ra sát bờ kênh Ba Láng để Tấn và Đô thả ngầm đến trụ cầu đúng vào khoảng 4 giờ sáng - giờ mà sau nhiều ngày dò xét, Tấn khẳng định địch rất chủ quan, an toàn cho mình và đồng đội”, ông Tám Nghĩa nhớ lại.

- 120kg thuốc nổ nặng lắm, phải chuyển sao khi tất cả ở dưới nước ?

- Nó được buộc vào can nhựa, cho thuốc và can chìm lưng lửng, trôi theo nước ròng về phía cầu.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Cục Chính trị Quân khu 9, kể tiếp: Trong khối thuốc nổ có 2 kíp nổ, 1 kíp hẹn giờ và 1 kíp tức thì; nếu lộ thì Tấn cắn kíp cho nổ ngay, coi như hy sinh luôn, còn kíp kia thì hẹn 30 phút sau nổ.

“Tôi khâm phục tinh thần quả cảm, nghị lực phi thường của Tấn và Đô chỗ này, có nghĩa là biết hy sinh chỉ trong gang tấc nếu bại lộ nhưng vẫn dũng cảm chứ không chút do dự, sợ sệt”, ông Tám Nghĩa nhấn mạnh.

Yên tâm “thả mặt ốc” từ nửa đêm ra cầu, nhưng căng thẳng nhất, cẩn thận nhất, không để bất cứ sai sót nhỏ nhất nào xảy ra là đoạn thuộc phạm vi cảnh giới của địch. Song với khả năng tinh tường, kinh nghiệm xương máu đánh các cầu Tầm Vu, cầu Trắng, cầu Đất Sét,… Hai Tấn đã tiếp cận được mục tiêu, nhanh chóng buộc khối thuốc nổ vào chân cầu, hẹn giờ và lặng lẽ “thả mặt ốc” rời đi…

30 phút sau, ngày 7-4-1972, khi Tấn và Đô đến vàm Cái Da thì 1 tiếng nổ long trời vang lên, cầu Cái Răng sập tức thì, địch bấn loạn, bắn sáng trời trên mặt nước, phát lệnh lùng sục Việt Cộng, nhưng anh và Võ Thành Đô đã an toàn dưới dạ nhà sàn, nơi cơ sở của ta đồn đóng và hai hôm sau tất cả về đơn vị an toàn.

Cầu Cái Răng sập là dấu son lịch sử ở miền Tây Nam bộ vào những ngày đầu chiến dịch mùa hè rực lửa 1972. Mỹ - ngụy càng điên cuồng bắn giết nhưng vẫn canh cánh nỗi lo không biết các yếu khu khác rồi sẽ như thế nào, bởi Việt Cộng thoắt ẩn thoắt hiện…

Cầu Cái Răng sập gây ra nhiều khó khăn cho địch trong chi viện, mất nhiều thời gian làm lại cầu phao, rồi sau đó trực ngày trực đêm mà vẫn nơm nớp sợ những “rái cá” âm thầm của dòng sông quê hương ngày đêm “chở che bom đạn”…

Với chiến công lừng lẫy ấy, Chiêm Thanh Tấn được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, từ năm 1972 đến ngày giải phóng và xây dựng đất nước, Hai Tấn còn được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp tục thêm những lời khen cho đồng chí mình, Tám Nghĩa khẳng định: “Hai Tấn trọn vẹn lắm; chỉ huy chu đáo, đồng đội chu đáo, anh em chu đáo. Với Tấn, kẻ thù là triệt để cách mạng, anh là anh hùng đích thực!”.

* * *

Những năm sau 1980, khi nước bạn lâm nguy, Hai Tấn lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Bên ấy, anh đã hóa thân cho đất mẹ nở hoa, hóa thân cho nghĩa tình Việt Nam - Campuchia thêm bền chặt.

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>