Mô hình học tập đa năng

12/05/2020 | 06:50 GMT+7

Trần Quang Duy Khương, học sinh lớp 10A6 (Trường THPT Tầm Vu); Nguyễn Như Phước Thành, học sinh lớp 9A1 và Nguyễn Thị Kim Ngọc, học sinh lớp 9A5 (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam), đã sáng tạo ra mô hình học tập đa năng tích hợp liên môn đầy hữu ích.

Nhóm học sinh trình bày mô hình với những điểm nhấn trực quan hay.

Để giúp học sinh nắm bắt thêm những kiến thức mới, nhiều giáo viên đã bắt đầu dạy tích hợp các môn học để tăng khả năng tư duy, vận dụng và quan sát, nhưng để các em làm sao nhanh chóng làm quen và học tốt với cách giảng dạy mới sẽ không dễ. Chính điều này đã hun đúc nhóm học sinh Phước Thành, Kim Ngọc, Duy Khương lên ý tưởng, thiết kế mô hình học tập đa năng tích hợp liên môn.

Mô hình ban đầu được thiết kế khá rườm rà, nhưng nhóm đã cải tiến dần và điều chỉnh các chi tiết trở nên gọn gàng hơn. Em Duy Khương bộc bạch: “Quá trình thực hiện mô hình, tụi em gặp nhiều khó khăn về thời gian, lịch học, tạo sự đồng thuận, thống nhất và phối hợp nhịp nhàng của cả nhóm. Mỗi thành viên tự chia ra để tìm hiểu những môn học là thế mạnh của mình để đảm bảo cập nhật, vận dụng đầy đủ các kiến thức vào mô hình đạt kết quả tốt nhất”.

Trước tiên, nhóm hoàn chỉnh khung mô hình bằng ống nhựa theo hình khối để đóng - mở thuận tiện, tiết kiệm diện tích; tận dụng la phông nhựa cũ làm mặt, tôn tạo bảng từ. Sau đó, dùng nam châm cố định hình vẽ hay sơ đồ nếu học nhóm. Sử dụng muỗng nhựa, thanh nhôm, cỏ giả, ống hút,… để mô phỏng hệ thống thủy điện, khu công nghiệp, cây, đèn đường, nông trại, núi lửa, biển báo giao thông… Do có kết nối vi điều khiển với bốn cảm biến siêu âm, còi, nguồn điện nên khi người học ngồi ở khoảng cách quá gần, còi sẽ báo động nhắc nhở, giúp hạn chế cận thị, cong vẹo cột sống.

Em Kim Ngọc chia sẻ: “Đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019 với tụi em là niềm vui bởi những khó khăn, thử thách được bù đắp xứng đáng. Em hy vọng trong tương lai, mô hình có thể áp dụng rộng rãi và giúp ích cho việc học”. Điểm cộng của mô hình là tận dụng được đa số các nguyên, vật liệu tái chế, dễ tìm góp phần vào việc bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Mô hình giúp học sinh dễ dàng hình dung các kiến thức cơ bản đã học trong thực tế ngay trên lớp học. Do sử dụng dòng điện 12-24V nên an toàn, không gây ra ảnh hưởng đến người dùng.

Nhóm học sinh cũng đã áp dụng thử mô hình ở lớp trong một số tiết dạy, qua thực hành thử nghiệm đều được các bạn và giáo viên đánh giá cao. Điển hình ở môn sinh học: Học sinh sẽ được thực hành cho hạt nảy mầm, phân biệt rễ cọc với rễ chùm, các kiểu gân lá, quần thể, quần xã, hệ sinh thái, chuỗi và lưới thức ăn. Môn vật lý áp dụng về dòng điện, nguồn điện, an toàn khi sử dụng điện, thực hành mô phỏng tua bin nước hoặc sử dụng điện mặt trời trong sinh hoạt. Còn môn công nghệ có thể học về truyền chuyển động, biến đổi chuyển động, an toàn về điện, quạt điện, máy bơm nước. Hay dễ dàng cập nhật thêm kiến thức về núi lửa, phân biệt sông, hồ trong môn địa lý. Hỗ trợ tuyên truyền các biển báo giao thông, đi đúng phần đường, làn đường ở môn giáo dục công dân…

Chính sự bao quát và sinh động của mô hình đã tạo cảm giác thú vị, dễ tiếp thu, giúp học sinh có thêm cảm nhận mối quan hệ sâu sắc giữa các môn học. Thực hành chính là cách học sinh động, thú vị, dễ hiểu mà nhiều học sinh rất cần thiết. Riêng phụ huynh có thể theo dõi về chế độ ánh sáng, nhiệt độ lúc con em mình học để nhắc nhở bật tắt đèn, quạt, điều khiển các thiết bị cho phù hợp thông qua smartphone.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>