Bảo vệ môi trường trong trường học

30/06/2020 | 06:48 GMT+7

“Không có gì là vô ích đối với cuộc sống, ngay cả rác thải cũng vậy, điều quan trọng là làm thế nào để tận dụng được rác thải”… Với ý tưởng đó, năm học 2019-2020, Liên đội Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Ngã Bảy, đã thực hiện mô hình bảo vệ môi trường “Phân loại rác thải - Tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích”.

Mô hình “Phân loại rác thải - Tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích”, góp phần lớn trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh.

Mô hình thiết thực

Không gian trường học thân thiện, cây xanh rợp bóng mát, sân trường và lớp học luôn sạch sẽ… là những gì có thể cảm nhận khi đến ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất thành phố Ngã Bảy. Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, chia sẻ: “Môi trường sống xung quanh chúng ta đang dần bị ô nhiễm do rác thải đặc biệt là rác thải nhựa và túi ni-lông. Vì vậy, việc giáo dục học sinh chung tay bảo vệ môi trường, là nhiệm vụ rất cần thiết trong thời buổi hiện nay. Với đặc trưng là trường có đông học sinh với 948 em, nên nhu cầu ăn uống tăng cao. Lượng rác thải ra môi trường cũng khá nhiều như: bọc bánh snack, bọc ni-lông là những loại rác khó phân hủy. Một số em có thói quen ăn đâu vứt đó, nên rác hầu như có ở cả lớp học và sân trường. Từ thực tế trên, tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu thực hiện mô hình “Phân loại rác thải - Tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích”.

Để học sinh hiểu hơn về mô hình, nội dung giáo dục môi trường, phân loại rác thải, được nhà trường đưa ra triển khai dưới các buổi sinh hoạt dưới cờ. Mô hình được chia làm 2 câu lạc bộ (CLB) để hoạt động: CLB phân loại rác thải, gồm tất cả học sinh của trường tham gia và CLB tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích, với 25 học sinh khối 4-5.

Trường còn có một Đội bảo vệ môi trường, với khoảng 20 học sinh tình nguyện chuyên đi nhặt rác trong khuôn viên trường. Để thực hiện mô hình, trường đã bố trí 2 thùng rác đặt ở sân trường để đựng rác trong đó, một thùng đựng rác phân hủy và một thùng đựng rác tái sử dụng (rác hữu ích như giấy, chai nhựa, bọc ni-lông...). Rác từ các lớp, sẽ được học sinh phân loại và bỏ vào từng thùng. Em Nguyễn Nhã Cát Tiên, học sinh lớp 4A1 của trường, tâm sự: “Trước đây, khi chưa có mô hình, em thường gom tất cả các loại rác bỏ chung vào một thùng thôi, chưa biết phân biệt đâu là rác phân hủy, đâu là tái chế. Từ hồi tham gia mô hình, em đã biết ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường cũng như tái chế những chai nhựa thành các sản phẩm để trang trí tại lớp và ở nhà nữa”.

Cần nhân rộng

Khi thực hiện mô hình, đối với rác hữu ích gồm: giấy và chai nhựa không sử dụng được, sẽ gom lại để bán tiết kiệm làm kế hoạch nhỏ. Còn chai nhựa tái sử dựng được sẽ làm thành các sản phẩm trang trí như chậu hoa, lọ đựng viết ở các lớp. Riêng bọc ni-lông sẽ được cắt nhỏ rồi nhét vào các nhựa, làm thành gạch sinh thái “Ecobricks”, trung bình mỗi chai chứa khoảng 300-500gram bọc ni-lông.

Sản phẩm gạch sinh thái, có thể dùng để xây chậu hoa, kết dính lại làm ghế ngồi… Hiện sản phẩm gạch sinh thái, đang được nhà trường tập hợp lại để hướng đến xây dựng một công viên xanh trong khuôn viên nhà trường. Là một trong những thành viên của CLB tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích, em Nguyễn Ngọc Thiên Kim, học sinh lớp 5A1, bộc bạch: “Được trực tiếp làm gạch sinh thái là cắt bọc ni-lông ra rồi nhét vào chai nhựa, em thấy rất thú vị. Từ khi tham gia vào mô hình, ngoài học được ý thức bảo vệ môi trường, em mới thấy rằng rác không phải lúc nào cũng là đồ bỏ đi, mà nhiều loại có thể tái chế thành những sản phẩm rất hay. Ngoài làm gạch sinh thái ở trường, về nhà em cũng làm gạch để xây bồn hoa trang trí xung quanh khuôn viên nhà”.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, mô hình “Phân loại rác thải - Tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích” của Trường Tiểu học Hùng Vương ra đời, đã góp phần rất lớn trong việc chuyển nhận thức thành hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Bí thư Thành đoàn Ngã Bảy, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Từ khi mô hình “Phân loại rác thải - Tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích” của trường được triển khai, đến nay tình trạng vứt rác bừa bãi trong học sinh giảm hẳn. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của học sinh đã được nâng lên rất nhiều. Với những hiệu quả thiết thực này, năm học tới Hội đồng thành phố sẽ cho nhân rộng mô hình ra các trường trên địa bàn”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>