“Chóng mặt” với giá thịt heo

25/05/2020 | 18:28 GMT+7

Dù ngành chức năng đã đề ra những giải pháp để bình ổn giá, tăng lượng thịt heo nhập khẩu, bảo vệ tổng đàn hiện có, song giá thịt heo vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Giá thịt heo trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm.

Giá heo tăng mạnh

Sau thời gian “chững” lại quanh mốc 120.000 đồng/kg thì khoảng vài tuần nay giá thịt heo tại các chợ tiếp tục vọt lên mức 140.000-160.000 đồng/kg. Sau ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nhiều người tiêu dùng dù đã quen mua thịt giá cao nhưng cũng không khỏi “xót” cho túi tiền khi mua mặt hàng này. Chị Nguyễn Thị Diệu Huyền, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Có tuần trung bình nhà tôi mua trên dưới 2kg thịt heo. Lúc trước, khi giá còn ổn định chỉ tốn cỡ 150.000-160.000 đồng. Từ khi giá lên cao thì tiền thịt heo đã vọt lên 300.000 đồng. Bởi vậy tôi chỉ mua số lượng chừng một nửa so với trước đây và bù lại bằng các món khác”.

Hầu hết những người bán thịt và thương lái đều nhận định giá thịt heo tăng mạnh trong thời gian qua do số lượng heo giảm mạnh sau dịch tả heo châu Phi chưa kịp phục hồi chứ nhu cầu tiêu dùng không tăng đột biến so với bình thường. So với thời điểm thực hiện cách ly xã hội cách đây hơn 1 tháng, thị trường đã khởi động lại nhưng sức mua chỉ tăng nhẹ do người dân đi mua sắm nhiều hơn, các quán ăn mở cửa trở lại. Bà Trần Thị Thu Thảo, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Vị Thanh, cho biết: Nguồn heo hơi đã giảm trong thời gian khá dài, có ngày không lấy đủ số lượng cần bán. Giá đầu vào cũng tăng nên bán ra không thể đi “ngược chiều” được. Bán giá cao như vậy làm người đi chợ ngán ngẩm, bán chậm hoặc thừa hàng thì người bán thịt cũng không được lợi. 

Chỉ trong vài tuần, giá heo hơi từ 85.000 đồng/kg đã tăng đến 91.000-92.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người chăn nuôi cũng bất ngờ nhưng không có heo để bán trong thời gian này là tình trạng chung. Là người chăn nuôi có kinh nghiệm hơn 30 năm, chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Những, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chứng kiến giá heo giống và heo hơi tăng cao như vậy. Heo giống trở thành “hàng hiếm”, giá lên đến 2,3-2,7 triệu đồng/con nhưng không có để mua. Có bầy heo chưa đầy tháng đã có người tới mua hết vì sợ chậm tay là người khác sẽ vào mua trước.

Ông Những cho biết, gia đình đang nuôi 7 heo con, cũng muốn nuôi thêm nhưng còn dè dặt do nguồn giống chất lượng rất khó tìm và ngại rủi ro do đã bị ảnh hưởng từ đợt dịch tả vừa qua. Số heo con đợt này do dặn trước của người thân ở huyện Vị Thủy mới được giá “mềm” và giống khỏe. Một số hộ nuôi trong xã còn tìm mua con giống tận tỉnh Đồng Nai với giá cỡ 3 triệu đồng/con. Gia đình ông đang chừa lại 2 con nái để gầy giống sau này. Ông dự định chỉ nuôi khoảng 10-20 con heo tơ, còn con nái khoảng trên 5 con chứ chưa yên tâm phát triển lại số lượng nhiều như trước dịch.

Còn ông Phạm Thanh Nhờ, cũng là hộ chăn nuôi ở xã Hỏa Lựu thì cho hay: “Cách đây 2 tuần tôi đã bán 3 con heo với giá 85.000 đồng/kg, nhưng hiện giá đã lên mức trên 90.000 đồng/kg. Nhiều thương lái lại tìm mua nên người chăn nuôi như tôi cũng mừng. Tôi đang cố gắng chăm sóc số heo tơ còn lại để hơn 1 tháng nữa sẽ xuất bán”. Hiện nay, đàn heo của gia đình còn 37 con, trong đó có 4 con nái. Dù giá heo bán ra cao nhưng ông Nhờ cũng chỉ tự để giống chứ không dám mua bên ngoài nuôi thêm.

Chưa thể “hạ nhiệt”

Với giá heo hơi khá cao như hiện nay, người nuôi như ông Nhờ ước tính lời trung bình trên 3 triệu đồng/con khi xuất bán. Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà tái đàn với quy mô như trước. Ông Đào Văn Hòa, cán bộ thú y xã Hỏa Lựu, thông tin: Dù giá cả hấp dẫn và địa phương đã công bố hết dịch nhưng người nuôi heo có tâm lý thận trọng. Giá con giống ở mức cao, khó mua cũng là một rào cản. Mặt khác, tiền thức ăn, thuốc và các chi phí khác cũng tăng nhẹ. Chưa kể bà con muốn tái đàn đều đầu tư sửa sang, nâng cấp chuồng trại, hoặc bỏ nền chuồng cũ, xây mới hoàn toàn để đảm bảo an toàn.

Trước thực trạng này, nhiều đơn vị đã đẩy nhanh nhập khẩu thịt heo, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng đa số vẫn quen với thịt tươi ngoài chợ nên mặt hàng này được bày bán và tiêu thụ nhiều tại các chợ. Theo nhận định của Bộ Công thương tại cuộc họp vào giữa tháng 5 vừa qua, sớm nhất phải đến hết quý IV/2020, nếu không có gì đột biến, nguồn cung thịt heo mới có thể trở về mức như chưa xảy ra dịch, khi đó giá heo mới trở về trạng thái ổn định. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng cần hướng đến các sản phẩm khác thay thế mặt hàng thịt heo để giảm nguy cơ khan hiếm thịt khiến cho giá bị đẩy lên cao.  

Tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; tiếp tục hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học để bảo vệ và phát triển tổng đàn hiện có. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thịt heo trên địa bàn tập trung nguồn lực, tiết giảm chi phí, giảm giá thành. Hiện nay, theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng đàn heo trên địa bàn còn hơn 80.640 con, giảm đến 43,5% so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>