Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả hàng hóa

24/09/2024 | 07:20 GMT+7

Bảo đảm duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm được các ngành chức năng, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart Vị Thanh.

Đang đi mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Vị Thanh, chị Nguyễn Thị Diệu, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết do mưa kéo dài nên thị trường thực phẩm rau xanh tăng giá so với mấy hôm trước, nhất là tại các chợ truyền thống. Thế nên trong những ngày mưa dầm, chị chọn mua hàng tại siêu thị vì giá ổn định, hàng hóa dồi dào. Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh cho thấy, lượng người mua sắm đông hơn so với ngày thường. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, rau xanh, thịt heo, thịt bò, cá... Hàng hóa cũng được nhân viên liên tục bổ sung ra quầy.

Còn tại một số chợ truyền thống, thực phẩm tươi sống, rau củ khá đa dạng. Giá bán các loại thực phẩm như: thịt heo, thịt gà, thịt bò, cá, tôm... nhỉnh hơn ngày thường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt đùi, nạc dao động từ 110.000-120.000 đồng/kg, sườn non 130.000-14.000 đồng/kg. Giá rau xanh, đặc biệt là các loại rau gia vị đều tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg, tùy loại. Theo một số tiểu thương, việc mua hàng những ngày gần đây đã trở lại bình thường, giá rau xanh hiện vẫn còn cao hơn so với trước khi có bão là do nguồn cung sụt giảm, việc vận chuyển cũng có nhiều khó khăn. Người dân không có thói quen tích trữ quá nhiều hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, tiểu thương bán cá tại chợ Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, cho biết: Do mưa kéo dài nên việc thu hoạch các loại thủy sản, rau xanh... đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, hầu hết các đầu mối giao các mặt hàng này cho tiểu thương tại chợ đều tăng giá, dẫn đến giá bán một số mặt hàng thực phẩm tăng so với những ngày trước bão.

Để đảm bảo kiểm soát chặt về giá bán hàng hóa trên thị trường, thời gian này, ngành công thương tỉnh và các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, chủ động bình ổn thị trường. Vì vậy, nguồn cung hàng hóa trên thị trường tỉnh trong thời điểm diễn ra bão số 3, cũng như hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của người dân.

Theo Sở Công thương tỉnh, đến hiện tại, nguồn hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo ổn định giá cả, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão.

Không chỉ chủ động các biện pháp bình ổn thị trường sau bão số 3, hiện nay Sở Công thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2024…

Ước tính 8 tháng năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện được trên 39.523 tỉ đồng, tăng 7,21%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 28.409 tỉ đồng, tăng 4,33% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong tháng 7 và tháng 8 một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và ngành hàng lương thực, thực phẩm (hệ thống bách hóa xanh) có mức tăng hơn nhiều so với những tháng trước. Vì vậy, quy mô tổng doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đã gia tăng đáng kể về mặt giá trị và đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng.

 

Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>