Xây dựng sản phẩm chủ lực

20/05/2020 | 08:28 GMT+7

Hiện xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, đã có được sản phẩm đạt 3 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời tiếp tục nâng chất và đầu tư thêm một số mặt hàng chủ lực của địa phương để có sản phẩm OCOP tiếp theo.

Nghề làm chanh muối của THT Kim Phượng đang tạo ra sản phẩm OCOP cho xã Tân Phú Thạnh.

Ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về việc triển khai chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, địa phương tiến hành lựa chọn sản phẩm và tổ chức hướng dẫn người dân các nội dung theo yêu cầu. Cụ thể, sản phẩm đăng ký OCOP ban đầu ở Tân Phú Thạnh là chanh, hạnh muối của Tổ hợp tác (THT) Kim Phượng, ở ấp Tân Thạnh Tây. Điều đáng phấn khởi là qua khảo sát và chấm điểm về sản phẩm OCOP mới đây của ngành chức năng tỉnh, sản phẩm chanh và hạnh muối của THT Kim Phượng đạt được 57 điểm và đây là số điểm nằm trong khung đạt chuẩn 3 sao (từ 50-60 điểm). Như vậy, theo quy định thì những mặt hàng nào đạt từ 3-5 sao sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP (riêng 5 sao là chuẩn quốc tế). Do đó, Tân Phú Thạnh đã có sản phẩm OCOP riêng cho mình.

Được biết, nghề làm chanh, hạnh muối ở xã Tân Phú Thạnh xuất hiện khá lâu, nhưng chủ yếu làm theo từng hộ gia đình. Đến năm 2015, địa phương đã liên kết các hộ này lại với nhau để hình thành THT sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm lớn theo nhu cầu thị trường và được hỗ trợ những chính sách để bà con có điều kiện hơn trong phát triển ngành nghề. Chị Lâm Thị Kim Phượng, Tổ trưởng THT sản xuất chanh, hạnh muối ở ấp Tân Thạnh Tây, thông tin: “Bản thân tôi đã gắn bó với nghề này được 27 năm, nhưng vẫn còn nhiều hộ có thâm niên cao hơn. Từ khi thành lập THT đến nay, ngoài được hỗ trợ về pháp lý, thị trường tiêu thụ thì mới đây THT còn được hỗ trợ máy chà trái chanh để giúp thành viên nhẹ công lao động, tăng hiệu quả sản xuất”.

Hiện tại, THT của chị Phượng có 8 thành viên, mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn chanh, hạnh muối, riêng gia đình chị làm được khoảng 1 tấn. Với giá bán ở mức từ 25.000-28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người làm chanh, hạnh muối kiếm được nguồn lợi nhuận từ 4-5 triệu đồng/tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của THT hiện nay là ở trong tỉnh và thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Kiên Giang. “Thị trường tiêu thụ sản phẩm của THT hiện khá dồi dào, tuy nhiên nguồn cung vẫn hạn chế, nguyên nhân là do THT gặp khó về nguồn vốn trong sản xuất. Do đó, THT mong các ngành có liên quan xem xét hỗ trợ vốn vay cho THT nhằm tạo điều kiện trong việc thu mua nguồn nguyên liệu đầu vào và mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới”, chị Lâm Thị Kim Phượng, Tổ trưởng THT sản xuất chanh, hạnh muối ở ấp Tân Thạnh Tây, chia sẻ.

Dù xã Tân Phú Thạnh đã có sản phẩm OCOP là chanh, hạnh muối đạt chuẩn 3 sao, đồng thời đang xây dựng kế hoạch tăng diện tích sân phơi, kho chứa để tăng sản lượng gắn với quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó duy trì thương hiệu OCOP của địa phương và hướng đến đạt chuẩn 4 sao. Thế nhưng, theo đánh giá của lãnh đạo xã Tân Phú Thạnh, sản phẩm OCOP hiện tại của địa phương chỉ mang tính bước đầu, thiếu sự bền vững về lâu dài. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu đầu vào đang bị lệ thuộc từ bên ngoài, một khi không có nguồn cung thì việc sản xuất chanh, hạnh muối sẽ bị bế tắc. Cụ thể, chanh muối do THT sản xuất là chanh giấy chứ không phải chanh không hạt. Trong khi nguồn chanh giấy trong tỉnh gần như không có, THT phải nhập hàng từ tỉnh Long An hay Tiền Giang. Hiện tại, nguồn hàng từ hai địa phương này cũng rất bấp bênh do chanh giấy bị bệnh, đồng thời giá cả lên xuống thất thường, nhất là thường tăng cao, từ đó kéo theo việc sản xuất chanh muối không có lời nên có đôi lúc THT hạn chế làm khi giá chanh nguyên liệu ở mức cao. Đối với nguồn nguyên liệu trái hạnh tuy có tại địa phương và một số vùng lân cận nhưng số lượng không nhiều do bà con chủ yếu trồng hạnh xen trong vườn cây ăn trái lúc còn nhỏ để lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, nguồn nguyên liệu này cũng không mấy đảm bảo về lâu dài và sản lượng.

Trước thực trạng trên, hiện xã Tân Phú Thạnh đã chọn thêm một sản phẩm OCOP dự phòng là cây chanh không hạt, đồng thời thực hiện các bước để dần nâng chất nhằm đạt các tiêu chí quy định của sản phẩm 3 và 4 sao theo OCOP. Ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết thêm: Ngoài tích cực triển khai các giải pháp để duy trì sản phẩm OCOP hiện tại của địa phương thì Tân Phú Thạnh đang yêu cầu các cơ quan chuyên môn của xã phối hợp cùng ngành chức năng huyện Châu Thành A tổ chức hướng dẫn nông dân trồng chanh không hạt trên địa bàn xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn. Hiện tại, diện tích trồng chanh không hạt của Tân Phú Thạnh đạt hơn 350ha và địa phương đang tiếp tục vận động người dân mở rộng từ đất trồng cây kém hiệu quả. Điều phấn khởi là sản phẩm chanh không hạt của xã đã có mã vùng trồng và đang thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, cũng như liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Từ những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, cộng với những định hướng mà địa phương đã và đang làm thì tin rằng chanh không hạt sẽ sớm trở thành sản phẩm OCOP tiếp theo của Tân Phú Thạnh.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>