Thêm sáng tạo phòng, chống dịch Covid-19

07/05/2020 | 07:33 GMT+7

Hai giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A), là thầy Đặng Văn Đạo và thầy Lê Thanh Liêm đã phối hợp sáng tạo “Thiết bị hỗ trợ rửa tay không tiếp xúc”, với cách rửa tay khác lạ so với thông thường.

Thầy Đặng Văn Đạo (trái) và thầy Lê Thanh Liêm, chuẩn bị lắp đặt thêm nhiều “Thiết bị hỗ trợ rửa tay không tiếp xúc” trong nhà trường thời điểm học sinh đi học lại.

Rửa tay mà không cần lấy xà phòng, mở van nước…

Vừa mới vệ sinh tay xong tại bồn rửa tay không tiếp xúc đặt tại Trạm Y tế xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, ông Phan Văn Bé, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi lần này đến khám bệnh tại trạm y tế thấy có một thiết bị rửa tay lạ như vậy. Với “Thiết bị hỗ trợ rửa tay không tiếp xúc” tôi thấy rất an tâm, vì tất cả các thao tác rửa tay đều không phải tiếp xúc vào bất cứ vật dụng nào, kể cả việc lấy xà phòng rửa và bật van vòi nước”.

Điểm sáng tạo của thiết bị chính là sự tiện lợi, nhanh gọn, linh động, dễ di chuyển, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc qua các vật dụng dùng chung như xà phòng, van rửa tay tại bồn rửa tay. Với việc lắp đặt 3 cảm biến hồng ngoại tại 3 vị trí: vị trí thứ nhất sẽ giúp nhận diện người ở cự ly gần từ 3-80cm để mời người đến rửa tay; vị trí thứ 2 là nhận diện bàn tay để tự động xịt 1 lượng dung dịch xà phòng nước vừa đủ để rửa tay và vị trí thứ 3 là vòi phun nước. Tất cả thao tác đều hoàn toàn tự động.

Thiết bị còn có hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lợi ích của việc rửa tay, diệt khuẩn, phòng tránh sự lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. Như vậy, với thiết bị này, người sử dụng chỉ cần thời gian khoảng 30 giây là đã tự vệ sinh tay sạch khuẩn, kinh phí thực hiện thiết bị chỉ khoảng 2,5 triệu đồng.

Chia sẻ lý do thực hiện thiết bị này, thầy Đặng Văn Đạo, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, cho biết: “Tôi lóe lên ý tưởng này vào khoảng giữa tháng 3, khi học sinh khối lớp 9 của trường đã đi học lại. Học sinh đông, các bồn rửa tay tuy đã được trường bố trí nhiều nhưng việc tiếp xúc chung vào xà phòng, van nước sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lây truyền dịch bệnh nếu có. Tôi đã bàn với thầy Liêm là có thể chế tạo ra một bồn rửa tay mà tất cả các hoạt động đều tự động, như vậy sẽ an toàn cho sức khỏe học sinh hơn”.

Với sự hỗ trợ kinh phí từ nhà trường, sau gần 2 tuần chế tạo, từ những ống nước, thanh sắt, các mao mạch và các cảm biến bình thường, qua sự sáng tạo của 2 thầy đã trở thành một thiết bị hữu ích. Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên dạy vật lý của trường, chia sẻ: “Thấy thiết bị của mình hữu ích trong thời điểm này, nên chúng tôi đã đề xuất với Trạm Y tế xã Tân Bình để được tiến hành thực nghiệm, test thiết bị. Trạm y tế đồng ý và hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình”.

Những sáng tạo rất phù hợp chống dịch

Bà Võ Thị Bé Thủy, Trưởng trạm Y tế xã Tân Bình, cho biết: “Khi mới nghe 2 thầy đề xuất thực nghiệm tại trạm y tế tôi thấy hơi phân vân vì bồn rửa tay và các dung dịch sát khuẩn trạm cũng đã có bố trí lắp đặt và sử dụng rồi. Nhưng nghĩ nếu có thêm thiết bị tự động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nên chúng tôi ủng hộ. Khoảng 2 tuần đặt thiết bị tại đây, chúng tôi rất an tâm với tính tiện lợi, an toàn, dễ di chuyển. Thấy rõ được hiệu quả tuyên truyền để mọi người giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch”.

Thầy Liêm bộc bạch: “Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp thiết bị để lắp đặt ít nhất 6 cái tại nhà trường sẽ hỗ trợ học sinh, giáo viên trong việc giữ gìn vệ sinh tay, đảm bảo sức khỏe”.

Thời gian nghỉ học phòng dịch trước đây, thầy cô giáo các điểm trường đã tích cực nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, góp phần tốt cho việc phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn như thầy giáo Mai Trọng Hữu, là giáo viên dạy môn địa lý, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã nghiên cứu sáng tạo “Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc”. Thầy Hữu chia sẻ: “Chỉ trong thời gian 3 giây, thiết bị sẽ đo thân nhiệt một cách chính xác cho học sinh. Tôi hy vọng với thiết bị này mình sẽ góp phần sức lực cùng với nhà trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Hay thầy Phạm Công Danh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành đã sáng tạo “Thiết bị thông tin, tuyên truyền và rửa tay sát khuẩn tự động”…

Với tính tiện lợi, an toàn, kinh phí thấp, các sản phẩm sáng tạo của các giáo viên hứa hẹn sẽ là dụng cụ đắc lực cho việc giữ gìn vệ sinh tay, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trong nhà trường và cộng đồng.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>