Những “Chuyến đò” chưa ngơi nghỉ

23/11/2020 | 18:28 GMT+7

Không chỉ cống hiến hết mình cho những thế hệ học trò thân yêu lúc còn đứng trên bục giảng, khi đã về hưu, nhiều cựu giáo chức trên địa bàn tỉnh vẫn âm thầm gieo chữ cho học sinh nghèo theo cách của riêng mình.

Cô Đào (hàng trên, thứ 3 từ trái sang) vận động hỗ trợ hàng tháng cho 180 học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Tiếp thêm động lực cho học trò nghèo

Sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn, nên cô Trần Ngọc Đào, cựu giáo viên Trường Tiểu học Vị Tân 2 (nay là Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám), thành phố Vị Thanh, dường như hiểu hơn ai hết về ước mơ được cắp sách đến trường của học sinh nghèo, học sinh khó khăn. Sau 30 năm là giáo viên và cán bộ quản lý, khi đã về hưu cô vẫn chọn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “trồng người” bằng những việc làm thiết thực. Cô Đào tâm sự: “Lúc về hưu nghỉ ở nhà thấy nhớ nghề lắm, nhất là mỗi khi nhìn thấy học trò, ngay sau đó tôi xin vào dạy ở lớp học tình thương được đặt tại một nhà thờ trên địa bàn thành phố. Sau này, tham gia công tác ở Hội Khuyến học thành phố để góp phần nào chăm lo cho các em học sinh đến trường”.

Năm 2005, sau khi về hưu, cô Đào đã bắt đầu đi dạy miễn phí tại lớp học tình thương dành cho trẻ em cơ nhỡ, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn… Lúc bấy giờ tại đây có 5 lớp, với khoảng 60 học sinh theo học, đa phần học sinh nơi đây do không có hộ khẩu, nên không thể theo học ở các trường trên địa bàn. Với nhiều năm kinh nghiệm, cô được phân công giảng dạy cho 17 em học sinh khối lớp 1. Đến năm 2013, khi sỉ số học sinh ở các lớp ít dần, cô chuyển về tham gia công tác ở Hội Cựu giáo chức thành phố. Sau đó, năm 2017 tham gia vào công tác làm khuyến học, khuyến tài và được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Vị Thanh.

Bên cạnh vận động chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn vào mỗi dịp năm học mới hay Tết Nguyên đán, thời gian qua cô Đào còn chủ động tìm các nguồn tài trợ để hỗ trợ hàng tháng cho hơn 180 học sinh nghèo trên địa bàn. Cô Đào bộc bạch: “Tuy là địa bàn thành phố, nhưng số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ còn khá nhiều, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, có đông học sinh dân tộc. Thấy học sinh nghèo, tôi lại nhớ về hình ảnh học sinh nghèo trước đây, chân đất lội bộ đến trường, nhiều em còn ôm theo bó củi, bó rau, con cá… cho thầy, cô. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng vận động nhiều hơn, để chăm lo các em có thêm điều kiện cắp sách đến trường”.

Để có được nguồn kinh phí hoạt động và tài trợ cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn, bản thân cô Đào đã lặn lội đi vận động bạn bè, học trò cũ, các mạnh thường quân… Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của cô, rất nhiều tấm lòng vàng đã nhiệt tình ủng hộ. Nhờ đó, trung bình mỗi năm nguồn kinh phí để chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài của thành phố cũng vận động được khoảng từ 4-5 tỉ đồng.

Chưa nghỉ ngơi vì trò nghèo

Thầy Nguyễn Văn Nhãn, ở ấp 2, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cựu giáo viên Trường Tiểu học Long Trị 1, khi về hưu cũng dành hầu hết thời gian để chăm lo cho học sinh nghèo và hỗ trợ giáo viên về hưu gặp khó khăn trong cuộc sống. Đang nhanh tay chuẩn bị phần quà, dành tặng cho hội viên cựu giáo chức của địa phương nhân buổi họp mặt dịp 20-11, thầy Nhãn chia sẻ: “Về hưu rồi, không còn đóng góp gì được cho giáo dục nữa, bởi vậy giờ làm gì được trong khả năng của mình tôi cố gắng làm thôi. Mỗi năm, ngoài giúp cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, tôi còn vận động thành lập tổ hùn vốn để giúp đỡ cho hội viên cựu giáo chức gặp khó khăn tại địa phương”.

Sau khi về hưu từ năm 2011 đến nay, ngoài trích lại một phần từ tiền lương hưu hàng tháng, thầy Nhãn còn vận động bạn bè để có thêm phần kinh phí giúp đỡ học sinh. Trung bình, mỗi năm thầy vận động được khoảng 20-60 triệu đồng, giúp đỡ cho khoảng 60-70 học sinh tại địa phương. Không chỉ giúp đỡ cho học sinh vào khai giảng năm học mới, thầy Nhãn còn hỗ trợ đối với những trường hợp học sinh gặp khó khăn đột xuất. Bên cạnh đó, với tổ hùn vốn để giúp đỡ hội viên cựu giáo chức khó khăn, cũng đã giúp vốn cho 4 hội viên buôn bán nhỏ cải thiện thu nhập. Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Nhãn cho biết: “Việc làm của tôi quá nhỏ nhoi và rất đỗi bình thường. Mong sau ngày càng có nhiều tấm lòng vàng dành cho sự nghiệp trồng người, để những thế hệ tương lai ngày càng vững bước hơn trên con đường đến trường”.

Nhìn nụ cười mãn nguyện của thầy Nhãn, cô Đào, chúng tôi cảm nhận được những điều tốt đẹp mà các giáo viên về hưu đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Mong rằng, những việc làm ý nghĩa của các thầy, cô sẽ chắp cánh để lan tỏa yêu thương đến với nhiều học sinh nghèo.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>