Giáo dục STEM - Sáng tạo và phát huy năng lực

02/12/2022 | 08:27 GMT+7

Đổi mới cách dạy học theo chủ đề, tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh tìm giải pháp giải quyết vấn đề, giáo dục STEM đã giúp các nhà trường phát huy tối đa sự sáng tạo trong cách dạy của giáo viên, tạo sức hấp dẫn, phát huy tốt năng lực học tập của học sinh.

Cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại tạo nên những giờ học STEM thú vị tại Trường THPT Vị Thanh.

Hứng thú với những giờ học STEM

Không còn là bảng đen, phấn trắng với những lời giảng lý thuyết suông, dài, giờ học môn công nghệ với tiết học: Giâm cành, áp dụng theo hình thức dạy STEM của thầy trò Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh trở nên hấp dẫn. Từng nhóm học sinh thi nhau thảo luận, tự tin trình bày sản phẩm. Trên bàn học, hàng chục mẫu thiết kế giâm cành độc lạ, đẹp mắt được tái chế từ chai nhựa, lọ thủy tinh, ống nước… Em Trần Kiều Ngân, học sinh lớp 7A2, cho biết: “Em chọn giâm cành cây bông trang, dụng cụ tiết kiệm nước do em sáng tạo là 2 bình nhựa tái chế với ống hút dẫn nước mini, em cắt gọt lại vừa đẹp mắt vừa thân thiện với môi trường. Em rất thích khi tự tay tạo được một sản phẩm như thế. Học lý thuyết đi đôi với thực hành như vầy rất vui”.

Chọn chủ đề “STEM giâm cành trên dụng cụ tiết kiệm nước”, thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên dạy môn công nghệ Trường THCS Hoàng Diệu đã tạo một chủ đề mở, mỗi học sinh tự do, thoải mái sáng tạo, tìm và tái chế các vật liệu theo cách riêng của mình. Học sinh thực hành, cùng nhau trải nghiệm cảm giác ghi chép quá trình cây phát triển, vận dụng nhiều kiến thức trong toán học (tính toán thời gian cây bén rễ, phân phối lượng nước), trong môn sinh học (tìm hiểu đặc tính của cây ưa nhiệt hay không) và vận dụng cả kỹ thuật khéo léo của môn mỹ thuật, để tạo ra một sản phẩm giâm cành có hiệu quả.

Thầy Tâm chia sẻ: “Vận dụng chương trình giáo dục STEM phù hợp, vận dụng kiến thức liên môn để các em cùng nhau giải quyết một vấn đề nên không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh, các em thích học; nhiều em còn vận dụng lý thuyết được học vào trong cuộc sống rất hữu ích”.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Giáo dục STEM chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Thời gian qua, nhiều trường trong tỉnh đã triển khai áp dụng, đã có hiệu quả rõ nét. Học sinh ham học, có ý tưởng tốt, thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong nhà trường mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nhất là kỹ năng sống của học sinh được trau dồi hiệu quả trong tiết học”.

Đổi mới tư duy, khơi nguồn sáng tạo trong học sinh

Học sinh được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn, học tập gắn với cuộc sống thực hơn. Điều đó được khẳng định qua việc thời gian qua, nhiều học sinh tỉnh nhà đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng vinh dự trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.

Hiệu quả thấy rõ nhưng khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục STEM hiện nay là giáo viên phải chủ động đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy; cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu phòng thí nghiệm thực hành, phòng học công nghệ đa năng… để thầy trò trải nghiệm. Khác cách dạy truyền thống, mỗi môn một lượng kiến thức riêng, dạy theo chương trình giáo dục STEM, các hoạt động trong chương trình giáo viên thường tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết một cách sáng tạo, bằng lượng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên dạy tin học Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, cho biết: “Khó là không có phòng học công nghệ đa năng, với các trang thiết bị hỗ trợ nên đa phần học sinh cũng tự chế cho mình dụng cụ học tập, thực nghiệm trên mô hình phác thảo của giáo viên là chủ yếu nên rất khó phát huy hết năng lực học sinh”.

Là trường duy nhất của tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn đầu tư phòng học STEM Robotics, với đầy đủ trang thiết bị vào đầu năm học 2022-2023, Trường THPT Vị Thanh thời gian qua đã phát huy tính ham học trong các môn học của học sinh. Em Ngô Thị Ngọc Trân, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Vị Thanh, cho biết: “Em và các bạn đã tập tành viết lập trình, thực nghiệm mô hình Thùng rác mini thông minh tại phòng học STEM Robotics. Tuy đây không phải mô hình mới nhưng em sẽ cùng các bạn vận dụng lý thuyết môn vật lý, tin học sáng tạo 1 sản phẩm mang lại nhiều tiện ích hơn, khi gắn lý thuyết với thực hành nhiều hơn”.

Tiết học môn công nghệ, với chủ đề “STEM giâm cành trên dụng cụ tiết kiệm nước” của học sinh Trường THCS Hoàng Diệu.

Phòng học STEM Robotics do Công ty Phát triển Phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) tài trợ 2,5 tỉ đồng. Phòng được trang bị nhiều thiết bị công nghệ như: bảng tương tác, camera dùng học trực tuyến, mô hình IOT (internet of things) học sinh làm quen với mạch điều khiển, các bộ thí nghiệm lý - hóa - sinh, học vẽ lập trình, thiết kế mô hình rô-bốt thông minh…

Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, cho biết: “Không chỉ môn tin học mà các môn khác như toán, công nghệ, hóa học… rất cần sự đổi mới trong cách dạy. Vì thế, trường sẽ tăng cường chương trình giáo dục STEM cho các môn học để khai thác, phát huy tối đa cơ sở vật chất, phòng học STEM Robotics được đầu tư này. Bên cạnh đó, thành lập câu lạc bộ STEM để tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho học sinh. Yêu cầu giáo viên tăng sự tương tác, gợi mở nhiều tình huống, vấn đề để học sinh tiếp cận lập trình nhiều hơn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong cuộc sống…”.

Triển khai chương trình giáo dục STEM chất lượng, đầu tư phòng học công nghệ đa năng, phòng thực hành, trang thiết bị hiện đại… sẽ mở ra cơ hội lớn để giáo viên, học sinh tỉnh nhà tự tin khám phá, làm giàu hơn nguồn tri thức. Biến lý thuyết được học, vận dụng thành những dự án, sản phẩm thực tế, gắn việc học tập gần với cuộc sống hơn. 

STEM là chữ viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Mathematics (toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích