Thiếu giáo viên kéo theo nhiều bất cập khác

29/05/2024 | 05:59 GMT+7

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ không phải là câu chuyện mới, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm, thì đây sẽ là vấn đề lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.

Bài 2: Giáo viên “2 trong 1”: Có cái hay nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp

Các cấp học đều thiếu giáo viên, khiến những định hướng phát triển giáo dục và đào tạo bị ảnh hưởng không ít.

Khó tuyển dụng được giáo viên mới, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải tăng số tiết dạy cho giáo viên, phân công giáo viên kiêm nhiệm, thậm chí ban giám hiệu tham gia đứng lớp... Điều này cũng có những cái hay nhưng bất cập không ít.

Rất khó cho các trường khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2023-2024, Trường THPT Châu Thành A, huyện Châu Thành A, có 56 cán bộ quản lý, giáo viên. Với quy mô hơn 1.125 học sinh đang theo học 26 lớp, dù năm học này nhà trường đảm bảo đủ giáo viên, nhưng hiện rơi vào tình trạng thừa thiếu cục bộ ở từng học kỳ.

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đối với giáo viên đang thiếu ở các môn như quốc phòng an ninh, âm nhạc, mỹ thuật, nhà trường đã thỉnh giảng giáo viên trên địa bàn đến giảng dạy. Học kỳ II, trường đang thừa giáo viên vật lý, sinh học, công nghệ, tin học trường phải phân công kiêm nhiệm thêm một số công việc tư vấn tâm lý, vườn trường, quản lý phòng thiết bị. Cách làm này tuy khiến thầy cô thêm áp lực vì ngoài chuyên, nhưng giúp các thầy cô đủ tiết theo quy định. Nhà trường phân công nhiều nhất là 1 giáo viên kiêm thêm 2 chức năng ngoài chuyên môn, còn lại những giáo viên đang thiếu tiết được phân công phụ trách kiêm nhiệm nhân viên y tế luân phiên hàng tháng”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai từ lớp 1-4 ở bậc tiểu học, lớp 6-8 cấp THCS và lớp 10, 11 bậc THPT. Năm học 2024-2025 sẽ tiếp tục triển khai đối với lớp 5, 9 và 12. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng học sinh qua từng năm học đã khiến nhiều trường rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên.

Được xem là cấp học đang khó khăn nhất, khi học theo chương trình mới học sinh bắt buộc phải lựa chọn tổ hợp tự chọn. Hiện hầu hết các trường THPT có sự phân hóa rõ rệt giữa các môn tự chọn, có môn học sinh lựa chọn rất đông như vật lý, hóa học… sĩ số lớp có khi vượt quá quy định 45 em. Ngược lại cũng có những môn số lượng học sinh chọn rất ít, lớp chỉ có khoảng 25 em, nhất là những môn như địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ…

Ông Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Hiện trường phải dựa vào phương án tuyển sinh của các trường đại học để cân đối chương trình, xây dựng tổ hợp phù hợp… vì mục đích cuối cùng của học sinh vẫn là xét tuyển đại học. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải đảm bảo số tiết cho đội ngũ giáo viên của mình ở tất cả các môn, không thể nhóm môn này mà bỏ môn khác được, nếu làm vậy sẽ làm giáo viên thừa - thiếu cục bộ”.

Trường Mầm non Anh Đào, huyện Châu Thành A, cơ bản đảm đủ giáo viên giảng dạy ở các lớp, nhưng đến nay trường vẫn còn thiếu nhân viên y tế, nhà trường phải phân công... kế toán kiêm nhiệm.

Để khắc phục tình trạng “thừa - thiếu” giáo viên cục bộ, nhiều trường phải bố trí giáo viên dạy liên môn như địa lý - hóa học - sinh học; toán - tin học… Riêng những môn đặc thù như thể dục, âm nhạc, theo quy định giáo viên phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nhưng không có nguồn tuyển hoặc thừa sẽ thỉnh giảng hoặc được phân công dạy liên trường.

Cần những giải pháp lâu dài để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề

Đến tháng 1-2024, toàn tỉnh thiếu 655 giáo viên và thừa 20 giáo viên (3 giáo viên tiểu học, 17 giáo viên THCS).

Thiếu thì đã rõ, vậy tại sao lại có chuyện thừa giáo viên? Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân là do việc xây dựng tổ hợp các môn học cho học sinh theo quy định tại Thông tư số 13/2022, học sinh chọn 4 môn học từ các môn lựa chọn, sẽ có môn được chọn nhiều, môn ít, dẫn đến thừa hoặc thiếu giáo viên ở từng thời điểm nhất định. Một nguyên nhân khác là có thể do quy mô lớp học ở các trường giảm...

Để thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng viên chức đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12, quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên. Tuy nhiên, phải cam kết giảng dạy tại Hậu Giang 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác đến tỉnh.

Khắc phục tình trạng “thừa - thiếu” cục bộ trong phân công và sử dụng viên chức, ngành giáo dục đã thực hiện phân công giáo viên dạy liên trường theo hướng dẫn tại Công văn số 358 của Cục Nhà giáo Cán bộ quản lý giáo dục về phân công giáo viên dạy liên trường. Hướng dẫn liên tịch số 1571 của Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Nội vụ về việc phân công giáo viên phổ thông dạy liên trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, hiện giáo viên thực hiện dạy liên trường chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng thực hiện phân công kế toán công tác liên trường. Dựa trên Nghị quyết quy định của HĐND tỉnh, mỗi kế toán thực hiện liên trường được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng đối với trường kiêm nhiệm có từ 20 biên chế trở xuống và hỗ trợ 2,5 triệu đồng/tháng đối với trường kiêm nhiệm có từ 21 biên chế trở lên.

Để đảm bảo đủ giáo viên, nhân viên phục vụ công tác giảng dạy, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều tham mưu để có cơ chế, chính sách hợp đồng giáo viên, nhân viên. Năm học 2022-2023, thực hiện Nghị quyết số 15, ngành giáo dục hợp đồng 307 giáo viên và 341 nhân viên; năm học 2023-2024, thực hiện Nghị quyết số 21, hợp đồng 134 giáo viên, 62 nhân viên, 323 người lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ.

Tại đợt làm việc với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh mới đây, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, gợi ý cho Hậu Giang một số cách làm để gỡ khó về tình trạng thừa - thiếu giáo viên. Tỉnh có thể mời hợp đồng lại các giáo viên đã về hưu; chủ động kiếm nguồn tuyển dụng bằng cách đặt hàng đào tạo với các trường có ngành sư phạm hoặc liên hệ các trường cao đẳng, đại học để đưa thông tin tuyển dụng giáo viên của tỉnh đến sinh viên; tăng tự chủ cho các trường để từng đơn vị chủ động tìm giáo viên dựa trên nhu cầu thực tế trường thay vì để ngành tuyển dụng như trước nay…

Toàn tỉnh thiếu 655 giáo viên (các trường thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo thiếu 46 giáo viên, thành phố Vị Thanh thiếu 24 giáo viên, huyện Vị Thủy thiếu 62 giáo viên, thị xã Long Mỹ thiếu 31 giáo viên, huyện Long Mỹ thiếu 54 giáo viên, huyện Phụng Hiệp thiếu 173 giáo viên, thị xã Ngã Bảy thiếu 45 giáo viên, huyện Châu Thành thiếu 71 giáo viên và huyện Châu Thành A thiếu 149 giáo viên), thừa 20 giáo viên (thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, mỗi địa phương thừa 7 giáo viên; thị xã Long Mỹ thừa 5 giáo viên; huyện Châu Thành thừa 1 giáo viên).

Toàn tỉnh có 314 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>