Phải nằm lòng bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, coi đó như một cẩm nang quý giá

15/10/2020 | 07:51 GMT+7

Ngày 15-10 hàng năm là ngày rất có ý nghĩa đối với công tác dân vận của Đảng. Thật là một sự trùng hợp nhiều ý nghĩa, ngày 15-10 là ngày truyền thống của ngành Dân vận (15/10/1930), ngày Bác Hồ viết bài báo Dân vận (15/10/1949), ngày Dân vận cả nước (15/10/1999). Có thể nói, “dân” và “dân vận” là chủ đề chính trị, thời sự được các giai cấp, nhiều nhà lý luận, giới học giả quan tâm nghiên cứu, cả thời kỳ xa xưa và thời đại ngày nay. Có thể khẳng định: Dân và Dân vận có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Vận động Nhân dân của cán bộ huyện Long Mỹ. Ảnh: T.T                                                   

Người xưa nghĩ về dân và dân vận như thế nào?

Mạnh Tử (372 - 289 Tr. CN) nói về dân: “Dân vi quý, xã tắc vi thứ, quân vi khinh”, có nghĩa dân là quý nhất, nước nhà là thứ hai, vua là thường. Như vậy “dân là gốc”.

Tuân Tử (316 - 237 Tr. CN) nói về dân: “Vua như thuyền, dân như nước. Nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền. Chính vì vậy… không gì bằng thi hành chính sự công bằng và thương yêu dân chúng”. Như vậy “dân là gốc”.

Phạm Trọng Yêm (Đời Tống, thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên), trong bài văn Nhạc Dương Lâu Ký, cũng có câu nói nổi tiếng: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, nghĩa là lo trước điều lo của thiên hạ, vui sau điều vui của thiên hạ. Câu này còn được rút gọn thành: “Tiên ưu, hậu lạc”. Theo quan điểm Nho giáo, nếu đã làm quan của dân thì phải biết lo lắng trước dân và vui hưởng sau dân. Như vậy, trong chính sự phải “lấy dân làm gốc”. 

Trần Hưng Đạo nghĩ ra kế sách: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc mới là thượng sách giữ nước”. Đây là kế sách “an dân” của nhà Trần. Từ kế sách này, nhà Trần quy tụ được tất cả các tầng lớp trong xã hội, các tín đồ gắn bó và hòa mình vào mục tiêu chung là dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông hùng mạnh. Nguyên nhân của thắng lợi là có sự lãnh đạo của các minh vương như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; có các danh tướng như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư…; tập hợp được đông đảo cộng đồng dân tộc, các tù trưởng, hào tộc, chí sĩ yêu nước mọi miền như Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Thế Lộc, Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân…; các thế hệ tầng lớp xã hội như Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, Trần Khắc Chung, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi… Như vậy, phải “lấy dân làm gốc” và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo, không chỉ thể hiện tình cảm sâu sắc của ông đối với dân, mà còn ở chỗ phải làm sao để “khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng oán giận sầu than”, nghĩa là phải làm thật tốt dân vận để được dân tin yêu và quý trọng nhằm mục đích an dân. Như vậy, cũng phải thương yêu, quý trọng dân và phải “lấy dân làm gốc”.

Bác Hồ và Đảng ta ngày nay nghĩ về dân và dân vận:

Theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quần chúng là người sáng tạo,  làm ra lịch sử. Quan điểm của Đảng xem cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Theo Bác Hồ, trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân; bao nhiêu lợi ích đều thuộc về dân. Bao nhiêu quyền lực và sức mạnh đều ở nơi dân. Có dân là có tất cả. Đảng phục vụ Nhân dân là biết tổ chức lãnh đạo Nhân dân làm ra lợi ích cho dân, bảo vệ xã hội do dân làm chủ. Phải tập hợp hết dân, không bỏ sót người nào. Như vậy, phải quý trọng dân, trong tư tưởng phải xem “dân là gốc” và trong hành động phải “lấy dân làm gốc”.

Riêng Bác Hồ là người luôn quan tâm và có nhiều đúc kết rất sâu sắc về công tác dân vận, đặc biệc là tác phẩm “Dân vận” của Bác.

Cách đây đúng 71 năm, Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949. Bài báo chỉ có 612 từ nhưng đã đề cập và giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể Nhân dân. Bài báo “Dân vận” của Bác Hồ là một tác phẩm kinh điển, mẫu mực, là cẩm nang của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng.

Với cách viết gần gũi của Bác, người đọc dù ở trình độ nào cũng hiểu. Bác đã dùng cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu để làm rõ một số vấn đề cơ bản của công tác dân vận. Bác Hồ đề cập và lý giải 4 vấn đề cơ bản, quan trọng và rất thiết thực trong công tác dân vận…

Bác đã nêu một khẳng định mang tính chân lý khi kết thúc bài báo Dân vận: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Quả nhiên như vậy! Ôn lại chỉ giáo của các bậc tiền bối, nhất là bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, đối chiếu với thực tế tình hình đã qua và hiện nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi những suy tư, trăn trở và tự đặt ra những câu hỏi: Tại sao trong kháng chiến năm xưa đầy gian khổ hy sinh nhưng dân vận lại “rất khéo” để dẫn tới thành công? Còn hiện nay hòa bình thuận lợi nhưng dân vận hiệu quả không bằng xưa, vẫn còn những “cái vụng”, “cái kém”, chưa theo kịp yêu cầu cách mạng? Và sắp tới cần làm gì để khắc phục thực trạng này? Lý giải những câu hỏi này cần có cái nhìn khách quan, biện chứng, khoa học.

Trong kháng chiến xưa, dân vận tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả và có chiều sâu, như Bác nói - “dân vận khéo”. Dân vận đã gảy trúng chỗ ngứa, đáp ứng được lợi ích thiết thân của các tầng lớp nhân dân, đó là giành độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, thành ra ai cũng nghe theo. Dân vận không bị coi khinh, ai cũng có bổn phận, ai cũng tham gia, cũng biết làm dân vận và làm có kỹ năng, nhất là công tác tuyên truyền cảm hóa. Cán bộ, đảng viên, bộ đội luôn gắn bó với Nhân dân, ai cũng mẫu mực trước dân, biết lắng nghe và dám hy sinh… Từ đó nên đã thuyết phục và lôi cuốn được quần chúng tham gia làm cách mạng, tạo ra sức mạnh khiến cho cách mạng dẫn tới thành công.

Dân vận trong thời bình hiện nay tuy đông số lượng nhưng chưa mạnh, vẫn còn những yếu kém tồn tại. Chủ trương, nghị quyết xuống quần chúng còn “điểm nghẽn”. Sức hút quần chúng không còn mạnh như xưa. Việc tổ chức sinh hoạt, phát triển hội viên gặp khó khăn; bệnh quan liêu, hành chính, hình thức vẫn còn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên còn hụt hẫng, hạn chế. Thực trạng trên bắt nguồn từ: trong khi tình hình đất nước và quần chúng, xã hội đã có rất nhiều thay đổi, nhưng dân vận còn loay hoay, chậm đổi mới, nội dung và cách thức hoạt động chưa theo kịp, chưa sát với quần chúng nên họ ít hấp dẫn, ít nhiệt huyết, ít bị cuốn hút như xưa.

Để khắc phục thực trạng hiện nay, có rất nhiều việc phải làm nhưng trong đó phải giải quyết có hiệu quả một số việc có tính cơ bản, đó là:

Giải quyết tốt nhận thức về “trọng dân”, “an dân” để dân vận phải thật sự được coi trọng, không bị coi khinh, nhất là quán triệt lại tư tưởng “trọng dân” của các bậc tiền bối, của Bác Hồ. Phải nằm lòng bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, coi đó như một cẩm nang quý giá.

Đổi mới dân vận theo kịp với tình hình mới, nội dung và phương pháp, cách thức hoạt động phải sát hợp với quần chúng, với sự phát triển của xã hội, nhất là đáp ứng được lợi ích thiết thân (về dân sinh, dân trí, dân chủ) của các tầng lớp xã hội là “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết được mọi khó khăn. “Hoạt động của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức xuất phát từ lợi ích của dân”.

Phải nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, nhất là vai trò hết sức quan trọng của hệ thống chính quyền, của công tác dân vận chính quyền. Xây dựng bộ máy liêm chính; đội ngũ cán bộ, công chức gương mẫu, có trách nhiệm và có kỹ năng làm công tác dân vận. Sự quan liêu, vô cảm, tiêu cực, thiếu gương mẫu của cán bộ sẽ làm suy yếu công tác dân vận.

Hoàn thiện thể chế có liên quan đến dân vận để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, chế tài trong thực hiện. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có định hướng: “Cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh và Hiếp pháp. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải tạo nền tảng chính trị, pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ”.

Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng chỉ rõ: “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho Nhân dân quyền dân chủ... Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh của các tổ chức đại diện cho Nhân dân là Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh”.

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống dân vận của Đảng, chúng ta rất đỗi tự hào với truyền thống vẻ vang và sự góp phần to lớn của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tuy đã 71 năm nhưng đọc lại bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, chúng ta vẫn cảm thấy như Người mới viết vào ngày hôm qua, bởi vẫn còn đọng lại đó tính thời sự nóng hổi.

Với tinh thần thẳng thắn, thật thà, cầu thị, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận và cả quyết sửa chữa sớm những “cái vụng”, “cái kém” mắc phải để tiến bộ, vươn lên đáp ứng kịp yêu cầu của đất nước, đòi hỏi của Nhân dân, như Bác nói: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công!”.

LÊ HỮU PHƯỚC  

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>