Sáng kiến cho người nội trợ

27/03/2020 | 07:41 GMT+7

Em Nguyễn Ngọc Hòa Thắm, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, đã thiết kế “Hệ thống cảnh báo an toàn khi nấu ăn”, giúp ích nhiều cho người nấu ăn tại gia.

Hòa Thắm thực hiện thí nghiệm kiểm tra hệ thống.

Tận mắt chứng kiến và cập nhật nhiều thông tin trên báo, đài về những hệ lụy nghiêm trọng do việc vô ý trong nấu ăn gây nên, Hòa Thắm đã nhen nhóm lên ý tưởng thiết kế hệ thống này. Em chia sẻ: “Ở nhà, dì em nấu ăn nhưng hay quên, khiến thức ăn bị cháy khét nên gia đình khá lo lắng. Trong quá trình thực hiện, bản thân em đối diện nhiều khó khăn để tiếp cận hệ thống, đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đó là ước mơ, hoài bão đề ra nên tiếp tục nỗ lực”. Đối với Hòa Thắm, việc nghiên cứu, sáng tạo đem đến cho em nhiều kiến thức cần thiết và bổ ích trong cuộc sống. Bước vào môi trường sáng tạo, đã rèn cho cô học trò nhỏ sự nhẫn nại, vượt khó và vững tin vào việc mình làm.

Việc khiến đồ dùng hư hỏng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, thường khởi nguồn từ sự bất cẩn trong nội trợ. Một số người có thói quen sử dụng than đá để đun nấu và sưởi ấm, dẫn đến phát sinh khí cacbon monoxit (CO) trong nhà, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc khí khi ngửi, hít quá nhiều. Hòa Thắm hy vọng với hệ thống cảnh báo an toàn khi nấu ăn của mình, phần nào đó giúp khắc phục những hạn chế trên, mang đến sự an toàn cần thiết cho người nội trợ.

Hệ thống bao gồm một tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, cảm biến khí gas MQ-2, hai cảm biến khí CO MQ-7, còi báo động… Kinh phí thực hiện hệ thống dưới 1 triệu đồng. Mong muốn của em là cải thiện để giảm giá thành sản phẩm, giúp vừa túi tiền người dùng. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo khi người nấu ăn quên tắt bếp gas, giúp phát hiện khí CO. Khi có khí gas trong môi trường, cảm biến MQ-2 nhận biết và còi báo động sẽ vang lên. Sau đó, do được lập trình sẵn, điện thoại của chủ nhà sẽ nhận được cuộc gọi từ module sim 900A trong thiết bị (sẽ báo động một lần). Việc báo động này diễn ra tương tự ở hai cảm biến MQ-7 khi phát hiện khí CO (được lập trình theo giá trị riêng).

Người dùng sẽ sử dụng bình ắc quy để cung cấp điện cho hệ thống hoạt động. Theo Hòa Thắm, nếu sử dụng nguồn điện gia đình sẽ gây nguy hiểm nếu khí gas thoát ra ngoài (dễ dẫn đến cháy nổ) hoặc trường hợp cúp điện hệ thống không thể hoạt động được. Cảm biến MQ-2 sẽ được lắp ở vị trí gần bếp để phát hiện khí gas, còn MQ-7 cần để trên cao nhằm nhận biết khói, khí CO sinh ra khi thức ăn bị cháy khét. Riêng cảm biến MQ-7 thứ hai sẽ để gần bếp than đá nhằm dễ nhận diện khi khí CO vượt ngưỡng cho phép.

Từ khi sản phẩm thành hình đến nay, Hòa Thắm thường xuyên kiểm tra nguồn điện để đảm bảo tính an toàn, hoạt động hiệu quả. Ông Bạch Đình Tuyến, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, người trực tiếp hướng dẫn Hòa Thắm thực hiện hệ thống cảnh báo an toàn khi nấu ăn, cho biết: “Hai thầy trò phải mày mò hơn 2 tháng mới hoàn chỉnh hệ thống. Hòa Thắm ham học hỏi, chịu khó, nhất là trong việc kiểm tra và lắp đặt mạch điện. Giành được giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang vừa qua đối với chúng tôi là niềm vui lớn”.

Hòa Thắm thông tin thêm, hệ thống này có thể sử dụng rộng rãi trong các căn bếp của gia đình, những hộ kinh doanh ăn uống, với ưu điểm dễ lắp đặt, dễ sử dụng và an toàn trong khi vận hành. Hệ thống sẽ giúp người nội trợ tìm được hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề đảm bảo an toàn khi nấu ăn và chống ngộ độc khí CO do sử dụng bếp than, bếp gas hoặc máy phát điện trong không gian kín. Đặc biệt, hạn chế việc xảy ra những tai nạn hỏa hoạn đáng tiếc liên quan đến bếp ăn gia đình vẫn diễn ra thường nhật. Hy vọng sẽ có cơ hội sản xuất đưa ra thị trường trong tương lai...

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>