Tiềm năng công nghiệp chế biến

01/06/2020 | 18:19 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút những nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để giải cho bài toán tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh.

Một số loại cây trồng chủ lực được thử nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Làn sóng” chuyển đổi của doanh nghiệp

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm xuất khẩu phải thay đổi cách tiếp cận. Thay vì chỉ thu mua nguyên liệu từ các nơi chở về nhà máy chế biến thì nay doanh nghiệp cần liên kết và phát triển vùng nguyên liệu để đạt những yêu cầu về nguồn gốc và tiêu chuẩn của nông sản. Đồng thời ở gần các vùng nguyên liệu cần quy hoạch các khu chuyên chế biến, sơ chế nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu trước khi mang đến các nhà máy chế biến sâu. Tuy nhiên, hiện nay tại các thành phố lớn và ở các tỉnh lân cận quỹ đất không còn nhiều, chi phí đầu tư khá cao và xa vùng nguyên liệu. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến nông sản đang quan tâm, tìm hiểu các chính sách kêu gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến và hạ tầng khu công nghiệp ở Hậu Giang.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Là những người thật sự tâm huyết, cách làm của chúng tôi là kết hợp với người nông dân, các hợp tác xã ở địa phương để có nguồn nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong hội đều có kinh nghiệm làm việc lâu dài với nông dân. Nhờ chính sách và cơ chế rõ ràng, có thị trường tiêu thụ ổn định nên có thể định hướng cho người dân sản xuất phù hợp với yêu cầu xuất khẩu”.

Còn ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, kỳ vọng sẽ quy hoạch được vùng trồng quy mô lớn để chuyên sản xuất nông sản xuất khẩu. Trước đó, doanh nghiệp đã quy hoạch được vùng trồng nông sản ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Thuận… Qua tìm hiểu bước đầu, doanh nghiệp mạnh dạn tìm thêm sự hỗ trợ của ngành chức năng Hậu Giang để tìm hiểu sâu hơn điều kiện tự nhiên sản phẩm thế mạnh tại các địa phương. Giống như các vùng trồng khác, doanh nghiệp sẽ hình thành các vùng chuyên canh theo quy chuẩn riêng dựa trên liên kết với các hợp tác xã, làm việc theo hợp đồng và có chính sách bình ổn giá khi thu mua cho người dân.

Ngoài ra, cùng đoàn doanh nghiệp tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hậu Giang của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, có một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn đặt vấn đề rằng hiện thị trường thế giới đang có xu thế chuyển sang sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, đơn cử là các sản phẩm chế biến từ gừng và nghệ, hiện nguồn cung đang hụt so với nhu cầu nhưng vùng trồng trong nước còn rất ít. Nếu có khu vực thích hợp doanh nghiệp có thể liên kết trồng sản phẩm này và bao tiêu cho người dân.

Hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang.

Nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó diện tích cây ăn trái trên 40.000ha, diện tích trồng lúa 77.000ha. Nhiều vùng trồng có đất đai màu mỡ và trù phú. Tỉnh cũng đã xác định được 11 mặt hàng nông sản chủ lực để đẩy mạnh đầu tư. Một số loại đã xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường như cá thát lát, cam sành, khóm… Ngoài ra, tỉnh còn có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 5.200ha, trong đó khu trung tâm 415ha, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 4.785ha. Hiện nay, các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về hạ tầng để phục vụ liên kết…

Vừa qua, tỉnh cũng đã họp bàn để đưa ra danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư, rút ngắn thời gian và tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn đã lưu ý công tác quy hoạch ngành nghề tại các khu, cụm công nghiệp phải chi tiết đến từng nhóm ngành. Trong đó, ưu tiên lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm hướng tới tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân; lựa chọn các nhà đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo về môi trường và xác định các vị trí phù hợp với hoạt động của các ngành này tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Tuy vẫn còn nhiều khó khăn khi sản xuất nông nghiệp của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, số lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp còn ít, Hậu Giang vẫn có những lợi thế nhất định khi nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu có khả năng kết nối cao. Tỉnh cũng đưa ra mục tiêu phát triển nông nghiệp là nền tảng, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, do đó, tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, bao gồm hỗ trợ để liên kết với các hợp tác xã nông sản trên địa bàn, thông tin đầy đủ các chính sách hỗ trợ, vị trí kêu gọi đầu tư ở các địa phương và các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu sâu hơn qua các bước khảo sát chi tiết để thấy rõ những điều kiện nào phù hợp với mục tiêu của mình từ đó ra quyết định đầu tư.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>