Lòng dân Vĩnh Viễn với Bác Hồ

04/09/2019 | 20:27 GMT+7

Ngay sau khi hay tin Bác qua đời, nhân dân xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỏ lòng tiếc thương vô hạn...

Ảnh tư liệu về gia đình ông Sáu Tòng thờ Bác tại gia đình.

Chuyện Lễ truy điệu Bác Hồ

Sự ra đi đột ngột của Bác khiến người dân Vĩnh Viễn ai ai cũng vô cùng bàng hoàng, xúc động, ngậm ngùi ứa lệ.

Những ngày này cách đây 50 năm, xã Vĩnh Viễn tổ chức lễ tang Bác, bà con mong trời mau tối để hết các loại máy bay giặc đánh phá.

Mặt trời vừa khuất bóng, mưa cũng vừa dứt hạt, từng tốp người của 12 ấp trong xã lần lượt kéo về điểm lễ tại khu vườn Năm Giang, trên ngọn rạch Cái Dứa, trên ngực áo phía trái tim mình, ai cũng có đính mảnh vải đỏ, ngang 3 phân, dài 6 phân, biểu thị thọ tang Bác Hồ.

Điểm lễ trên khu đất gò, trang trí một lễ đài gọn bằng 6 bộ ván ngựa ghép lại, cao 1m, có 2 đèn măng-song chiếu sáng lễ đài. Trên là tấm phông xanh căng ngang, giữa tấm phông treo Quốc kỳ có một mảnh vải đen cắt xéo trên góc; phía dưới Quốc kỳ đặt một bàn hương án phủ cao su bông trang trọng; trên bàn hương án đặt một đỉnh lư đồng khói hương nghi ngút…!

Sau đỉnh hương là ảnh Bác Hồ với vầng trán rộng mênh mông, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng hiền từ, phúc hậu nhìn đoàn người lặng lẽ, chen chút xếp hàng trước lễ đài. Dưới sân lễ có 3 tấm băng dài nền đỏ, chữ xanh, căng trước hơn 2 ngàn quần chúng nhân dân để biểu thị ý chí và niềm tiếc thương vô hạn của nông - thanh - phụ - lão xã Vĩnh Viễn đối với Bác Hồ!

Trên lễ đài, Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Viễn Nguyễn Văn Quyền mời bà con có mặt cùng đứng lên nghe thông báo tin buồn của Chánh phủ về việc Bác Hồ qua đời!

Sau giây phút mặc niệm, ông Quyền thay mặt Chi bộ đọc điếu văn suy tôn công đức biển trời của Bác. Điếu văn có đoạn “…quyết đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào! Giải phóng miền Nam, thống nhứt Tổ quốc!”.

Ông Quyền hô to: “Nhân dân Vĩnh Viễn quyết tâm làm theo lời dạy của Bác Hồ!”.

Dưới lễ đài, hàng ngàn người đồng loạt đứng lên, vun cao cánh tay rập ràn, đồng thanh hô to “Quyết tâm! Quyết tâm!”.

Chờ qua cơn xúc động mãnh liệt của quần chúng, ông Nguyễn Văn Quyền có lời cảm tạ ý chí quyết tâm làm theo lời Bác của bà con, rồi ông gợi ý: “Trong giờ phút thiêng liêng này, nếu cô bác, anh chị em nông dân ai có cảm nhận về công đức cao dài của Bác Hồ, xin kính mời phát biểu!”.

Khi ấy có một người trong đám đông đưa tay xin phép được phát biểu. Người ấy leo lên lễ đài, nhìn ảnh Bác rồi bỗng cất lên tiếng khóc nức nở và sụp lạy chân dung Bác Hồ 4 lạy, khiến cả ngàn người có mặt ngậm ngùi không cầm được nước mắt.

Khi lạy xong, người ấy xoay ra nhìn mọi người với đôi mắt đầy lệ và phát biểu với niềm xúc cảm nghẹn ngào...!

Người đó là ông Phan Văn Tòng, thường gọi Sáu Tòng, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn.

Chuyện ông Sáu Tòng thọ tang Bác

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện khẩu hiệu “Ruộng đất cho dân cày”, nông dân nghèo được cấp ruộng đất, đời sống bớt khổ cực so trước cách mạng rất nhiều lần.

Trong Nhân dân xã Vĩnh Viễn lúc này lưu truyền câu “Tự do, bình đẳng nhờ ơn Đảng; áo ấm, cơm no nhớ Bác Hồ” để thể hiện lòng tin tưởng và biết ơn đối với Đảng và Bác Hồ.

Ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, có ông Phan Văn Tòng, thường gọi Sáu Tòng, là một tá điền trong điền đất của chủ điền Lâm Quang Đạo, được cách mạng tạm cấp 60 công đất ruộng tầm 3 thước; nhà ông có 12 nhơn khẩu. Sau vài năm cần cù sản xuất, gia đình ông Sáu Tòng thoát khỏi cảnh nợ nần, nghèo khổ.

Khi hay tin Bác qua đời, ông Sáu Tòng rất đau buồn, cử hành lễ tang Bác tại nhà với bàn thờ, ảnh Bác, hoa quả trang trọng đặt giữa.

Ông Sáu Tòng khi ấy đầu chít khăn tang, quỳ trước bàn thờ Bác nghi ngút khói hương, ông nức nở thưa trước anh linh Bác: “Bác Hồ ơi, mẹ cha sinh ra con trong nô lệ, đói khổ lầm than, nhờ có Bác, con mới được tự do, cơm no, áo ấm! Công ơn mẹ cha to như núi, công đức của Bác như biển rộng trời cao!”.

Và từ đó, hàng năm, ông Sáu Tòng đều tiến hành cúng giỗ Bác Hồ rồi thành tập tục của gia đình. Ngày kỵ giỗ năm nào gia đình ông Sáu Tòng cũng làm heo cúng Bác, bà con trong xóm và chính quyền địa phương đến dự rất đông.

Tuy nay ông bà qua đời nhưng con cháu ông vẫn tiếp nối tình cảm sâu nặng thiêng liêng này, hàng năm đều làm lễ giỗ Bác Hồ với niềm thành kính biết ơn vô hạn!  

LÊ HỮU PHƯỚC

(Sưu tầm và tổng hợp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>