Mô hình góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện

13/11/2019 | 07:58 GMT+7

Độc đáo, mới lạ, mô hình “Phiên tòa giả định” của Trường THPT Vị Thanh, đang là cầu nối để học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật. Đây là mô hình duy nhất cấp THPT được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận Mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2018-2019 để nhân rộng.

Mở một phiên tòa giả định ngay tại trường, giúp học sinh có kiến thức thực tiễn về pháp luật.

Chia sẻ về việc thực hiện mô hình này, ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những clip quay cảnh học sinh đánh nhau, tình hình học sinh vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngày càng phổ biến… vẫn còn một bộ phận học sinh sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có lối sống thực dụng, đua đòi, lãng phí, có biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống… ở các nơi. Vì thế nhà trường đã bắt tay thực hiện mô hình này. Tính từ thời điểm thực hiện mô hình đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận bất cứ trường hợp học sinh nào vi phạm pháp luật bên ngoài nhà trường do các đơn vị có liên quan thông báo về”.

Đã tổ chức được 2 lần, “Phiên tòa giả định” thu hút sự quan tâm, theo dõi của học sinh. Em Nguyễn Minh Chí, học sinh lớp 11A3, chia sẻ: “Chính những gì mắt thấy, tai nghe từ phiên tòa giúp chúng em ý thức hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Từ đó có hành động đúng đắn hơn. Nhất là việc chấp hành luật an toàn giao thông và tránh xa các loại tệ nạn xã hội”.

Mở một phiên tòa giả định ngay tại trường để học sinh được tận mắt chứng kiến một buổi xử án tại tòa là cách hấp dẫn được Trường THPT Vị Thanh thực hiện vào đầu năm học 2018-2019. Mỗi học kỳ tổ chức 1 lần. Để thực hiện mô hình này, nhà trường đã phối hợp với Khoa Kinh tế - Luật của Trường Đại học Trà Vinh tổ chức 2 phiên tòa giả định với các chủ đề là “Nói không với bạo lực học đường” và “An toàn giao thông vì cuộc sống ngày mai”. Mỗi phiên tòa giả định được tổ chức gồm 3 phần chính, phần 1 cho học sinh xem clip về tình huống vi phạm để các em hiểu rõ nội dung, đồng thời gợi ý cho các em đưa ra cách giải quyết, dự đoán khung hình phạt… Mục đích hoạt động là tạo sự trải nghiệm, kích thích sự tìm hiểu của học sinh về các nội dung liên quan đến buổi tuyên truyền. Phần 2 là thực hành phiên tòa giả định. Phần 3, sau kết thúc phiên tòa giả định, ban tổ chức sẽ có những câu hỏi liên quan đến nội dung của phiên tòa và các quy định pháp luật có liên quan để kiểm tra sự tiếp thu của các em về vấn đề được tuyên truyền.

Ông Nguyễn Hoài Nhớ, Bí thư Đoàn Trường THPT Vị Thanh, chia sẻ: “Đây là một hình thức tuyên truyền pháp luật mới mà lần đầu tiên trường tổ chức. Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm đến các em học sinh phải biết nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống”.

Phiên tòa giả định được thực hiện trong khoảng 60 phút. Phiên tòa được tổ chức đúng theo hình thức, trình tự, nội dung, đảm bảo tính chuyên môn, như một phiên tòa thực sự với đầy đủ các thành viên của hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư, nhân chứng… Nội dung phiên tòa đảm bảo chân thật, gần gũi mang tính giáo dục cao, phù hợp tâm lý lứa tuổi, tạo sự hứng thú đối với các em học sinh. Em Tiêu Ngọc Hân, học sinh lớp 12A1, bộc bạch: “Em thích nhất là lần được tham gia đóng vai trong phiên tòa giả định với chủ đề “Nói không với bạo lực học đường”. Tình huống của phiên tòa rất hay, được xây dựng xoay quanh những mâu thuẫn của các bạn học sinh, chỉ một xích mích nhỏ thôi nhưng do lời qua, tiếng lại mà đã đánh bạn, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ phiên tòa em tự rút ra bài học cho mình là khi xảy ra sự việc mọi người cần bình tĩnh và xử lý vụ việc đúng theo quy định của pháp luật”.  

Cùng với mô hình “Phiên tòa giả định”, Trường THPT Vị Thanh đang thực hiện mô hình “Con đường pháp luật”. Hiệu quả mà các mô hình mang lại đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu nhà trường đề ra là tạo điều kiện cho học sinh củng cố kiến thức pháp luật, tiếp cận thực tiễn pháp luật thông qua việc tham dự “Phiên tòa giả định”. Hoạt động đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống.

Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang bắt tay vào thực hiện thêm một mô hình mới là “Mỗi tuần một câu chuyện tử tế”. Bằng việc tổ chức để học sinh sưu tầm, chọn lọc những câu chuyện người tốt việc tốt trong sách hoặc ngoài xã hội. Học sinh sẽ kể cho các bạn cùng nghe trong tuần sinh hoạt dưới cờ. Tin rằng đây sẽ là một giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao hơn phẩm chất, đạo đức của học sinh một cách toàn diện, góp phần thực hiện tốt chủ đề “Dạy người” của năm học”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>